Theo dõi Báo Hànộimới trên

Không tổ chức HĐND cấp phường, quyền của nhân dân vẫn được bảo đảm

Khánh Ly - Bảo Hân| 29/10/2019 13:04

(HNMO) - Dự thảo Nghị quyết về thí điểm không tổ chức hội đồng nhân dân (HĐND) tại các phường thuộc quận, thị xã của Hà Nội nhận được nhiều ý kiến đồng thuận của các đại biểu Quốc hội trong phiên thảo luận tại tổ sáng 29-10 tại kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XIV.

Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Bùi Huyền Mai thảo luận tại tổ sáng 29-10.

Việc không tổ chức HĐND không gây nhiều biến động về dữ liệu, giấy tờ của công dân

Tại Đoàn Hà Nội, một số đại biểu Quốc hội tập trung phân tích, làm rõ thêm cơ sở pháp lý của việc thí điểm đổi mới mô hình chính quyền đô thị của thành phố.

Theo đại biểu Bùi Huyền Mai, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, tại kỳ họp này, Quốc hội ban hành Nghị quyết thí điểm không tổ chức HĐND tại các phường thuộc quận, thị xã của thành phố Hà Nội thì vừa thực hiện đúng ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị, vừa tạo sự chủ động cho Chính phủ và chính quyền thành phố trong việc chuẩn bị nhân sự và tổ chức đại hội đảng bộ cấp phường nhiệm kỳ 2020 - 2025, tiến tới bầu cử đại biểu HĐND các cấp và kiện toàn UBND  cấp phường nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Thêm vào đó, việc thí điểm trong giai đoạn cụ thể sẽ tạo điều kiện để các địa phương tổng kết, rút kinh nghiệm cho việc nhân rộng mô hình này. Tuy nhiên, đại biểu Bùi Huyền Mai cũng đề xuất, khi triển khai thực hiện Nghị quyết, cần quy định rõ 7 nhóm nhiệm vụ thuộc thẩm quyền của HĐND cấp phường. 

Về tên gọi của UBND phường thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND, theo đại biểu nên giữ nguyên như cách gọi hiện nay để tránh sự xáo trộn khi cả 177 phường tại Hà Nội đồng loạt triển khai thí điểm. 

Đồng quan điểm, đại biểu Trần Thị Phương Hoa cho rằng, tên gọi "UBND phường" đã quen thuộc với người dân. Đại biểu cũng lưu ý thêm, khi không tổ chức HĐND tại phường, các biến động về dữ liệu, giấy tờ của công dân sẽ là không nhiều bởi tên phường và đường phố không thay đổi, mà chỉ thay đổi về chức năng, nhiệm vụ của UBND so với hiện nay.

Đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà (Đoàn Hà Nội).

Về một số ý kiến đề cập lần thí điểm này có gì khác với thí điểm theo Nghị quyết số 26/2008/QH12 ngày 15-11-2008, đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà phân tích, việc thí điểm năm 2008 là để tổng kết sửa đổi Hiến pháp, còn lần này là nhằm triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013.

So sánh về phạm vi: năm 2008, có 67 huyện, 32 quận, 483 phường của 10 tỉnh, thành phố thực hiện thí điểm; còn lần thí điểm này, Hà Nội thực hiện tại 177 phường trong giai đoạn 2021-2026.

Về tổ chức bộ máy hành chính cấp phường: Năm 2008, chủ tịch UBND quận bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức với chủ tịch, phó chủ tịch UBND phường; nhưng lần thí điểm này, UBND phường là cơ quan hành chính đại diện cho UBND quận, thị xã, hoạt động theo chế độ tập thể, đề cao trách nhiệm cá nhân của chủ tịch UBND phường trong quản lý, điều hành hành chính. Như vậy, việc sắp xếp, bố trí cán bộ chuyên môn ở UBND cấp phường hợp lý hơn.

Nhiều thành phố cũng mong được tổ chức chính quyền đô thị hợp lý hơn

Tại Đoàn thành phố Hồ Chí Minh, đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho biết, cá nhân ông và nhiều đại biểu trong đoàn khi bàn thảo về xây dựng Hiến pháp năm 2013 đã có nhiều ý kiến về việc ở các đô thị lớn, hoạt động của HĐND cấp phường, thậm chí ở cả cấp quận - như đối với thành phố Hồ Chí Minh - là không cần thiết. 

Thực hiện Nghị quyết số 26/2008/QH12 ngày 15-11-2008, 10 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trong đó có thành phố Hồ Chí Minh, đã thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND và đạt nhiều kết quả tốt.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (Đoàn thành phố Hồ Chí Minh).

Tại kỳ họp này, Chính phủ tiếp tục trình dự thảo Nghị quyết thí điểm không tổ chức HĐND tại các phường thuộc quận, thị xã của thành phố Hà Nội. Xét về mặt logic, những gì mang tính hình thức, không cần thiết, gây tốn kém thì bỏ, nhưng quyền của cử tri, của nhân dân phải được bảo đảm. Khi thí điểm bỏ HĐND cấp phường tại thành phố Hồ Chí Minh, nhiều cử tri băn khoăn sẽ không còn các đại biểu đại diện cho họ. Tuy nhiên, băn khoăn này là không đáng có, vì đại biểu HĐND cấp quận cũng đại diện cho nhân dân, cử tri cấp phường, là người do nhân dân bầu. 

“Tôi tán thành việc bỏ HĐND cấp phường, nhưng đề nghị, trong quy định của dự thảo Nghị quyết cần cân nhắc chức năng của HĐND quận là cơ quan có tính chất đại diện tiêu biểu, bao quát. Nếu cần có thể tăng số lượng đại biểu HĐND cấp quận và tổ chức các cuộc tiếp xúc cử tri, lập đường dây nóng để người dân các phường có điều kiện tiếp cận HĐND cấp quận, với các đại biểu”, đại biểu Trương Trọng Nghĩa đề xuất.

Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (Đoàn thành phố Hồ Chí Minh)

Cùng bày tỏ sự nhất trí cao với mô hình thí điểm chính quyền đô thị hai cấp tại Hà Nội, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm cho rằng, qua việc thành phố Hồ Chí Minh đã từng thực hiện thí điểm, Hà Nội sẽ rút ra nhiều bài học và kinh nghiệm quý về tính hiệu lực, hiệu quả của mô hình chính quyền đô thị mới trong đề án được trình Quốc hội lần này.

Trên cơ sở đó, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm đề xuất, thành phố Hồ Chí Minh cũng nên được phép thí điểm cùng Hà Nội.

“Thành phố Hồ Chí Minh đã có đề án chính quyền đô thị khá toàn diện, hoàn chỉnh, trình Bộ Chính trị. Thành phố nên đề xuất để Trung ương xem xét cho thành phố Hồ Chí Minh thí điểm cùng Hà Nội, tạo thêm thực tiễn để Bộ Chính trị, Trung ương và Quốc hội xem xét khi triển khai rộng hơn”. 

Tại Đoàn Đà Nẵng, cũng là một trong những địa phương đã thực hiện thí điểm việc không tổ chức HĐND ở nhiều cấp theo Nghị quyết số 26/2008/QH12 của Quốc hội, các đại biểu đều bày tỏ sự đồng tình, nhất trí cao với đề án thí điểm của Hà Nội.

Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa cho biết, thành phố Đà Nẵng đang thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TƯ ngày 24-1-2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên tinh thần kế thừa mô hình đã rất thành công của 10 năm trước để xây dựng đề án đổi mới mô hình hoạt động các cấp chính quyền. 

Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa.

Đề án này đã được báo cáo và được Chính phủ đồng ý, nhưng chưa kịp trình Quốc hội tại kỳ họp này. Bí thư Thành ủy Đà Nẵng cho biết, thành phố sẽ cố gắng hoàn thiện để trình Quốc hội vào kỳ họp sau và hy vọng tại kỳ họp thứ hai của năm 2020, Quốc hội sẽ thông qua việc cho phép Đà Nẵng thực hiện thí điểm trong nhiệm kỳ 2021-2026. 

Theo dự kiến chương trình kỳ họp, sau phiên thảo luận tại hội trường vào chiều 14-11, các cơ quan liên quan sẽ tiếp thu ý kiến đóng góp, thảo luận của các đại biểu để hoàn thiện dự thảo Nghị quyết về thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân tại các phường thuộc quận, thị xã của thành phố Hà Nội, trình Quốc hội xem xét thông qua trong ngày làm việc cuối cùng của kỳ họp. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Không tổ chức HĐND cấp phường, quyền của nhân dân vẫn được bảo đảm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.