Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhìn nhận tổng thể, định hướng chiến lược

Dũng - Hà| 13/10/2019 07:00

(HNM) - Sau 6 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, trách nhiệm; phát huy trí tuệ, dân chủ, Hội nghị lần thứ mười một Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã thành công tốt đẹp.

Trao đổi với Báo Hànộimới, Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Văn Hiền, Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận Trung ương khẳng định, hội nghị có ý nghĩa rất quan trọng, giúp đưa ra cái nhìn tổng thể, đồng thời định hướng chiến lược phát triển đất nước đến năm 2030, khi tròn 100 năm thành lập Đảng, xác định tầm nhìn đến năm 2045 khi tròn 100 năm thành lập nước.

Toàn cảnh phiên bế mạc Hội nghị lần thứ mười một Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XII. Ảnh: TTXVN

- Thưa đồng chí, Hội nghị lần thứ mười một Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII có ý nghĩa như thế nào đối với quá trình chuẩn bị tổ chức đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng?

- Đảng lãnh đạo bằng nghị quyết, chủ trương, đường lối và quan trọng nhất là lãnh đạo thông qua các văn kiện đại hội. Do đó, việc chuẩn bị các văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng có ý nghĩa rất quan trọng và càng quan trọng hơn khi đại hội sẽ xem xét, đánh giá tổng thể tình hình phát triển đất nước trong 5, 10 năm qua; đồng thời định hướng đường lối trong 5, 10 và 25 năm tới. Cụ thể là xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đất nước đến năm 2030 khi Đảng ta tròn 100 năm thành lập, xác định tầm nhìn đến năm 2045 khi tròn 100 năm thành lập nước.

Hội nghị lần thứ mười một trong những ngày qua đã xem xét, thảo luận cho ý kiến vào dự thảo Báo cáo chính trị và dự thảo Báo cáo 10 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011); dự thảo Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Chiến lược kinh tế - xã hội 2011-2020, xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021-2030; Báo cáo tổng kết 5 năm thực hiện công tác xây dựng Đảng, thi hành Điều lệ Đảng nhiệm kỳ khóa XII; cho ý kiến về tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2019-2020... Đây là bước chuẩn bị quan trọng trong quá trình xây dựng các văn kiện Đại hội XIII của Đảng, trước khi các dự thảo văn kiện được hoàn thiện, chuyển về đại hội đảng bộ các cấp để lấy ý kiến cán bộ, đảng viên và nhân dân.

- Đồng chí đánh giá thế nào về chất lượng các dự thảo báo cáo và kết quả thảo luận tại hội nghị lần này?

- Trước khi trình hội nghị, các dự thảo báo cáo đã được chuẩn bị cả năm qua với rất nhiều hội thảo, lấy ý kiến hàng trăm chuyên gia, nhà khoa học uy tín. Từng đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng đều được gửi trước tài liệu để nghiên cứu, nên các ý kiến thảo luận bảo đảm chất lượng, hiệu quả. Có thể thấy, tất cả các báo cáo đều được chuẩn bị công phu, đánh giá toàn diện mặt được, những hạn chế và nguyên nhân tình hình phát triển đất nước trong 5, 10 năm qua. Các ý kiến thảo luận thể hiện tâm huyết, trách nhiệm và trí tuệ cao của các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng. Trong đó, ấn tượng là những đánh giá về mặt làm được rất “sáng”. Đó là sau gần 10 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), đất nước ta chưa bao giờ có cơ đồ như hôm nay. Kinh tế vĩ mô ổn định, khẳng định được năng lực hội nhập và khả năng trụ vững trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức. Ngay trong năm 2019, mặc dù chịu tác động mạnh do biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh, căng thẳng thương mại giữa các cường quốc, nhưng kinh tế đất nước vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng cao hàng đầu khu vực và thế giới. Đời sống, diện mạo đất nước ngày càng cải thiện; không khí, tâm trạng xã hội ổn định hơn, niềm tin của nhân dân ngày càng được củng cố. Quốc phòng, an ninh vững chắc, thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. Chưa bao giờ tâm thế, vị thế đất nước Việt Nam trên trường quốc tế tốt như hiện nay.

Bên cạnh những mặt được, thì những vấn đề tồn đọng, khó khăn cũng đã được chỉ rõ trong báo cáo và các ý kiến thảo luận. Đó là kinh tế phát triển chưa vững chắc, sức cạnh tranh còn thấp, quy mô nền kinh tế chưa lớn. Năng suất lao động chưa được cải thiện nhiều. Trật tự ổn định xã hội có khởi sắc, nhưng đời sống xã hội còn nhiều vấn đề, các lĩnh vực có chuyển biến tích cực nhưng còn nhiều khó khăn. Ví dụ, chúng ta chống tham nhũng có thành công nhưng tệ nạn này chưa được đẩy lùi, chưa được triệt tiêu. Công tác xây dựng Đảng có nhiều kết quả, tuy nhiên chưa triệt để, trong đó kết quả thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) “Về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ” mới chỉ là bước đầu...  

- Hội nghị lần thứ mười một đánh giá ra sao về những khó khăn, thách thức đặt ra đối với đất nước trong những năm tới và có định hướng quan trọng gì, thưa đồng chí?

- Hội nghị đã làm rõ bối cảnh, tình hình trong nước và trên thế giới những năm tới; trong đó tình hình chính trị, kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng trên thế giới ngày nay diễn biến rất khó lường. Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (4.0), kinh tế số tạo cơ hội rất lớn, nhưng cũng là thách thức to lớn đối với đất nước ta vì nếu không nỗ lực để bắt kịp thì khoảng cách với các nước phát triển ngày càng xa. Tại hội nghị, Trung ương đã xác định phải chớp thời cơ của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, nên vừa rồi Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TƯ ngày 27-9-2019 “Về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”. Nền kinh tế nước ta quy mô nhỏ, nhưng đã tham gia các “cuộc chơi lớn”, hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới với việc tham gia hàng loạt hiệp định thương mại tự do thế hệ mới thì đây vừa là những thách đố, vừa là thời cơ để phát triển.

Tình hình trong nước cũng đặt ra nhiều vấn đề, trong đó điều quan trọng hiện nay là giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa trong phát triển. Cụ thể là làm sao mỗi bước phát triển của kinh tế - xã hội phải bảo đảm công bằng, đừng để khoảng cách quá lớn; phải bảo đảm an sinh xã hội, chăm lo tốt nhất cho sức khỏe nhân dân. Những nội dung thuộc bản chất, những giá trị tốt đẹp nhất của chế độ phải được thực hiện.

Có thể nói, Hội nghị lần thứ mười một đã đánh giá toàn diện về những vấn đề đạt được, chưa đạt được; nhìn nhận tổng thể về đất nước. Qua thảo luận, các đại biểu cũng chỉ ra những vấn đề mà dự thảo văn kiện thể hiện chưa tới, khẳng định văn kiện Đại hội XIII của Đảng phải có những nét mới để toàn dân thấy có kế thừa, đổi mới và bước đột phá.

- Các cấp ủy, tổ chức Đảng cũng như cán bộ, đảng viên cần thực hiện gì để phát huy kết quả Hội nghị lần thứ mười một?

- Trên cơ sở tiếp thu ý kiến tại hội nghị, các dự thảo văn kiện sẽ được bổ sung, hoàn thiện, từ đó đưa về đại hội đảng bộ các cấp để đóng góp ý kiến. Đó vừa là cơ hội, vừa là trách nhiệm để cán bộ, đảng viên, nhân dân cả nước phát huy dân chủ, trí tuệ, đóng góp xây dựng chủ trương, đường lối chiến lược phát triển đất nước.

Căn cứ vào kết quả hội nghị, các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng là các “tư lệnh” sẽ tổ chức lại công việc ở các ngành, cấp, các địa phương cho phù hợp; tập trung tuyên truyền để tạo đồng thuận xã hội, mở ra nhận thức tốt đẹp, củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, vào sự phát triển căn bản, vững chắc của đất nước trong tương lai.

- Trân trọng cảm ơn đồng chí!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhìn nhận tổng thể, định hướng chiến lược

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.