Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhất trí đưa Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam vào Luật Thư viện

Phong Thu| 14/08/2019 19:59

(HNMO) – Chiều 14-8, tiếp tục phiên họp thứ 36, dưới sự điều hành của Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Thư viện.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Thư viện.

Một số nội dung lớn còn có ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Thư viện gồm: Trách nhiệm của Nhà nước đối với Thư viện Quốc gia và thư viện cấp tỉnh; xếp hạng thư viện; Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam.

Cho ý kiến về dự thảo luật, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu tán thành việc Nhà nước đầu tư cho Thư viện Quốc gia, thư viện tỉnh, còn thư viện huyện thì tùy tình hình, nên phân cấp cho địa phương chủ động đầu tư. Đối với việc xếp hạng thư viện, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nêu quan điểm: Cần xác định ý nghĩa, mục đích của việc này là gì? Phương thức đánh giá ra sao? Nếu không rõ ý nghĩa và khó cả trong việc đánh giá thì không nên xếp hạng.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đồng tình quan điểm này và nhất trí với đề xuất không cần đưa nội dung xếp hạng thư viện vào dự thảo luật. Cùng đó, Chủ tịch Quốc hội khẳng định, việc duy trì Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam là rất cần thiết, nên khuyến khích và đưa vào trong luật.

“Việc quy định Ngày sách và văn hóa đọc sẽ có ý nghĩa rất lớn để khuyến khích việc viết sách, xuất bản sách, văn hóa đọc trong thế hệ trẻ, nhất là hiện nay, việc đọc sách ở nước ta giảm so với các nước”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh.

Phát biểu làm rõ thêm, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết, dự thảo luật được xây dựng với mong muốn tạo ra một khuôn khổ pháp lý để sứ mệnh của thư viện tiếp tục được phát huy. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định sẽ tiếp thu các ý kiến góp ý. Tuy nhiên, nhiều nơi địa lý đặc thù như biên giới, hải đảo xa xôi vẫn cần được Nhà nước đầu tư thư viện. Do đó, Ban soạn thảo sẽ tiếp tục chỉnh sửa, bổ sung câu từ trong dự thảo luật cho phù hợp.

Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí chủ trương ghi rõ trong luật “Nhà nước có trách nhiệm đầu tư cho Thư viện Quốc gia và thư viện cấp tỉnh”; thư viện cấp huyện, cấp xã sẽ do cấp tỉnh chủ động đầu tư.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng nhất trí đưa Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam vào trong Luật Thư viện (ngày 21-4 hằng năm) và không xếp hạng thư viện.

Cần bố trí cơ sở huấn luyện lực lượng dự bị động viên hợp lý

Cũng trong chiều nay, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Lực lượng dự bị động viên.

Về tên gọi của dự thảo luật, đa số ý kiến nhất trí với tên luật như dự thảo luật Chính phủ trình, vì cho rằng tên gọi này là không trái quy định của Hiến pháp, Luật Quốc phòng.

Các đại biểu cũng đóng góp ý kiến về quy định đăng ký quản lý phương tiện kỹ thuật (Điều 11 dự thảo luật); về huấn luyện, diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động viên, kiểm tra sẵn sàng chiến đấu đơn vị dự bị động viên (Điều 21 dự thảo luật)... Trong đó, nhiều ý kiến đề nghị tiếp tục nghiên cứu để các quy định bảo đảm tính khả thi, phù hợp, thống nhất với các luật khác. Đặc biệt là công tác kiểm tra, huấn luyện lực lượng dự bị động viên phải hiệu quả, tránh hình thức...

Góp ý về nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tán thành với việc cần thiết phải có cơ sở huấn luyện, nhưng không phải mỗi đơn vị cần một cơ sở huấn luyện, mà là nhiều đơn vị trên cùng một địa bàn sử dụng chung cơ sở vật chất như thao trường, trường bắn... Thực tế hiện nay mới có 24/63 trung tâm huấn luyện dự bị động viên ở địa phương cấp tỉnh nên nếu quy định mỗi tỉnh có một trung tâm huấn luyện thì phải có sự đầu tư, do đó, nên cân nhắc việc quy định vào luật.

Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đề nghị, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh phối hợp với Ban soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu tiếp thu đầy đủ các ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hoàn chỉnh dự thảo luật, xin ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội để hoàn chỉnh, trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ tám.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhất trí đưa Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam vào Luật Thư viện

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.