Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thường trực HĐND TP Hà Nội tổ chức phiên họp giải trình về an toàn thực phẩm

Nhóm PV - Ảnh: Bá Hoạt, Quang Thái| 04/11/2019 08:01

(HNMO) - Sáng nay (4-11), Thường trực HĐND thành phố Hà Nội tổ chức phiên họp giải trình về việc thực hiện các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố.

Các đại biểu dự phiên giải trình.

Tham dự phiên giải trình có các đồng chí: Ngô Thị Thanh Hằng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy; Nguyễn Đức Chung, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố; Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố; Nguyễn Lan Hương, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam thành phố; đại diện lãnh đạo Thường trực HĐND, UBND, các sở, ban, ngành của thành phố; chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã và một số xã, phường liên quan.

Tại phiên giải trình này, các sở: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương và Công an thành phố; các quận, huyện, thị xã, doanh nghiệp liên quan trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình báo cáo, giải trình việc thực hiện các quy định của pháp luật, chỉ đạo của UBND thành phố về thực hiện công tác an toàn thực phẩm thời gian qua.

Cùng với đó, các đơn vị nêu những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân, trách nhiệm đi kèm; đồng thời, tìm ra các giải pháp khắc phục trong thời gian tới.

Toàn cảnh phiên giải trình.

Việc sản xuất thực phẩm của thành phố mới chỉ đáp ứng 60% nhu cầu tiêu dùng

Phát biểu khai mạc phiên giải trình, đồng chí Nguyễn Thị Bích Ngọc, Chủ tịch HĐND thành phố cho biết, Hà Nội có hơn 70.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm; 7 cơ sở giết mổ công nghiệp; 44 cơ sở giết mổ bán công nghiệp, 937 cơ sở giết mổ, nhỏ lẻ thủ công; 454 chợ, 120 siêu thị, 22 trung tâm thương mại có kinh doanh thực phẩm. Tuy nhiên, việc sản xuất thực phẩm của thành phố mới chỉ đáp ứng 60% nhu cầu tiêu dùng, số còn lại nhập từ các nơi khác. 

Vì vậy, việc quản lý ATTP trên địa bàn thành phố cần có sự vào cuộc quyết liệt của các cấp ủy và người dân thành phố, trong đó có khâu quản lý tiêu dùng và lưu thông. 

ATTP là một trong những vấn đề được thành phố đặc biệt quan tâm, coi đây là vấn đề rất lớn về sức khỏe cộng đồng. Tại các kỳ họp thứ ba, thứ tư HĐND thành phố khóa XV, vấn đề ATTP đã được Thường thực HĐND thành phố lựa chọn chất vấn, qua đó góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác phòng ngừa, xử lý các vi phạm.

Đồng chí Nguyễn Thị Bích Ngọc, Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội phát biểu tại phiên giải trình.

Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Thị Bích Ngọc đánh giá, sau 3 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 10-CT/TU ngày 27-10-2016 của Thành ủy về việc tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với vấn đề ATTP trong tình hình mới trên địa bàn Hà Nội, công tác bảo đảm ATTP đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, tình trạng vi phạm ATTP vẫn diễn ra gây lo ngại, bức xúc cho nhân dân, nổi lên là tình hình vận chuyển, buôn bán, nhập lậu thực phẩm; hoạt động giết mổ nhỏ lẻ còn tồn tại trong khu dân cư; việc triển khai quy hoạch các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm còn chậm; ý thức của người dân về ATTP chưa cao… 

“Đây là nội dung được cử tri hết sức quan tâm trong các kỳ họp HĐND. Thường trực HĐND thành phố tổ chức phiên chất vấn này với mục đích đánh giá kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện ATTP, các quy định của pháp luật về ATTP, từ đó xác định trách nhiệm của các cơ quan chức năng, đồng thời đề xuất các biện pháp trong việc bảo đảm ATTP thời gian tới”, đồng chí Nguyễn Thị Bích Ngọc nhấn mạnh.

Thường trực HĐND thành phố đề nghị các đại biểu HĐND thành phố bám sát mục đích, yêu cầu của phiên giải trình, tham gia phiên giải trình với tinh thần trách nhiệm xây dựng, thẳng thắn; đề nghị UBND TP, sở, ban, ngành, quận, huyện, xã, phường và các đơn vị liên quan khi được đại biểu đặt câu hỏi cần giải trình rõ, thẳng vào vấn đề đại biểu quan tâm, làm rõ trách nhiệm, có lộ trình, có biện pháp khắc phục trong thời gian tới.

Từ năm 2017 đến nay, toàn thành phố kiểm tra được gần 334.000 lượt cơ sở về ATTP, phạt tiền hơn 21.000 cơ sở với tổng số tiền phạt gần 90 tỷ đồng. Đặc biệt, thành phố đã khởi tố 4 vụ với 7 đối tượng phạm tội sản xuất hàng giả, kém chất lượng.

Phiên giải trình hôm nay, ngoài lãnh đạo các sở, ngành, Thường trực HĐND thành phố còn mời 30 quận, huyện, thị xã; 4 chi cục trưởng thuộc Sở Y tế và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thông; 13 đồng chí chủ tịch UBND  xã, phường… tham gia phiên giải trình.

Kiên quyết đóng cửa những cơ sở không đảm bảo về ATTP

Liên quan đến vấn đề chất lượng thực phẩm không rõ nguồn gốc mà đại biểu Nguyễn Quang Thắng, (Tổ Hoàn Kiếm) nêu, Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Khắc Hiền cho biết, thời gian qua, công tác ATTP được sự quan tâm rất lớn của thành phố.

Hiện nay, công tác phân cấp quản lý tương đối rõ, trong đó việc truy xuất nguồn gốc thực phẩm được Sở Công Thương đã có đề án triển khai, nhiều tiến bộ. Người đứng đầu ngành Y tế thừa nhận vẫn còn tồn tại việc thực phẩm không rõ nguồn gốc, ảnh hưởng đến tâm lý người dân.

Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Khắc Hiền.

Thời gian tới, ngành Y tế sẽ phối hợp tiếp tục quản lý, nâng cao tuyên truyền đến các cấp, các ngành, nhất là người kinh doanh, chế biến có trách nhiệm với sản phẩm của mình; khuyến khích người dân phát hiện, tố giác những cơ sở không bảo đảm ATTP đến chính quyền các cấp.

Về chất lượng bếp ăn tập thể, đại biểu Nguyễn Minh Đức (Tổ Thanh Xuân) gửi câu hỏi đến Giám đốc Sở Y tế nguyên nhân, trách nhiệm và phương hướng khắc phục trong bổi cảnh việc kiểm soát ATTP bếp ăn tập thể tại một số trường học, khu công nghiệp vẫn còn vi phạm; một số bếp ăn bán trú, bếp ăn tập thể chưa có biện pháp chống côn trùng độc hại.

“Với thực trạng như vậy, có nên để tồn tại bếp ăn tập thể hay cần có giải pháp cung cấp dịch vụ thức ăn tại những khu vực trên?”.

Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Khắc Hiền cho biết, năm 2018-2019, toàn thành phố có hơn 4.530 bếp ăn tập thể, trong đó có bếp ăn tại trường tiểu học, mầm non... Hiện có trường tự nấu, có trường ký hợp đồng với cơ sở cung cấp thức ăn, nhiều trường giám sát ATTP rất tốt với sự tham gia giám sát của phụ huynh.

Những bếp ăn không đảm bảo biện pháp chống côn trùng nhưng đại biểu nêu, cơ quan chức năng sẽ tăng cường kiểm tra, cơ sở không đảm bảo sẽ kiên quyết không cho hoạt động. 

Đại biểu Phạm Đình Đoàn (Tổ Hoàng Mai) đề nghị Sở Y tế nói rõ trách nhiệm và phương án xử lý các các cơ sở nước uống đóng chai, nước đá sử dụng nước giếng khoan không có kiểm định. Đại biểu Phạm Đình Đoàn cũng đặt vấn đề với Sở Y tế về việc Thủ đô Hà Nội liệu có thể trở thành Thủ đô ẩm thực hay không? 

Theo Giám đốc Sở Y tế, trên địa bàn có 425 cơ sở sản xuất nước đóng chai, đóng bình, nước đá. Nguồn nước được cơ sở sử dụng phần lớn là nước máy, nhưng có nơi vẫn sử dụng nước giếng khoan.

Những tồn tại như đại biểu nêu là do nhận thức của các cơ sở này, cho rằng máy lọc chưa lọc được tuyệt đối, chưa vệ sinh máy lọc tốt, bố trí diện tích sản xuất chưa đủ rộng, việc làm sạch dụng cụ chỉ mới chú trọng làm sạch trong bình mà chưa chú ý ở ngoài bình.

Những hạn chế trên là trách nhiệm của các cơ sở sản xuất, trách nhiệm trong công tác quản lý nhà nước, từ thành phố đến các quận, huyện, thị xã và cơ quan ngành y tế.

Về việc Thủ đô Hà Nội liệu có thể trở thành Thủ đô ẩm thực hay không, ông Nguyễn Khắc Hiền cho rằng cũng đã lúc nghĩ đến vấn đề này. 

Với những hạn chế trên, giải pháp được người đứng đầu ngành Y tế Thủ đô đưa ra là đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức trách nhiệm của các cơ sở sản xuất kinh doanh, cung ứng; tăng cường lý chặt chẽ, kiểm tra, giám sát, kiên quyết đóng cửa cơ sở không đảm bảo; công khai rộng rãi những cơ sở không đạt yêu cầu...

“Nóng” vấn đề quản lý ATTP trong chợ truyền thống, sản phẩm hết hạn trong siêu thị

Liên quan đến vấn đề quản lý ATTP trong chợ truyền thống, nhất là tại các chợ tạm, chợ cóc, đại biểu Nguyễn Quốc Khánh (Tổ Hoàng Mai) chất vấn về tình trạng vi phạm trong kinh doanh thực phẩm đường phố tại khu vực chợ Nghĩa Tân, chợ Hàng Bè. Đại biểu Đoàn Việt Cường (Tổ Mê Linh) nêu, một số địa phương có hoa quả, thực phẩm không rõ nguồn gốc bày bán tràn lan và đề nghị Chủ tịch UBND các phường và quận làm rõ các vấn đề trên.

Về vấn đề này, Chủ tịch UBND phường Hàng Bạc (quận Hoàn Kiếm) Hoàng Thạch Tâm giải trình: Do thói quen của người dân sinh hoạt ở các khu chợ truyền thống nên vẫn diễn ra tình trạng buôn bán hàng rong trên địa bàn, trong khi công tác kiểm soát của phường chưa triệt để. “Hiện, phường đã tăng cường các biện pháp tuyên truyền, kiểm tra, xử lý về ATTP. Từ đầu năm 2019 đến nay, phường đã kiểm tra 34 cơ sở, xử phạt một số hộ kinh doanh thực phẩm tươi sống”, đồng chí Hoàng Thạch Tâm cho biết. 

Chủ tịch UBND phường Hàng Bạc Hoàng Thạch Tâm giải trình về vấn đề bán hàng rong tại khu vực chợ Hàng Bè.

Liên quan đến vấn đề quản lý chợ tạm, chợ cóc, Chủ tịch UBND quận Đống Đa Võ Nguyên Phong giải trình, hiện trên địa bàn quận còn có khoảng 20 điểm họp chợ trong khu dân cư, 4 chợ cóc. Đối với tình trạng họp chợ Cầu Mới nằm trên địa bàn phường Ngã Tư Sở và một phần phường Nhân Chính (quận Thanh Xuân), tháng 9 vừa qua, cơ quan chức năng hai quận Đống Đa và Thanh Xuân đã ra quân giải tỏa chợ Cầu Mới, sắp xếp các hộ kinh doanh ở đây vào chợ Ngã Tư Sở. 

“Quận Đống Đa đã thực hiện sắp xếp để bảo đảm điều kiện cho các tiểu thương; xây dựng các chuỗi cửa hàng rau quả sạch để phục vụ người dân; tăng cường công tác kiểm tra…”, đồng chí Võ Nguyên Phong cho biết.

Trả lời câu hỏi chất vấn của đại biểu về việc quản lý hoa quả không rõ nguồn gốc, Chủ tịch UBND quận Hà Đông Vũ Ngọc Phụng cho biết, các đơn vị trên địa bàn quận đã tăng cường công tác kiểm tra, tịch thu và phạt vi phạm hành chính. Chín tháng năm 2019, cơ quan chức năng đã xử phạt những hộ vi phạm, yêu cầu các hộ cam kết bảo đảm an toàn, rõ nguồn gốc thực phẩm.

Chủ tịch UBND quận Hà Đông Vũ Ngọc Phụng giải trình về việc quản lý quầy bán hoa quả không rõ nguồn gốc trên địa bàn.

Một trong những vấn đề “nóng” được các đại biểu quan tâm là vấn đề quản lý sản phẩm hết hạn trong các siêu thị. Đại biểu Đỗ Thuỳ Dương (Tổ Cầu Giấy) chất vấn lãnh đạo Sở Công Thương: “Cử tri đến siêu thị vì tin không chỉ là thương hiệu mà tin vào sự quản lý của cơ quan chức năng. Nhưng thực tế, rất nhiều sản phẩm tại siêu thị không đủ bảo đảm, hết hạn sử dụng, gây mất lòng tin cho người tiêu dùng”.

Giải trình vấn đề này, Giám đốc Sở Công Thương Lê Hồng Thăng thừa nhận, ở các trung tâm thương mại, siêu thị, nhưng vẫn có hiện tượng sản phẩm có nguồn gốc chưa bảo đảm. Hiện nay hệ thống phân phối trên địa bàn có 25 trung tâm thương mại, 110 siêu thị, hơn 1.000 của hàng tiện ích. 

Giám đốc Sở Công Thương Lê Hồng Thăng giải trình về việc quản lý hàng hóa không rõ nguồn gốc trong siêu thị.

Giám đốc Sở Công Thương cũng cho biết, trong giấy phép kinh doanh, Sở yêu cầu các cơ sở phải có giấy truy rõ nguồn gốc xuất xứ sản phẩm. Nếu cơ quan chức năng kiểm tra mà cơ sở nào không trình được giấy truy rõ nguồn gốc sản phẩm thì sẽ bị xử phạt. “Tuy nhiên, thực tế việc kiểm tra nguồc gốc xuất xứ sản phẩm chưa làm được như mong muốn. Người tiêu dùng cần lưu ý khi mua sản phẩm cần quan tâm đến hạn sử dụng của sản phẩm ghi trên bao bì trước khi mua”, đồng chí Lê Hồng Thăng nói.

Tăng cường kiểm tra thức ăn đường phố

Trả lời câu hỏi của đại biểu Phạm Đình Đoàn (Tổ Hoàng Mai) về kiểm soát thức ăn đường phố, Chủ tịch UBND phường Hàng Bạc Hoàng Thạch Tâm, quận Hoàn Kiếm cho biết, trên địa bàn phường có nhiều tuyến phố có các hộ dân kinh doanh thực phẩm chế biến sẵn. Từ đầu năm 2019 đến nay, phường đã kiểm tra 34/87 cơ sở kinh doanh thực phẩm, thức ăn đường phố, hộ kinh doanh sản phẩm tươi sống.

Thời gian tới, phường tiếp tục đổi mới các hình thức tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân, các hộ kinh doanh trên địa bàn, gắn với các phong trào, cuộc vận động của các hội, đoàn thể, phát tờ rơi, tổ chức ký cam kết đảm bảo vệ sinh ATTP để nâng cao ý thức của các hộ kinh doanh; tăng cường kiểm tra, xử phạt…

Chưa kiểm soát được các điểm giết mổ nhỏ lẻ

Đại biểu Hoàng Thúy Hằng (Tổ Thường Tín) chất vấn lãnh đạo huyện Thanh Oai về Dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung tại xã Bình Minh, huyện Thanh Oai, sau 4 năm hoàn thành nhưng khu này vẫn chưa thực hiện được mục tiêu tập trung các hộ giết mổ nhỏ lẻ trên địa bàn huyện. Tình trạng giết mổ gia súc, gia cầm tại các hộ gia đình vẫn diễn ra và gây ô nhiễm môi trường. 

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chu Phú Mỹ giải trình.

Đại biểu Nguyễn Nguyên Quân (Tổ Hoàng Mai) hỏi Giám đốc Sở NN&PTNT về quy hoạch hệ thống giết mổ gia súc, gia cầm đến năm 2020 được ban hành năm 2012, điều chỉnh 2017. Qua 7 năm tổ chức thực hiện, mới có 7/11 điểm giết mổ công nghiệp và 10/16 điểm giết mổ tập trung trên địa bàn. Đây là một trong những nguyên nhân khiến thành phố chưa kiểm soát được các điểm giết mổ nhỏ lẻ trên địa bàn. Vậy nguyên nhân, bất cập trong quá trình thực hiện là gì, giải pháp trong thời gian tới để thực hiện quy hoạch này?

Trả lời câu hỏi của đại biểu, Giám đốc Sở NN&PTNT Chu Phú Mỹ cho biết, hiện mới có 7 cơ sở giết mổ công nghiệp và 10 cơ sở giết mổ bán công nghiệp được triển khai.

“Chính quyền một số địa phương chưa chú trọng đến triển khai quy hoạch giết mổ công nghiệp, không bố trí được quỹ đất để xây dựng, một số vị trí có đủ điều kiện nhưng lại nằm trong quy hoạch khác. Mặc dù được thành phố hỗ trợ nhưng chi phí khi giết mổ tập trung sẽ cao hơn nên người dân còn chưa mặn mà, mặt khác, người dân lại quen tiêu dùng thực phẩm tươi sống tại các chợ, chưa quen sử dụng sản phẩm cấp đông”, lãnh đạo Sở NN&PTNT cho biết. 

Thời gian tới, Sở tiếp tục phối hợp với các quận, huyện đẩy nhanh tiến độ hình thành các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các nhà đầu tư để đẩy nhanh tiến độ các dự án này…

Trả lời về Dự án giết mổ gia súc gia cầm tại xã Bình Minh, đại diện lãnh đạo huyện Thanh Oai cho biết, dù các cơ sở đã hoàn thành nhưng vẫn còn thiếu nhiều hạng mục, đặc biệt là hệ thống xử lý nước thải, hàng rào, đường giao thông vào khu giết mổ. Huyện đã kêu gọi các nhà đầu tư triển khai các hạng mục trong khu hàng rào. Tuy nhiên, do cơ sở hạ tầng còn sơ sài, nên mặc dù đã có một số doanh nghiệp quan tâm, song chưa quyết định đầu tư.

Thanh tra chuyên ngành về ATTP có nhiều hiệu quả

Đại biểu Duy Hoàng Dương (Tổ Hoài Đức) chất vấn lãnh đạo xã Hữu Văn (huyện Chương Mỹ) về tình trạng hoạt động giết mổ gia súc nhỏ lẻ trên địa bà gây ô nhiễm môi trường; việc kiểm tra, giám sát thú y tại các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ được thực hiện như thế nào?

Trả lời vấn đề này, đại diện Chi cục thú y Hà Nội cho biết, theo quy định, Chi cục thực hiện kiểm tra, giám sát giết mổ với cơ sở giết mổ được chính quyền cho phép. Việc giám sát được thực hiện trước, trong và và sau khi giết mổ. Nếu đủ điều kiện, gia súc giết mổ sẽ đóng dấu đảm bảo an toàn.

Theo Chủ tịch UBND xã Hữu Văn, toàn xã hiện có 25 hộ làm nghề giết mổ, với số gia súc giết là 5-30/hộ/ngày. Lãnh đạo UBND xã Hữu Văn thừa nhận hiện nay việc giết mổ nhỏ lẻ tồn tại khu dân cư gây ô nhiễm môi trường. Nguyên nhân do đội nghũ kiểm soát địa phương mỏng, số hộ giết mổ lớn.

Hiện lò ổ tập trung ở xã Tốt Động, huyện Chương Mỹ đã hoạt động. Thời gian tới, xã sẽ đẩy mạnh tuyên truyền để các hộ về khu giết mổ tập trung.

Đại biểu Duy Hoàng Dương hỏi thêm về kết quả thực hiện thí điểm thanh tra chuyên ngành về ATTP. Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Khắc Hiền cho biết, sau ba tháng triển khai, việc thanh tra chuyên ngành về ATTP có nhiều hiệu quả. Ở cấp quận, huyện, số tiền xử phạt những trường hợp vi phạm là trên 330 triệu đồng; cấp xã, phường là 408 triệu đồng.

Tuy nhiên, việc thực hiện thanh tra chuyên ngành về ATTP còn khó khăn, như: Một số cấp chính quyền thận trọng trong triển khai; người được giao thực hiện nhiệm vụ chủ yếu là kiêm nhiệm; ở các xã có mối quan hệ họ hàng, làng xóm nên việc xử phạt không dễ; việc thanh tra chuyên ngành chủ yếu thực hiện với dịch vụ ăn uống.

Cần sự chung tay của cử tri và nhân dân Thủ đô trong quản lý ATTP

Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung phát biểu tại phiên giải trình.

Tại phiên họp, có 15 lượt ý kiến đại biểu đặt câu hỏi, 6 đại biểu gửi câu hỏi để UBND thành phố trả lời. Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung đã có báo cáo giải trình rõ hơn trong một số nội dung về việc quản lý ATTP; việc quản lý khâu giết mổ nhỏ lẻ; xử lý những rủi ro lan rộng trên địa bàn thành phố…

Chủ tịch UBND thành phố cũng nêu một số giải pháp trong thời gian tới nhằm thực hiện tôt công tác quản lý ATTP trên địa bàn thành phố. Đó là tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa, đặc biệt đối với các mặt hàng thực phẩm tươi sống; tăng cường công tác tuyên truyền, kiểm tra, đào tạo các kỹ năng của các cán bộ, nhân viên kiểm tra ATTP; tiếp tục tập huấn cho các chủ cửa hàng bán rau củ quả, hoa quả, chủ cửa hàng bán hàng ăn; lấy ý kiến về việc cấp chứng chỉ cho các chủ cửa hàng.

Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung cũng nhấn mạnh giải pháp khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện các chuỗi cung ứng sản xuất hàng hóa liên hoàn, đồng bộ từ người chăn nuôi, nuôi trồng đến chế biến; hoàn thiện các quy định về quản lý kiểm tra, xử phạt; tăng cường việc đầu tư các cơ sở kiểm tra, xét nghiệm nhanh trên địa bàn bảo đảm tính chính xác, khách quan; đề xuất Chính phủ sớm có nguồn đầu tư công sửa chữa các chợ trên địa bàn, tạo điều kiện tốt nhất bảo đảm ATTP.

Về công tác quản lý công tác giết mổ trên địa bàn, Chủ tịch UBND thành phố đề xuất việc cần có cơ chế, chính sách để xây dựng các cơ sở giết mổ tập trung; hoàn thiện các quy định hỗ trợ các hộ giết mổ nhỏ lẻ…

Về việc quản lý các chuỗi cửa hàng trên địa bàn thành phố, như các cửa hàng thuốc, các cơ sở sản xuất chế biến lương thực thực phẩm, đóng chai, hàng ăn… thành phố sẽ có cơ chế quản lý chặt chẽ. “Để thực hiện tốt việc quản lý này, thành phố rất cần sự ủng hộ mạnh mẽ của cử tri và nhân dân Thủ đô. Người dân cần tự nâng cao ý thức hơn trong việc sử dụng thực phẩm trên địa bàn, nâng cao công tác giám sát, phát hiện để cùng thành phố thực hiện tốt việc quản lý ATTP”, Chủ tịch UBND thành phố nhấn mạnh.

Thành phố sẽ chú trọng kiểm tra nguồn gốc xuất xứ rau, củ, quả; cơ sở chế biến sản xuất nước, lương thực, thực phẩm tươi sống; siết chặt quản lý nguồn gốc các chất bảo quản; đồng thời nâng cao kỹ năng kiểm tra chất lượng an toàn thực phẩm cho các cán bộ cấp phường.

 Ngoài ra, thành phố tiếp tục tập huấn cho chủ cửa hàng về an toàn thực phẩm và cấp chứng chỉ; tiếp tục khuyến khích các doanh nghiệp, các chuỗi cung ứng sản xuất liên hoàn; tổ chức diễn tập các sự cố về an toàn thực phẩm, đặc biệt là ở trường học, khu công nghiệp. Cùng với đó, thành phố sẽ hoàn thiện các cơ chế xử phạt các cơ sở có vi phạm về an toàn thực phẩm; đầu tư thiết bị cho các cán bộ trong công tác thanh tra, kiểm tra. 

 Hiện nay, thành phố đang đề xuất Chính phủ sớm cho Hà Nội lấy nguồn đầu tư công để sửa chữa các chợ an sinh, tạo điều kiện thuận lợi cho người kinh doanh, bảo đảm an toàn thực phẩm. Xây dựng cơ chế hỗ trợ cho các cơ sở giết mổ tập trung, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư về trang thiết bị; đồng thời hoàn thiện các quy định hỗ trợ chuyển đổi cho các hộ gia đình giết mổ nhỏ lẻ vào các khu giết mổ tập trung. 

“Ngoài sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền, cũng cần sự ủng hộ mạnh mẽ của cử tri và người dân Thủ đô, mỗi người dân phải tự ý thức về sử dụng các sản phẩm đảm bảo an toàn thực phẩm”, Chủ tịch UBND thành phố nhấn mạnh thêm.

Đề xuất xử lý nghiêm những cơ sở vi phạm

Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Thị Bích Ngọc phát biểu bế mạc phiên giải trình.

Phát biểu bế mạc, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, phiên giải trình đã có 15 lượt đại biểu đặt câu hỏi, 16 lượt giải trình của lãnh đạo các sở, ban, ngành và trả lời của Chủ tịch UBND thành phố, đã đạt mục đích đề ra. Thường trực HĐND thành phố hoan nghênh UBND thành phố đã quyết liệt chỉ đạo công tác tổ chức phiên giải trình và ý kiến tiếp thu thẳng thắn của Chủ tịch UBND thành phố.

Theo Chủ tịch HĐND thành phố, từ khi có Chỉ thị 10-CT/TU và phiên chất vấn lần trước của HĐND thành phố cách đây 3 năm, công tác thực hiện các chính sách về ATTP trên địa bàn có chuyển biến tích cực, hiệu quả, được người dân ghi nhận. Tuy nhiên, việc kiểm soát nguồn gốc thực phẩm chưa triệt để, còn có nơi buông lỏng. Nguyên nhân khách quan là nhu cầu về thực phẩm trên địa bàn lớn, phong tục tập quán là người dân thích mua ở chợ dân sinh, chợ nhỏ nên việc kiểm soát khó...

Vì vậy, Chủ tịch HĐND thành phố đề nghị rà soát lại tất cả đề án, quy hoạch, kế hoạch đã được ban hành khi triển khai Chỉ thị số 10-CT/TU, trong đó có đề án liên quan đến vùng rau sạch, giết mổ tập trung, chuỗi rau ATTP, kiểm soát các thức ăn đường phố; đồng thời, giải quyết vướng mắc từng vấn đề. Đơn cử việc kiểm soát nguồn thực phẩm khó khăn, đặc biệt là thịt gia súc, gia cầm, chăn nuôi, giết mổ, tiêu thụ, vướng mắc gì thì giải quyết hoặc kiến nghị HĐND thành phố. Đồng chí Nguyễn Thị Bích Ngọc cũng nhấn mạnh, Chủ tịch UBND các cấp chịu trách nhiệm toàn diện về ATTP trên địa bàn phụ trách, coi đây là một tiêu chí để xác định nông thôn mới và tổ dân phố văn hóa...

Chủ tịch HĐND thành phố cũng yêu cầu rà soát lại mối quan hệ giữa các sở, ngành trong giải quyết công việc theo văn bản chỉ đạo của trung ương để đổi mới cách kiểm tra nhằm tăng phát hiện vi phạm; đưa ra những đề xuất xử lý nghiêm hơn những cơ sở vi phạm. Trong công tác sắp xếp bộ máy cần đánh giá những khó khăn, chính sách với các cán bộ, trong đó nếu cán bộ kiêm nhiệm thì sẽ khó toàn tâm toàn ý để giải quyết các công việc.

Sau phiên giải trình, HĐND thành phố sẽ tái giám sát vấn đề này với mục tiêu cao nhất là vì sức khỏe của người dân Thủ đô.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thường trực HĐND TP Hà Nội tổ chức phiên họp giải trình về an toàn thực phẩm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.