Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tìm giải pháp tạo bước đột phá trong công tác tổ chức thi hành pháp luật

TTXVN| 05/10/2019 06:12

Chiều 4-10, tại trụ sở Chính phủ, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Trưởng ban Chỉ đạo đã chủ trì phiên họp Ban Chỉ đạo tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TƯ của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa IX về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Trưởng ban Chỉ đạo tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TƯ phát biểu. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Báo cáo tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu cho biết, kể từ khi Chỉ thị số 32-CT/TƯ được ban hành, đã có sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và chỉ đạo tổ chức triển khai công tác phổ biến giáo dục pháp luật của cấp ủy, chính quyền trên tinh thần xác định rõ hơn đây là một bộ phận quan trọng của công tác giáo dục chính trị, tư tưởng trong toàn hệ thống chính trị từ trung ương đến cơ sở. Nội dung, hình thức, mô hình phổ biến giáo dục pháp luật phù hợp hơn với từng đối tượng, địa bàn... Bên cạnh đó, số lượng, chất lượng nguồn nhân lực thực hiện công tác này từng bước được cải thiện; số lượng báo cáo viên trung ương đã tăng 8,3 lần, số lượng tuyên truyền viên cấp xã tăng 1,65 lần.

Ngoài việc thảo luận về tình hình triển khai tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TƯ tại các bộ, ngành, địa phương; các đại biểu tham dự cũng cho ý kiến về dự thảo Báo cáo và dự thảo Kế hoạch tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TƯ.

Kết luận phiên họp, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình cơ bản nhất trí với nội dung dự thảo Báo cáo tổng kết kết quả 15 năm thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TƯ và đề nghị Bộ Tư pháp tiếp tục nghiên cứu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo báo cáo; tập trung phân tích, làm rõ các kết quả đạt được, những chuyển biến về chất trong ý thức, nhận thức pháp luật của cán bộ, nhân dân từ khi có Chỉ thị số 32-CT/TƯ. Từ đó, nêu bật các mô hình hay, cách làm hiệu quả trên thực tế; đánh giá đúng nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế trong công tác này; đề xuất các định hướng, giải pháp mang tính đột phá, làm tiền đề đẩy mạnh việc tổ chức thi hành pháp luật.

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình lưu ý Bộ Tư pháp tiếp tục nghiên cứu, phối hợp với Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan sớm tham mưu, đề xuất, xin ý kiến Ban Bí thư để ban hành văn bản mới thay thế Chỉ thị số 32-CT/TƯ trình Ban Bí thư xem xét, quyết định.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tìm giải pháp tạo bước đột phá trong công tác tổ chức thi hành pháp luật

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.