Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phải tạo chuyển biến căn bản về đạo đức, lối sống của học sinh, sinh viên

Hoa Minh| 06/08/2019 12:08

(HNMO) - Sáng 6-8, phát biểu chỉ đạo tại hội nghị trực tuyến tổng kết năm học 2018-2019, triển khai nhiệm vụ năm học 2019-2020 do Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tổ chức, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhận định, trong năm học 2018-2019, ngành GD-ĐT tuy đối diện với không ít khó khăn, thách thức, nhưng đã đạt nhiều kết quả tích cực. Đặc biệt, kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 được tổ chức công khai, minh bạch, khách quan, chặt chẽ và nền nếp, chất lượng hơn cùng nhiều việc làm khác đã tạo niềm tin cho toàn xã hội.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự và phát biểu chỉ đạo tại hội nghị tổng kết năm học 2018-2019, triển khai nhiệm vụ năm học 2019-2020

Thủ tướng cũng nêu thêm một số điểm nhấn thành công trong năm học 2018-2019, như: Chất lượng giáo dục đại trà và mũi nhọn có nhiều cải thiện; hệ thống cơ sở vật chất trường, lớp được các địa phương quan tâm đầu tư; người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn được tạo điều kiện tốt hơn về học tập, đào tạo; chất lượng giáo viên nhìn chung tăng lên; bổ sung 23.000 giáo viên mầm non ở 19 tỉnh, thành phố trong bối cảnh tinh giản biên chế toàn quốc; ban hành chương trình giáo dục phổ thông mới...

“Đặc biệt, đã có sự chuyển mình về nhận thức của cấp ủy, chính quyền và người dân với sự nghiệp GD-ĐT. Một số “vùng trũng” về giáo dục trước đây nay đã vươn lên, chuyển biến tốt hơn”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận xét.

Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng yêu cầu ngành giáo dục thẳng thắn nhìn vào những hạn chế, yếu kém, tồn tại để tìm giải pháp khắc phục như: Công tác rà soát, sắp xếp hệ thống trường, lớp còn kém; còn tình trạng thừa - thiếu trường, lớp; thừa - thiếu giáo viên cục bộ; việc sắp xếp các trường sư phạm, cơ sở đại học còn chậm, ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của ngành giáo dục.

Nhiều địa phương chưa quan tâm đến quỹ đất để xây trường học, nhất là hệ mầm non trong các khu kinh tế, khu công nghiệp, chế xuất. Có nhiều địa phương chỉ bố trí giáo viên bảo đảm định mức theo quy định, trong khi số lượng học sinh lớn, dẫn đến quá tải trong dạy và học. 

Đặc biệt, việc giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên chưa đúng mức; việc giáo dục các kỹ năng mềm, kỹ năng thực hành còn hạn chế. Một bộ phận học sinh, sinh viên, giáo viên vi phạm đạo đức lối sống, gây bức xúc xã hội, ảnh hưởng đến thuần phong, mỹ tục của người Việt...

Chất lượng nguồn nhân lực còn thấp và thiếu ở một số ngành mũi nhọn của đất nước như du lịch, nông nghiệp hữu cơ chất lượng cao, công nghệ thông tin… Quá trình đào tạo chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn do cơ cấu đào tạo chưa phù hợp...

Trên cơ sở đó, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh một số giải pháp mà ngành GD-ĐT cần chú ý thực hiện trong thời gian tới.

Cụ thể, Thủ tướng yêu cầu ngành GD-ĐT và các địa phương rà soát lại quy hoạch mạng lưới trường, lớp, nhất là hệ thống trường mầm non, phổ thông, tạo điều kiện tốt nhất cho mọi người dân học tập; bố trí đủ quỹ đất để xây dựng trường học, nhất là các trường mầm non còn thiếu hụt; giải quyết dứt điểm việc thiếu trường, lớp ở các khu công nghiệp, chế xuất; xây dựng thiết chế văn hóa cho học sinh, sinh viên và giáo viên... Các địa phương cần rà soát, sắp xếp lại đội ngũ giáo viên theo hướng khắc phục tình trạng thừa - thiếu cục bộ hiện nay; có kế hoạch bồi dưỡng giáo viên bảo đảm thực hiện tốt chương trình giáo dục phổ thông mới.

“Các trường đại học sư phạm phải đào tạo sinh viên ra trường trở thành những nhà giáo dục, chứ không phải là những thầy dạy. Cho nên, các "máy cái" này phải tốt thì mới có "máy con" tốt”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ GD-ĐT thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường đại học “hữu danh vô thực” hoặc “hữu thực vô danh” để củng cố một bước, có lộ trình, bước đi trong quy hoạch, sắp xếp mạng lưới các trường đại học; trình Thủ tướng Chính phủ đóng cửa một số cơ sở đào tạo kém chất lượng kéo dài hoặc dừng các ngành đào tạo kém chất lượng.

Trong phát biểu chỉ đạo của mình, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dành nhiều thời gian đề cập vấn đề giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên.

“Năm học này, phải tạo ra sự chuyển biến căn bản về đạo đức, lối sống, kể cả kỹ năng sống của học sinh, sinh viên. Việc giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên là trách nhiệm của toàn xã hội, trong đó nhà trường đóng vai trò trung tâm”, Thủ tướng yêu cầu.

Với tinh thần đó, Thủ tướng yêu cầu các thầy cô phải gương mẫu, là tấm gương đạo đức quý báu nhất để học sinh noi theo. Bộ GD-ĐT cần rà soát lại các chương trình giáo dục đạo đức, lối sống, bảo đảm thiết thực, khả thi, hiệu quả. Việc giáo dục đạo đức, lối sống không chỉ được thực hiện trong trường học, mà đặc biệt thông qua các hoạt động trải nghiệm, sáng tạo như tổ chức viếng nghĩa trang liệt sĩ, thăm các gia đình chính sách, thăm nơi đồng bào còn có cuộc sống khó khăn... để học sinh, sinh viên thấu hiểu hơn cuộc sống. Sau hội nghị này, Bộ GD-ĐT chủ trì, trình Thủ tướng ban hành chỉ thị về giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên trước thềm khai giảng năm học mới. 

Đồng thời, cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể chính trị - xã hội có trách nhiệm cùng nhà trường giải quyết các vấn đề đạo đức trong và ngoài trường học trên địa bàn như bạo lực học đường, tình trạng mất an toàn giao thông, bán hàng quán trước cổng trường, tệ nạn xã hội…

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nhấn mạnh thêm một số nhiệm vụ mà ngành GD-ĐT cần thực hiện trong năm học tới như: Tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý giáo dục, đào tạo theo các nghị quyết của Trung ương; ban hành cơ chế, chính sách tạo điều kiện cho các trường đại học thực hiện cơ chế tự chủ, bảo đảm vai trò của hội đồng nhà trường đúng thẩm quyền, đúng quy định; quan tâm đến giáo dục ở khu vực miền núi bởi hiện nay, có tới 21% người dân tại khu vực này mù chữ và tái mù chữ, 32% trẻ em thiếu chất dinh dưỡng…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phải tạo chuyển biến căn bản về đạo đức, lối sống của học sinh, sinh viên

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.