Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thí điểm không tổ chức HĐND cấp phường tại Hà Nội: Nhu cầu tất yếu của nhiều địa phương

B.Hân| 16/11/2019 07:11

(HNMO) - Không tổ chức HĐND cấp phường là nhu cầu của nhiều địa phương chứ không của riêng Hà Nội - Thông điệp này được nhiều đại biểu Quốc hội nêu khi phát biểu tại phiên họp toàn thể tại hội trường cũng như trong thảo luận tại tổ, trao đổi bên lề về dự thảo Nghị quyết thí điểm không tổ chức HĐND cấp phường tại Hà Nội.

Nhu cầu tất yếu của nhiều địa phương, không riêng Hà Nội

Đại biểu Quốc hội Ngọ Duy Hiểu, Phó Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam.

Phát biểu trên diễn đàn Quốc hội chiều 14-11 về sự cần thiết ban hành dự thảo Nghị quyết thí điểm không tổ chức HĐND cấp phường tại Hà Nội, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động Việt Nam, đại biểu Ngọ Duy Hiểu (Đoàn Hà Nội) nêu, thực tế, nhiều địa phương cũng rất mong muốn bỏ HĐND ở cấp phường. "Đây là nhu cầu của nhiều địa phương, chứ không riêng của Hà Nội", đại biểu khẳng định.

“Ở góc độ của đơn vị chuẩn bị ban đầu và đề xuất, thành phố Hà Nội cũng đã nghiên cứu rất toàn diện, sâu sắc và chuẩn bị kỹ càng, kể cả tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo với sự tham gia của rất nhiều chuyên gia luật để trao đổi về những vấn đề liên quan đến tính phù hợp giữa đề xuất với Hiến pháp và pháp luật hiện hành”, đại biểu Ngọ Duy Hiểu nói.

Theo phân tích của đại biểu, trong Hiến pháp có đề cập cấp chính quyền địa phương, gồm có HĐND và UBND. Hiến pháp không đề cập là mỗi cấp chính quyền địa phương phải có 2 cơ quan là Hội đồng và Ủy ban.

"Những nhà làm luật khi xây dựng Hiến pháp đã dự liệu đến những tình huống như thế này. Cho nên, chúng ta đã có một thuật ngữ trong Hiến pháp, đấy là được tổ chức một cách phù hợp ở các loại hình như nông thôn, đô thị, biên giới, hải đảo. Như vậy, về mặt phù hợp với Hiến pháp, Quốc hội có thể hoàn toàn yên tâm”, đại biểu Ngọ Duy Hiểu bày tỏ quan điểm.

Đại biểu Phan Thị Bình Thuận (Đoàn thành phố Hồ Chí Minh) nêu lại thông tin, thực hiện theo Nghị quyết số 26/2008/QH12 ngày 15-11-2008 của Quốc hội và Nghị quyết số 725/2009/UBTVQH12 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XII, tại 67 huyện, 32 quận, 483 phường của 10 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã thực hiện thí điểm không tổ chức  HĐND.

Đại biểu Phan Thị Bình Thuận (Đoàn thành phố Hồ Chí Minh).

Báo cáo số 238 ngày 25-5-2015 của Chính phủ về thực hiện Nghị quyết 26/2008/QH12 có nêu kết quả điều tra, thăm dò dư luận xã hội cho thấy, nhân dân tại những nơi thực hiện thí điểm đánh giá quyền đại diện vẫn được bảo đảm. 53% số người được hỏi cho rằng khi thực hiện thí điểm, chính quyền các cấp đã quan tâm nhiều hơn đến ý kiến và nguyện vọng của nhân dân. Số ý kiến cho rằng sự quan tâm vẫn như trước chiếm 37%. Số ý kiến cho rằng sự quan tâm kém hơn trước chỉ chiếm 5%. 

Khi đánh giá về tính ổn định, tinh gọn của bộ máy, tính thống nhất, thông suốt, hiệu lực, hiệu quả trong chỉ đạo, điều hành từ cơ quan hành chính cấp trên đối với cơ quan hành chính cấp dưới, số ý kiến đánh giá theo chiều hướng tốt hơn trước chiếm 55% đến 61%. Số ý kiến đánh giá vẫn như trước chiếm từ 24% đến 35%. Số ý kiến đánh giá kém hơn trước cũng chỉ chiếm 4%.

“Qua đây tôi cũng kiến nghị Quốc hội xem xét cho thực hiện thí điểm mô hình này tại một số tỉnh, thành phố khác để có cơ sở so sánh, đối chiếu và đánh giá toàn diện, sâu sắc hơn đối với việc thí điểm. Trên cơ sở kết quả thí điểm, có những quyết sách, chủ trương đúng đắn, phù hợp với yêu cầu thực tiễn trong việc sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu quả, hiệu lực”, nữ đại biểu Đoàn thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị. 

Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng cùng mong muốn được thực hiện thí điểm

Trong phát biểu thảo luận tại tổ vào sáng 29-10, bày tỏ nhất trí cao với việc thí điểm không tổ chức HĐND cấp phường tại Hà Nội, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (Đoàn thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, qua việc nhiều tỉnh, thành phố từng thực hiện thí điểm theo Nghị quyết 26/2008/QH12, Hà Nội sẽ rút ra nhiều bài học và kinh nghiệm quý về tính hiệu lực, hiệu quả của mô hình chính quyền đô thị mới trong dự thảo Nghị quyết được trình Quốc hội lần này.

Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (Đoàn thành phố Hồ Chí Minh).

Trên cơ sở đó, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm đề xuất, thành phố Hồ Chí Minh cũng nên được phép thí điểm cùng Hà Nội.

“Thành phố Hồ Chí Minh đã có đề án chính quyền đô thị khá toàn diện, hoàn chỉnh, trình Bộ Chính trị. Thành phố nên đề xuất để Trung ương xem xét cho thành phố Hồ Chí Minh thí điểm cùng Hà Nội, tạo thêm thực tiễn để Bộ Chính trị, Trung ương và Quốc hội xem xét khi triển khai rộng hơn”. 

Tại Đoàn Đà Nẵng, các đại biểu đều bày tỏ sự đồng tình, nhất trí cao với đề án thí điểm của Hà Nội, nhất là qua thực tiễn, Đà Nẵng là một trong những địa phương đã thực hiện thí điểm việc không tổ chức HĐND ở nhiều cấp theo Nghị quyết số 26/2008/QH12.

Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa

Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa cho biết, thành phố Đà Nẵng đang thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TƯ ngày 24-1-2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên tinh thần kế thừa mô hình đã rất thành công của 10 năm trước để xây dựng đề án đổi mới mô hình hoạt động các cấp chính quyền. 

Đề án này đã được báo cáo và được Chính phủ đồng ý, nhưng chưa kịp trình Quốc hội tại kỳ họp này. Bí thư Thành ủy Đà Nẵng cho biết, thành phố sẽ cố gắng hoàn thiện để trình Quốc hội vào kỳ họp sau và hy vọng tại kỳ họp của năm 2020, Quốc hội sẽ thông qua việc cho phép Đà Nẵng thực hiện thí điểm trong nhiệm kỳ 2021-2026.

Phát biểu tại hội trường chiều 14-11, đại biểu Nguyễn Bá Sơn (Đoàn Đà Nẵng) cho rằng, với yêu cầu thực tiễn đang đặt ra, đại biểu hoàn toàn đồng tình với việc Hà Nội đề xuất thí điểm vào thời điểm này.

“Qua thực hiện thí điểm tại thành phố Đà Nẵng, chúng tôi thấy rằng, vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, đặc biệt là trong việc tổ chức triển khai thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, phường đóng một vai trò hết sức quan trọng, bên cạnh sự giám sát chặt chẽ, tăng cường trách nhiệm của các Tổ đại biểu HĐND cấp quận đại diện cho phường ở đó”, đại biểu nêu kinh nghiệm thực tiễn từ địa phương.

Trao đổi với HNMO bên hành lang Quốc hội, các đại biểu: Bùi Văn Xuyền (Đoàn Thái Bình), Nguyễn Văn Hiển (Đoàn Lâm Đồng), hai Ủy viên Thường trực của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cũng ủng hộ việc thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND cấp phường tại Hà Nội.

"Đích đến của mô hình này là giúp người dân thấy cơ quan hành chính ở phường phục vụ họ tốt hơn; thực hiện các thủ tục hành chính nhanh, đặc biệt là quản lý chặt chẽ việc chấp hành pháp luật từ cán bộ đến người dân trên địa bàn. Sự liên thông giữa tổ dân phố, phường và quận phải tốt", đại biểu Bùi Văn Xuyền nói. 

"Nội dung trong đề án được Hà Nội thực hiện kỹ, cùng với sự kế thừa những kinh nghiệm từ thí điểm 10 năm trước nên khả năng thành công sẽ rất cao, mang lại lợi ích lớn cho công tác quản lý của mô hình mới chính quyền đô thị và giúp cho việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy hợp lý", đại biểu Nguyễn Văn Hiển bày tỏ.  

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thí điểm không tổ chức HĐND cấp phường tại Hà Nội: Nhu cầu tất yếu của nhiều địa phương

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.