Theo dõi Báo Hànộimới trên

Kéo dài thời hạn tham gia dân quân tự vệ sẽ phát sinh chi phí quản lý công dân

Bảo Hân| 28/10/2019 11:37

(HNMO) - Sáng 28-10, đầu tuần làm việc thứ hai của kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XIV, các đại biểu thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi).

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi).

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt cho biết, tại kỳ họp thứ bảy, Quốc hội đã thảo luận về dự thảo Luật. Sau kỳ họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo cơ quan thẩm tra chủ trì phối hợp với ban soạn thảo và các cơ quan hữu quan tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật, đồng thời gửi xin ý kiến các đoàn đại biểu Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội. 

Thảo luận trong sáng nay, đa số đại biểu tán thành báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và cho rằng, về cơ bản, các nội dung của dự thảo Luật được rà soát bảo đảm đồng bộ, thống nhất; nhiều nội dung được chỉnh sửa.

Các quy định của dự thảo Luật bám sát nguyên tắc xây dựng lực lượng dân quân tự vệ (DQTV) với bản chất là lực lượng vũ trang quần chúng không thoát ly sản xuất, vững mạnh, rộng khắp nhưng phải tinh gọn trong tổ chức bộ máy; nâng cao chất lượng hiệu quả, bám sát công tác quân sự quốc phòng và đặc thù trong công tác xây dựng, bảo vệ đất nước hiện nay.

Các đại biểu cũng tập trung phát biểu làm rõ thêm nhiều nội dung quy định về vị trí, chức năng, đặc biệt là độ tuổi, thời hạn thực hiện nghĩa vụ tham gia DQTV trong thời bình (Điều 8).

Về nội dung này, trong báo cáo giải trình, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, tại kỳ họp trước, một số ý kiến đề nghị nâng độ tuổi và thời hạn thực hiện nghĩa vụ tham gia DQTV cho phù hợp với dự kiến nâng độ tuổi nghỉ hưu; một số ý kiến đề nghị giảm độ tuổi và thời hạn tham gia DQTV.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, quy định độ tuổi tham gia DQTV cơ bản kế thừa Luật DQTV hiện hành, đã thực hiện ổn định và thực tế không phải tất cả công dân trong độ tuổi đều được tuyển chọn tham gia DQTV. 

“Nếu tăng độ tuổi lên 5 năm và kéo dài thời hạn đến hết độ tuổi lao động sẽ không phù hợp với hoạt động quốc phòng, quân sự, phát sinh chi phí quản lý công dân trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ tham gia DQTV”, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội nêu quan điểm. 

Đại biểu Quốc hội thảo luận về dự án Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi).

Đại biểu Nguyễn Thị Phúc (Đoàn Hưng Yên) cho rằng, quy định như trong dự thảo Luật: "Công dân nam từ đủ 18 tuổi đến hết 45 tuổi, công dân nữ từ đủ 18 tuổi đến hết 40 tuổi có nghĩa vụ tham gia DQTV; nếu tình nguyện tham gia DQTV thì có thể kéo dài đến hết 50 tuổi đối với nam, đến hết 45 tuổi đối với nữ” là phù hợp.

Việc quy định kéo dài độ tuổi và thời hạn phù hợp với sự phát triển của xã hội, bởi tại nhiều nơi, lực lượng nam nữ thanh niên trẻ là lao động chính trong gia đình thường đi làm ăn xa, không có mặt tại địa phương.

Cùng bày tỏ sự đồng tình với quy định trong dự thảo Luật về độ tuổi, thời hạn thực hiện nghĩa vụ DQTV, đại biểu Trần Văn Mão (Đoàn Nghệ An) kiến nghị mở rộng hơn thời gian tự nguyện đối với người tham gia lực lượng này.

"Sau khi hoàn thành nghĩa vụ DQTV, công dân thực hiện tốt, có nhu cầu, tâm huyết muốn được phục vụ thêm thì nên tạo điều kiện để bổ sung lực lượng. Thực tế, nhiều địa phương thiếu hụt nguồn lực nên việc khuyến khích kéo dài tuổi tham gia với lực lượng này là hết sức quan trọng”, đại biểu nêu.

“Không phải tất cả cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đều tham gia lực lượng DQTV mà chỉ sử dụng một tỷ lệ nhất định (khoảng 3,5%). Do số lượng không nhiều nên cần có sự chọn lựa và có tuyển chọn để bảo đảm chất lượng, số lượng cho lực lượng DQTV. Đặc biệt, với quy định về kéo dài thời gian tham gia lực lượng DQTV, cũng sẽ không để mất đi chất xám của những người có kinh nghiệm, trình độ, những nơi có điều kiện tuyển dụng khó khăn trong việc phát triển lực lượng”, đại biểu Nguyễn Minh Hoàng (Đoàn thành phố Hồ Chí Minh) nêu.

Điều hành phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo cơ quan soạn thảo, thẩm tra phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ, hoàn chỉnh dự thảo Luật trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp này.

Điều 8 dự án Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi): Độ tuổi, thời hạn thực hiện nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ trong thời bình 

1. Công dân nam từ đủ 18 tuổi đến hết 45 tuổi, công dân nữ từ đủ 18 tuổi đến hết 40 tuổi có nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ; nếu tình nguyện tham gia dân quân tự vệ thì có thể kéo dài đến hết 50 tuổi đối với nam, đến hết 45 tuổi đối với nữ. 

2. Thời hạn thực hiện nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ tại chỗ, cơ động, dân quân tự vệ biển, phòng không, pháo binh, trinh sát, thông tin, công binh, phòng hóa, y tế là 4 năm; dân quân thường trực là 2 năm.

Căn cứ yêu cầu, nhiệm vụ công tác quốc phòng của địa phương, cơ quan, tổ chức, thời hạn thực hiện nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ kéo dài nhưng không quá 2 năm; đối với dân quân biển, tự vệ và chỉ huy đơn vị dân quân tự vệ được kéo dài hơn nhưng không quá độ tuổi quy định tại khoản 1 Điều này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kéo dài thời hạn tham gia dân quân tự vệ sẽ phát sinh chi phí quản lý công dân

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.