Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đảng bộ và nhân dân Hà Nội với nhà chí sĩ yêu nước Bùi Bằng Đoàn

Ngô Thị Thanh Hằng| 10/09/2019 06:40

(HNM) - Thăng Long - Hà Nội, vùng đất nghìn năm văn hiến đã có rất nhiều người con ưu tú, chí sĩ yêu nước, anh hùng cách mạng sẵn sàng cống hiến, hy sinh vì non sông, đất nước, vì hạnh phúc của nhân dân. Một trong những hiền tài đó là cụ Bùi Bằng Đoàn, nguyên Trưởng ban Thường trực Quốc hội của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, một nhân cách lớn, một nhà chí sĩ yêu nước tài năng, có đạo đức trong sáng, chân thành, khiêm tốn, giản dị, yêu thương đồng bào. Cuộc đời, sự nghiệp của cụ Bùi Bằng Đoàn là tấm gương sáng cho các thế hệ người Việt Nam, trong đó, có nhân dân Thủ đô học tập, noi theo.

Cụ Bùi Bằng Đoàn.

Cụ Bùi Bằng Đoàn, sinh năm 1889 trong một gia đình có truyền thống nho học, thuộc làng Liên Bạt, huyện Ứng Hòa, thành phố Hà Nội, vùng đất giàu truyền thống lịch sử, văn hóa và cách mạng. Từ truyền thống đó, cụ sớm học giỏi, đỗ đạt và làm quan Thượng thư Bộ hình của triều đình Huế. Trong thời gian này, cụ Bùi Bằng Đoàn đã có công thực hiện cải cách tư pháp, sửa đổi luật pháp, bãi bỏ nhiều quy định lỗi thời của hệ thống tư pháp 17 tỉnh thuộc Trung Kỳ. Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, cụ tham gia chính quyền cách mạng, trở thành một trong những cán bộ lãnh đạo tiền bối tiêu biểu, có nhiều công lao to lớn đối với Quốc hội và Chính phủ. Dù ở cương vị công tác nào, cụ Bùi Bằng Đoàn luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, là người mẫu mực, liêm khiết. Không chỉ là nhà chí sĩ yêu nước, cụ còn là một học giả uyên bác, thấm nhuần đạo lý, triết lý phương Đông và truyền thống văn hóa của dân tộc.

Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của cụ Bùi Bằng Đoàn đã có nhiều đóng góp to lớn cho cách mạng Việt Nam, nhất là đối với phong trào cách mạng tại Hà Nội khi mới giành được chính quyền trong cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945.

Cụ Bùi Bằng Đoàn với những đóng góp trong việc xây dựng, củng cố chính quyền sau Cách mạng Tháng Tám, chuẩn bị kháng chiến chống Pháp

Cách mạng Tháng Tám thành công, Chính phủ được thành lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh tin tưởng viết thư mời cụ Bùi Bằng Đoàn tham gia chính quyền cách mạng, trong thư có đoạn viết: “Tôi tài đức ít ỏi, mà trách nhiệm nặng nề. Thấy ngài học vấn cao siêu, kinh nghiệm phong phú. Vậy nên, tôi muốn ngài làm cố vấn cho tôi để giúp thêm ý kiến trong công việc hưng lợi, trừ hại cho nước nhà dân tộc…”. Từ một vị quan thanh liêm, chính trực làm việc dưới triều đình phong kiến vì mến mộ tài đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cụ rời quê hương Liên Bạt, Ứng Hòa ra làm Cố vấn cho Bác Hồ, tham gia xây dựng chính quyền cách mạng vừa mới thành lập.

Lúc này, cụ Bùi Bằng Đoàn được Chủ tịch Hồ Chí Minh mời ra giúp nước và được giao nhiều trọng trách như: Tham gia Lễ Tuyên ngôn độc lập tại Quảng trường Ba Đình; tham gia xây dựng chính quyền mới; tham gia Ban cố vấn Chủ tịch nước, Ban Thanh tra đặc biệt của Chính phủ...

Ngày 23-11-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ban bố sắc lệnh thành lập Ban Thanh tra đặc biệt do cụ Bùi Bằng Đoàn làm Trưởng ban. Hoạt động của Ban Thanh tra đặc biệt trong thời điểm đất nước vừa mới giành được độc lập là vấn đề cực kỳ khó khăn. Với tri thức, kinh nghiệm phong phú của mình, cụ Bùi Bằng Đoàn đã tham mưu với Chính phủ ban hành nhiều sắc lệnh có tác động tích cực đến đời sống xã hội, giữ gìn kỷ cương, phép nước, chấn chỉnh và làm trong sạch đội ngũ cán bộ cách mạng trong chính quyền thời kỳ đầu đất nước giành được độc lập. Từ thực tiễn hoạt động hiệu quả của Ban Thanh tra đặc biệt, Chính phủ đã thành lập các ban thanh tra ở các bộ và các vùng ở Trung Bộ và Nam Bộ làm cho hoạt động thanh tra được đều khắp, đồng thời chấn chỉnh những bất cập trong hoạt động của đất nước. Cụ Bùi Bằng Đoàn và những thành viên của Ban Thanh tra đặc biệt được coi là những người đặt viên gạch đầu tiên xây dựng tư tưởng Thanh tra nhân dân, Thanh tra cách mạng của Việt Nam.

Đó chính là những công lao to lớn của cụ Bùi Bằng Đoàn đóng góp vào sự nghiệp cách mạng của Đảng và Thủ đô Hà Nội.

Cụ Bùi Bằng Đoàn với những công lao, đóng góp to lớn trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, xây dựng và củng cố chính quyền

Trong tổng tuyển cử bầu Quốc hội khóa I (ngày 6-1-1946), cụ Bùi Bằng Đoàn ứng cử đại biểu Quốc hội Việt Nam tại tỉnh Hà Đông và đã trúng cử đại biểu Quốc hội. Tại kỳ họp thứ nhất của Quốc hội ngày 2-3-1946, cụ được bầu vào Ban Thường trực Quốc hội và tham gia lãnh đạo cách mạng. Trên cương vị mới, cụ đã có những đóng góp quan trọng vào việc ký kết bản Hiệp định sơ bộ ngày 6-3-1946, tạm thời hòa hoãn thực dân Pháp, giúp Đảng và Chính phủ có thời gian chuẩn bị lực lượng kháng chiến lâu dài.

Cùng với hoạt động xây dựng, củng cố chính quyền, cụ Bùi Bằng Đoàn với uy tín của mình đã tham gia các hoạt động quần chúng rộng rãi như tham gia hội nghị thành lập Hội Liên hiệp quốc dân Việt Nam (gọi tắt là Hội Liên Việt) tháng 5-1946 tại Hà Nội nhằm thu hút tất cả các thành viên trong các đảng phái, không phân biệt giai cấp, tôn giáo tham gia với mục đích xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, góp phần xây dựng một nước Việt Nam giàu mạnh, dân chủ, văn minh. Ở Hà Nội, sau khi Hội Liên hiệp quốc dân Việt Nam ra đời, Mặt trận Liên Việt hình thành bao gồm các đoàn thể cứu quốc, các đảng phái yêu nước trong Mặt trận Việt Minh và các lực lượng yêu nước, các nhân sĩ trí thức ngoài Mặt trận Việt Minh, đoàn kết rộng rãi các tầng lớp nhân dân Thủ đô thực hiện công cuộc kháng chiến kiến quốc[1].

Trong 8 tháng hoạt động kể từ kỳ họp thứ nhất tháng 3-1946 đến kỳ họp thứ hai tháng 11-1946, cụ Bùi Bằng Đoàn và Hội Liên Việt đã nỗ lực hoạt động, giữ vững nguyên tắc dân chủ cùng Chính phủ đưa nước nhà vượt qua mọi khó khăn, giữ vững chính quyền cách mạng non trẻ. Tháng 11-1946, tại kỳ họp thứ hai, cụ Bùi Bằng Đoàn được cử làm Trưởng ban Thường trực Quốc hội thay cho cụ Nguyễn Văn Tố.

Cuối năm 1946, tình hình Thủ đô và đất nước cực kỳ khó khăn do các hoạt động gây hấn của Pháp và sự quấy phá của các thế lực phản động. Từ đầu tháng 12-1946, những vụ khiêu khích và gây xung đột xảy ra thường xuyên trên đường phố Hà Nội. Ngày 18-12-1946, chúng hạ tối hậu thư đòi nắm quyền kiểm soát trật tự trong thành phố… Ngang ngược hơn, chúng đòi tước bỏ chủ quyền của ta, bắt ta phải đầu hàng, thực dân Pháp quyết cướp nước ta một lần nữa. Trước tình hình trên, Quốc hội, Chính phủ đã đề ra nhiều biện pháp đấu tranh cách mạng thích hợp, thực hiện mục tiêu bảo vệ độc lập dân tộc[2]. Trước ngày toàn quốc kháng chiến, được sự chỉ đạo của Trung ương, Hà Nội - Hà Đông - Sơn Tây đã xây dựng các trận địa, phòng tuyến chiến đấu, đồng thời xây dựng kế hoạch chuẩn bị cho nhân dân địa phương tản cư khi chiến sự lan tới. Nhân dân Hà Nội tích cực tham gia việc tháo gỡ, vận chuyển máy móc, kho tàng của Chính phủ chuyển lên Hòa Bình, Phú Thọ, Việt Bắc. Các cơ quan nhà nước lần lượt sơ tán ra khỏi Hà Nội, cụ Bùi Bằng Đoàn cùng Ban Thường trực Quốc hội sơ tán về xã Liên Bạt, huyện Ứng Hòa, tỉnh Hà Đông hoạt động. Nhà riêng của cụ Bùi Bằng Đoàn trở thành nơi làm việc của Ban Thường trực Quốc hội trong những ngày đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Cùng với các địa phương trong cả nước tập trung xây dựng lực lượng cách mạng, làng Liên Bạt những ngày đầu cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ khí thế cách mạng vô cùng sôi sục, toàn dân tin tưởng ủng hộ kháng chiến. Người dân Hà Nội tản cư về ngày một nhiều, chính quyền địa phương đã cho xây dựng các khu nhà tranh mái lá và một số cửa hàng buôn bán phục vụ nhân dân tản cư trong thời gian thành phố Hà Nội bị địch tạm chiếm.

Giúp việc hằng ngày cho Trưởng ban Thường trực Quốc hội Bùi Bằng Đoàn và Phó Trưởng ban Tôn Đức Thắng là hai thư ký và con trai cụ Bùi Bằng Đoàn là Bùi Nghĩa phụ giúp. Trong thời gian các cơ quan Chính phủ sơ tán về vùng Liên Bạt, Ứng Hòa, ngôi nhà của cụ Bùi Bằng Đoàn cũng là nơi được đón tiếp nhiều vị lãnh đạo cao cấp trong Chính phủ đến thăm và làm việc như Hoàng Minh Giám, Hoàng Tích Trí… Cụ Bùi Bằng Đoàn còn đón tiếp bà con xóm làng, đại diện các ngành, chính quyền xã, huyện, tỉnh đến để cụ cung cấp những thông tin mới về tình hình trong nước và Thủ đô, bày tỏ sự tin tưởng vào tài đức của cụ khi đảm đương những trọng trách của Tổ quốc. Đây cũng là nguồn động viên cụ khi tuổi cao mà vẫn gắng sức cùng con cháu giành giữ cho được nền độc lập dân tộc và kháng chiến chống Pháp.

Đến tháng 12-1946, sau khi giặc Pháp chiếm Hà Đông và mở rộng phạm vi chiếm đóng, xã Liên Bạt, Ứng Hòa cũng là vùng trực tiếp bị uy hiếp. Trước tình hình đó, Đảng, Chính phủ quyết định chuyển toàn bộ cơ quan đầu não lên An toàn khu ở Sơn Dương, Tuyên Quang để tiến hành cuộc kháng chiến trường kỳ cho đến thắng lợi hoàn toàn.

Trên cương vị Trưởng ban Thường trực Quốc hội, cụ Bùi Bằng Đoàn sống và làm việc bên cạnh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chính phủ và thực hiện nhiệm vụ được Quốc hội ủy nhiệm là tham dự các cuộc họp của Hội đồng Chính phủ để góp ý kiến trong mọi công việc kháng chiến. Cụ Bùi Bằng Đoàn đã không phụ lòng tin của Quốc hội và của quốc dân đồng bào cả nước, cụ đã tham gia đóng góp vào việc cải tổ nhân sự của Chính phủ năm 1947; chỉ đạo các đoàn đại biểu các khu vực, lấy nguyện vọng nhân dân góp ý cho Quốc hội và Chính phủ lãnh đạo kháng chiến; tham dự các sinh hoạt trọng đại như lễ thụ phong quân hàm Đại tướng cho đồng chí Võ Nguyên Giáp tháng 7-1948… Ngoài các hoạt động đối nội, lập pháp, cụ Bùi Bằng Đoàn còn có các hoạt động đối ngoại tích cực, trả lời báo, đài phát thanh trong và ngoài nước về một số vấn đề trọng đại của đất nước.

Trân trọng đóng góp của cụ với nhiệm vụ chung, mùa xuân năm 1948, Bác Hồ tự tay viết bài thơ chữ Hán tặng cụ Bùi Bằng Đoàn với nhan đề “Tặng Bùi Công” thể hiện tình cảm sâu sắc, gần gũi thân thương, khiến cụ rất xúc động:

“Xem sách, chim rừng vào cửa đậu/Phê văn, hoa núi ghé nghiên soi/Tin vui thắng trận dồn chân ngựa /Nhớ cụ thơ xuân tặng một bài”

Đến tháng 9-1948, trong điều kiện kháng chiến trên chiến khu còn nhiều khó khăn, do tuổi cao, cụ Bùi Bằng Đoàn bị ốm nặng. Trung ương, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm, bố trí các bác sĩ chữa trị và đưa cụ về gần Hà Nội để có điều kiện chữa trị thuận lợi hơn. Trong thời gian chữa bệnh, cụ vẫn giữ liên hệ với chiến khu, thường xuyên qua thư từ và góp ý với Trung ương về những vấn đề mà cụ quan tâm. Cụ còn viết bài đăng báo động viên quân dân tin tưởng vào thắng lợi của cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc. Cả cuộc đời cụ Bùi Bằng Đoàn luôn tận tụy, nghiêm túc trong công việc, cố gắng cống hiến cho đất nước, Quốc hội, nỗ lực làm tròn nghĩa vụ của người đại biểu nhân dân tới trọn đời.

Đảng bộ và nhân dân Hà Nội nguyện học tập, làm theo tấm gương đạo đức của cụ Bùi Bằng Đoàn, một nhân cách lớn, cả cuộc đời vì dân, vì nước

Cuộc đời và sự nghiệp của cụ Bùi Bằng Đoàn, người con ưu tú của vùng đất Liên Bạt, Ứng Hòa (Hà Nội) là tấm gương tiêu biểu, điển hình của người Việt Nam yêu nước được kết tinh từ những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của quê hương. Vùng đất Ứng Hòa “địa linh nhân kiệt” nơi đã sinh ra, nuôi dưỡng tâm hồn và lý tưởng cách mạng của cụ Bùi Bằng Đoàn. Từ chức quan Tri huyện tập sự huyện Nghĩa Hưng - Nam Định[3]… rồi làm đến chức Thượng thư Bộ hình triều đình Huế (Bộ Tư pháp ngày nay); từ một quan lại cao cấp thời kỳ phong kiến, cụ đã đến với lý tưởng cách mạng, sẵn sàng chấp nhận khó khăn gian khổ, hiến dâng cuộc đời mình cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc. Cuộc đời hoạt động sôi nổi và phong phú của cụ Bùi Bằng Đoàn là bản hùng ca bất tử, biểu tượng sáng ngời về nhân cách, tài năng và trí tuệ Việt Nam, là kết tinh truyền thống yêu nước của gia đình, dòng họ và quê hương Liên Bạt, Ứng Hòa.

Ở bất cứ cương vị nào, cụ Bùi Bằng Đoàn cũng thể hiện là một tấm gương sáng, trọn đời phấn đấu hy sinh vì độc lập, tự do của dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân. Ghi nhận những cống hiến và công lao đóng góp to lớn đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và trong việc xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, Đảng, Quốc hội và Chính phủ đã truy tặng cụ Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huân chương Độc lập hạng Nhất; thành phố Hà Nội đã chọn một con đường mang tên Bùi Bằng Đoàn.

Phát huy tinh thần yêu nước của cụ Bùi Bằng Đoàn và những bậc tiền bối cách mạng khác, Đảng bộ và nhân dân Hà Nội nguyện học tập tấm gương ngời sáng về lòng tận tụy, đức hy sinh trọn đời vì đất nước, vì nhân dân; đẩy mạnh thực hiện tốt hơn nữa Chỉ thị 05-CT/TƯ (ngày 15-5-2016) của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; xây dựng Đảng bộ trong sạch vững mạnh; xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên nhất là cán bộ chủ chốt có bản lĩnh chính trị vững vàng, trong sáng về đạo đức, lối sống; hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.

Nhân kỷ niệm 130 năm Ngày sinh của Trưởng ban Thường trực Quốc hội Bùi Bằng Đoàn, nhà cách mạng tiền bối tiêu biểu của Thủ đô và cả nước, Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và nhân dân Thủ đô nguyện tiếp tục kế thừa, phát huy truyền thống văn hiến, anh hùng, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân; huy động mọi nguồn lực, đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa; xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại. Đó chính là ý chí, quyết tâm và là hành động cách mạng thiết thực, có ý nghĩa cao đẹp nhất để tưởng nhớ, tri ân chí sĩ yêu nước Bùi Bằng Đoàn và những đóng góp to lớn của cụ với sự nghiệp cách mạng của Đảng và của Đảng bộ Hà Nội trong thời kỳ mới.      

_______

[1] Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội, Lịch sử Đảng bộ thành phố Hà Nội 1930-2000, sđd trang 168.

[2] Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Tây, Lịch sử Đảng bộ tỉnh Hà Tây, tập 2 (1945-1954), tr 38.

[3] Cụ Bùi Bằng Đoàn còn giữ chức Tri huyện Thanh Ba, Tam Nông - Phú Thọ; Đại Từ - Thái Nguyên; Văn Lâm - Hưng Yên; Tiên Du - Bắc Ninh; Xuân Trường - Nam Định. Từ năm 1926-1933 cụ Bùi Bằng Đoàn lần lượt giữ các chức vụ: Án sát tỉnh Lạng Sơn; Quyền Tuần phủ và Tuần phủ tỉnh Cao Bằng; Bố Chính tỉnh Phúc Yên; Án sát tỉnh Bắc Ninh; Tuần phủ tỉnh Ninh Bình…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đảng bộ và nhân dân Hà Nội với nhà chí sĩ yêu nước Bùi Bằng Đoàn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.