Theo dõi Báo Hànộimới trên

Để đẩy lùi tham nhũng - cần xử lý nghiêm trách nhiệm người đứng đầu

Hương Ly| 10/11/2019 06:53

(HNM) - Với sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, nhiều vụ tham nhũng lớn đã được xử lý kiên quyết, tạo sự đồng thuận, tin tưởng trong các tầng lớp nhân dân. Tuy nhiên, tình trạng tham nhũng vẫn còn diễn biến phức tạp. Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới bên lề kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XIV, đại biểu Quốc hội Đỗ Đức Hồng Hà (Đoàn Hà Nội) cho rằng, để đẩy lùi tham nhũng, cần làm tốt việc kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn, xử lý nghiêm trách nhiệm người đứng đầu.

- Báo cáo của Chính phủ cho thấy, trong năm 2019, công tác phòng, chống tham nhũng đã được Chính phủ quan tâm, chỉ đạo quyết liệt. Đại biểu đánh giá thế nào về kết quả phòng, chống tham nhũng trong thời gian vừa qua?

- Năm 2019, Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống tham nhũng và trực tiếp là đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Trưởng ban Chỉ đạo tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng trên phạm vi cả nước. Tôi thấy, hoạt động của Ủy ban Kiểm tra Trung ương cũng tiếp tục được tăng cường, nhiều vi phạm của cán bộ, đảng viên, trong đó có cả cán bộ cấp cao được phát hiện, xử lý nghiêm minh.

Cùng với đó, Quốc hội đã cho ý kiến, thông qua nhiều dự án luật, nghị quyết quan trọng, góp phần hoàn thiện thể chế nhằm phòng, chống tham nhũng; tập trung giám sát một số lĩnh vực quan trọng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ tham nhũng.

Chính phủ cũng đã chú trọng đổi mới phương thức chỉ đạo, điều hành, tập trung hoàn thiện thể chế về quản lý kinh tế - xã hội, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, đẩy mạnh xử lý, ngăn chặn tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp.

Cơ quan điều tra (Bộ Công an), Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân đã tập trung khám phá, đẩy nhanh tiến độ khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế, nhất là các vụ án nghiêm trọng, phức tạp, được dư luận xã hội quan tâm. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên tích cực tham gia giám sát, phản biện xã hội. Báo chí và nhân dân tích cực tham gia phát hiện, tố cáo hành vi tham nhũng...

- Theo Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đánh giá, mặc dù công tác phòng, chống tham nhũng đã được đẩy mạnh, song các vụ tham nhũng lớn, lợi ích nhóm, “sân sau” ngày càng tinh vi; tham nhũng vặt tiếp tục diễn ra trên nhiều lĩnh vực. Đặc biệt, tham nhũng trong lực lượng chống tham nhũng lại có chiều hướng tăng. Đại biểu có ý kiến gì về vấn đề này?

- Tôi đồng tình với đánh giá của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội là tình trạng tiêu cực, nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp vẫn tiếp tục diễn ra trên nhiều lĩnh vực, nhất là ở cơ sở. Qua xử lý các vụ tham nhũng lớn, có tính chất lợi ích nhóm, “sân sau” cho thấy, loại tội phạm này đang chuyển sang thủ đoạn đối phó, che giấu dưới các hình thức tinh vi, phức tạp hơn…

Đặc biệt, việc để xảy ra tham nhũng ngay trong chính các cơ quan có chức năng chống tham nhũng, cơ quan bảo vệ pháp luật đã làm ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Ngoài ra, việc thu hồi tài sản tham nhũng vẫn đạt tỷ lệ thấp cũng là vấn đề cần được Chính phủ quan tâm, có giải pháp khắc phục.

- Theo phản ánh của cử tri, việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng vẫn chưa tương xứng với sai phạm. Đại biểu đánh giá gì về nội dung cử tri nêu ra?

- Đúng như vậy, việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu để xảy ra tham nhũng vẫn chưa triệt để và chưa tương xứng với các vụ án tham nhũng được phát hiện, xử lý. Năm 2019 có 30 người đứng đầu bị xử lý trách nhiệm do để xảy ra tham nhũng, trong đó có 3 trường hợp bị xử lý trách nhiệm hình sự, giảm 26 trường hợp so với cùng kỳ năm 2018.

Đặc biệt là đến nay vẫn chưa tách bạch rõ việc xử lý trách nhiệm của người đứng đầu để xảy ra tham nhũng với xử lý trách nhiệm của người đứng đầu có hành vi tham nhũng nên hiệu quả chưa cao.

- Là người có nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực tư pháp, đại biểu có kiến nghị gì với Chính phủ nhằm nâng cao hiệu quả phòng, chống tham nhũng, đáp ứng tâm tư, nguyện vọng của cử tri và nhân dân cả nước?

- Để nâng cao hiệu quả phòng, chống tham nhũng, tôi kiến nghị Chính phủ khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng mới được Quốc hội thông qua, nhất là các quy định về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn.

Bên cạnh đó, Chính phủ cần nhận diện rõ tình trạng tham nhũng vặt, gây nhũng nhiễu, phiền hà cho người dân, doanh nghiệp tập trung ở những ngành, lĩnh vực nào để đưa ra giải pháp phòng, chống phù hợp. Đặc biệt, cần xác định rõ trách nhiệm của các bộ trưởng, trưởng ngành trong việc để xảy ra tình trạng tham nhũng vặt thuộc lĩnh vực mình phụ trách.

Qua các vụ việc sai phạm, vụ án kinh tế, tham nhũng lớn xảy ra trong thời gian qua như: Vụ án Tổng công ty Viễn thông MobiFone (MobiFone) mua 95% cổ phần của Công ty cổ phần Nghe nhìn Toàn Cầu (AVG); vụ việc liên quan đến khiếu nại của công dân về Khu đô thị mới Thủ Thiêm...; đề nghị Chính phủ giao Tổng Thanh tra Chính phủ đánh giá, chỉ rõ nguyên nhân, rút ra những bài học về quản lý kinh tế - xã hội, quản lý cán bộ... để đề xuất giải pháp khắc phục, phòng ngừa.

Các cấp, các ngành cần đẩy mạnh tuyên truyền về phòng, chống tham nhũng theo hướng thực chất, tạo chuyển biến căn bản trong nhận thức của người dân, cán bộ, công chức, viên chức về vấn đề này. Trong đó chú trọng tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống tham nhũng thông qua thực hiện trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên.

Chính phủ, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Tòa án nhân dân Tối cao cũng cần có giải pháp kiên quyết, kịp thời ngăn chặn, trừng trị tham nhũng ngay trong chính các cơ quan có chức năng chống tham nhũng và các cơ quan bảo vệ pháp luật.

Các cơ quan chức năng phải xử lý nghiêm trách nhiệm người đứng đầu để xảy ra tham nhũng; tách bạch rõ việc xử lý trách nhiệm của người đứng đầu để xảy ra tham nhũng với xử lý trách nhiệm của người đứng đầu có hành vi tham nhũng nhằm tăng cường hiệu quả của biện pháp này.

Cùng với việc phát hiện kịp thời hành vi tham nhũng thông qua công tác tự kiểm tra nội bộ; thực hiện giải quyết tin báo, tố giác tội phạm về tham nhũng đạt chỉ tiêu Quốc hội giao; việc nâng cao hiệu quả và tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng cũng cần được chú trọng phối hợp thực hiện…

- Trân trọng cảm ơn đại biểu!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Để đẩy lùi tham nhũng - cần xử lý nghiêm trách nhiệm người đứng đầu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.