Theo dõi Báo Hànộimới trên

Để ánh sáng chủ nghĩa Mác - Lênin và tinh thần Cách mạng Tháng Mười Nga mãi soi đường cho dân tộc Việt Nam

PGS.TS Trần Viết Lưu| 12/11/2019 07:21

(HNM) - Nước Nga và những người yêu chuộng hòa bình trên thế giới vừa kỷ niệm và hoài niệm về một sự kiện có tính nhảy vọt lịch sử, mở ra kỷ nguyên mới cho nhân loại hiện thực hóa khát vọng hòa bình, tự do, bình đẳng, bác ái: Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917. Trong hơn một thế kỷ đó, Việt Nam là một trong những dân tộc nhờ có Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh tiếp cận được ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin và tinh thần cách mạng vô sản Tháng Mười Nga mà có được những thắng lợi mang tầm vóc thời đại.

Chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh là kim chỉ nam cho cách mạng nước ta, với mục tiêu cao cả làm cho dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội.

1. Từ Cách mạng Tháng Mười Nga và sơ thảo Luận cương của Lênin, Nguyễn Ái Quốc tin tưởng rằng, chỉ đi theo con đường cách mạng vô sản mới giải phóng được dân tộc mình.

Năm 1848, Tuyên ngôn Đảng Cộng sản ra đời do Các Mác và Ăng Ghen soạn thảo, đó là chân lý cho các nô lệ trên thế gian vùng lên phá tan xiềng xích áp bức, bất công. Năm 1870-1871, lịch sử cận đại thế giới chứng kiến Công xã Paris - một cuộc “tấn công lên trời” của các tầng lớp không thuộc giới thượng lưu ở nước Pháp và châu Âu, báo hiệu một thời đại mới đang đến gần. Đó là thời đại mà giai cấp bị áp bức bóc lột không cam chịu thân phận nô lệ ở đáy cùng xã hội, cùng đoàn kết vùng lên lật đổ ách thống trị của chế độ tư bản áp bức, bóc lột. Những lời tuyên ngôn bất hủ từ nước Pháp và nước Mỹ (trước đó), nhất là những khái niệm hoàn toàn mới lạ (tự do, bình đẳng, bác ái) đã cuốn hút tâm trí của Nguyễn Tất Thành, cùng với đó là lòng yêu nước thương dân vô hạn đã thôi thúc Nguyễn Tất Thành quyết chí ra đi tìm đường cứu nước.

Trên lộ trình 30 năm bôn ba hải ngoại, Nguyễn Ái Quốc đã đến nước Nga và được tiếp cận sơ thảo Luận cương của Lênin về vấn đề dân tộc và thuộc địa, cùng với những giá trị thiêng liêng do Cách mạng Tháng Mười Nga mang lại, giúp Người có được quyết định đúng xu thế thời đại, khẳng định Cách mạng Tháng Mười Nga là cuộc cách mạng xã hội triệt để nhất so với các cuộc cách mạng tư sản trước đó, Việt Nam chắc chắn phải đi theo con đường cách mạng vô sản như vậy mới mong thành công. Từ nhận thức như vậy, trên đường trở về Tổ quốc, Nguyễn Ái Quốc đã trực tiếp mở các lớp huấn luyện lý luận cách mạng. Những giá trị lý luận khai sáng do Nguyễn Ái Quốc soạn thảo trong các bài giảng ở Quảng Châu (Trung Quốc) giai đoạn 1925-1927, sau được xuất bản thành tác phẩm “Đường Kách mệnh” chính là kết tinh giá trị tư tưởng thời đại với yêu cầu lịch sử Việt Nam, là khởi nguyên nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam về sau.

2. Một số giá trị lý luận và thực tiễn từ chủ nghĩa Mác - Lênin và Cách mạng Tháng Mười Nga đã và vẫn mãi là cốt lõi trong nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Tác phẩm “Đường Kách mệnh” cùng với những văn bản quan trọng được Nguyễn Ái Quốc viết trước ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam không lâu là những cẩm nang về đường lối chiến lược của Đảng ta. Qua những kiệt tác ấy, chúng ta lĩnh hội được những giá trị duy nhất đúng trong tư tưởng Hồ Chí Minh về toàn bộ sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Nguyễn Ái Quốc tiếp cận, chắt lọc, vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào hoàn cảnh lịch sử trong nước và thế giới để định hướng chiến lược cho cách mạng Việt Nam: Xác định mục tiêu tối thượng của cách mạng nước ta là giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp; chỉ rõ nhiệm vụ của cách mạng Việt Nam là đánh đổ thực dân, đế quốc và phong kiến tay sai, thực hiện người cày có ruộng và công nhân làm chủ nhà máy, công xưởng, đồn điền, hầm mỏ; điều kiện tiên quyết bảo đảm cho hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ của cách mạng Việt Nam là phải có chính đảng vô sản lãnh đạo, Đảng phải lấy lý luận Mác - Lênin làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho đường lối và hành động, tập hợp được khối đại đoàn kết toàn dân, nòng cốt là công nhân liên minh với nông dân và các tầng lớp xã hội có tinh thần dân tộc, đồng thời giữ mối liên hệ chặt chẽ với cách mạng thế giới; kết hợp đấu tranh chính trị và đấu tranh vũ trang, biết phân hóa làm suy yếu kẻ thù; biết tạo thời cơ và chớp lấy thời cơ cách mạng. Tính triệt để của cách mạng Việt Nam còn được thể hiện ở bước đi tiếp theo, sau khi giành được độc lập là tiến tới chủ nghĩa xã hội.

Nhìn lại gần 90 năm có Đảng lãnh đạo, đối chiếu với Chánh cương sách lược vắn tắt của Đảng (do Nguyễn Ái Quốc khởi thảo và được đưa ra tại Hội nghị thành lập Đảng), với Cương lĩnh chính trị năm 1930, Cương lĩnh năm 1991 (sửa đổi bổ sung năm 2011) cùng với các nghị quyết của Đảng đã được ban hành, nhất là Nghị quyết Đại hội lần thứ II và Nghị quyết Đại hội lần thứ VI, cho thấy Đảng ta luôn trung thành, kiên định, nhất quán, vận dụng sáng tạo, bổ sung, phát triển và làm sâu sắc thêm những giá trị cốt lõi mà Nguyễn Ái Quốc đã lĩnh hội từ chủ nghĩa Mác - Lênin và Cách mạng Tháng Mười Nga.

3. Tiếp tục kiên định con đường mà Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã lựa chọn theo chủ nghĩa Mác - Lênin và Cách mạng Tháng Mười Nga, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh chưa bao giờ tìm học lý luận chính trị theo lối kinh viện. Cách học của Người là lăn xả vào hoạt động cách mạng, vừa trải nghiệm thực tiễn, vừa tiếp cận và lĩnh hội những giá trị cốt lõi của lý luận Mác - Lênin, từ đó chắt lọc thành những giá trị riêng có của mình, vận dụng sáng tạo vào hoàn cảnh lịch sử và thực tiễn cách mạng Việt Nam, tiến cùng xu thế thời đại.

Nhìn lại tiến trình lịch sử Việt Nam từ ngày có Đảng và Bác Hồ lãnh đạo, chúng ta hoàn toàn có thể khẳng định rằng, Đảng ta chưa bao giờ “nhập khẩu chính trị” mà luôn biết chắt lọc những giá trị cốt lõi của lý luận chính trị và thực tiễn cách mạng trong nước, quốc tế để hoạch định đường lối sáng suốt, đưa cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này tới thắng lợi khác. Công xã Paris thất bại, bởi chưa có được một hệ tư tưởng tiên tiến và một chính đảng vô sản lãnh đạo. Đảng Cộng sản Liên Xô mất vị thế cầm quyền lãnh đạo trước hết là chủ quan, mất cảnh giác với âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị, lại nóng vội trong cải tổ, chưa định được lộ trình cải tổ một cách khoa học, không coi trọng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, quá thiên về cải tổ kinh tế, mà xem nhẹ cải tổ chính trị, nhất là làm xói mòn lòng tin của quần chúng nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ, làm mất tính cố kết giữa các dân tộc, các nước cộng hòa trong toàn Liên bang. Sau khi Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu tan rã, Việt Nam đứng trước muôn vàn khó khăn thách thức như đứng trong tâm bão chính trị trên chính trường thế giới, song nhờ có sự quyết đoán chiến lược, nên Đảng ta đã đề ra đường lối đổi mới đúng đắn, kịp thời, với phương châm có tính mệnh lệnh lịch sử “tự cứu mình trước khi trời cứu”, trong đó trước hết là sự xác định “đổi mới nhưng không đổi màu”, tức là không từ bỏ con đường chủ nghĩa xã hội, kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Theo đó, hơn 30 năm qua, công cuộc đổi mới đất nước do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, được nhân dân tin tưởng thực hiện, nên đất nước mới có được cơ đồ như ngày hôm nay.

Tuy nhiên, lịch sử cách mạng thế giới cũng như của Việt Nam luôn đứng trước muôn vàn khó khăn, thách thức. Một trong những thử thách lớn nhất của cách mạng Việt Nam hiện nay chính là sự suy thoái tư tưởng chính trị, sự xuống cấp đạo đức trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, nạn tham nhũng, lãng phí, sự trì trệ tư duy bao cấp... Nhân đó các thế lực thù địch lợi dụng, sử dụng mạng xã hội để gieo rắc tán phát thông tin xấu độc, lôi kéo, kích động, nói xấu, bôi nhọ uy tín của lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Mục tiêu của chúng là hòng xóa bỏ nền tảng tư tưởng của Đảng, xét lại lịch sử dân tộc, xuyên tạc sứ mệnh lịch sử của Đảng, hạ thấp công lao vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chia rẽ, làm suy yếu khối đại đoàn kết toàn dân tộc, gây rối loạn xã hội, bất ổn chính trị, tiến tới bạo loạn lật đổ chế độ.

Vì vậy, việc đấu tranh bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng chính là nhiệm vụ cốt tử, có tính cấp bách, thường xuyên và lâu dài, liên quan đến sinh mệnh chính trị của Đảng, Nhà nước và chế độ. Trong thực hiện nhiệm vụ này, cả hệ thống chính trị phải vào cuộc, mỗi cán bộ, đảng viên, cấp ủy, tổ chức Đảng, nhất là người đứng đầu phải thực sự là một tấm gương trong trui rèn đạo đức cách mạng, tự học tập, tự bồi dưỡng nâng cao trình độ lý luận chính trị, nói và hành động đúng nghị quyết của Đảng, đồng thời là hạt nhân trong tuyên truyền, giác ngộ cách mạng cho quần chúng nhân dân. Bên cạnh đó, cần phải xây dựng môi trường thông tin an toàn, lành mạnh, nhất là trang bị cho người dân có được khả năng phòng tránh, giảm thiểu nguy cơ “ngộ độc thông tin”, đấu tranh, bảo vệ những giá trị cốt lõi của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, để ánh sáng chủ nghĩa Mác - Lênin và tinh thần Cách mạng Tháng Mười Nga mãi mãi tỏa sáng, soi đường cho dân tộc Việt Nam vươn lên những tầm cao mới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Để ánh sáng chủ nghĩa Mác - Lênin và tinh thần Cách mạng Tháng Mười Nga mãi soi đường cho dân tộc Việt Nam

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.