Theo dõi Báo Hànộimới trên

Dự thảo nghị quyết thí điểm không tổ chức HĐND cấp phường của thành phố Hà Nội: Bảo đảm cơ sở pháp lý, phù hợp với yêu cầu phát triển

Tiến Thành| 17/11/2019 06:17

(HNM) - Tuần qua, thảo luận ở hội trường kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XIV, nhiều đại biểu đã bày tỏ ý kiến tán thành dự thảo Nghị quyết về thí điểm không tổ chức HĐND tại các phường thuộc quận, thị xã của thành phố Hà Nội. Các đại biểu khẳng định, nghị quyết có đầy đủ cơ sở pháp lý và phù hợp với yêu cầu phát triển của Thủ đô trong giai đoạn hiện nay và thời gian tới.

Không tổ chức HĐND tại các phường thuộc quận, thị xã là bước đi có tính đột phá xây dựng mô hình chính quyền đô thị của thành phố Hà Nội. Trong ảnh: PGS.TS Văn Tất Thu, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ phát biểu trong hội thảo xây dựng đề án Chính quyền đô thị do Thành ủy Hà Nội tổ chức. Ảnh: Bá Hoạt

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Đoàn Quảng Bình):

Nghị quyết có cơ sở pháp lý đầy đủ

Qua nghiên cứu Tờ trình của Chính phủ, Đề án thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội và Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết về thí điểm không tổ chức HĐND tại các phường thuộc quận, thị xã của thành phố Hà Nội của Ủy ban Pháp luật, tôi nhận thấy tờ trình và các tài liệu được chuẩn bị chu đáo, có sức thuyết phục. Điều này thể hiện thành phố Hà Nội dám đột phá, dám làm và có những bước chuẩn bị rất kỹ lưỡng để Quốc hội ra nghị quyết.

Tôi tán thành với dự thảo nghị quyết vì, thứ nhất, nghị quyết được ban hành là việc thể chế hóa Kết luận số 46-KL/TƯ ngày 19-4-2019 của Bộ Chính trị về “Đề án thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội”; thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TƯ Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”. Đây là chủ trương lớn, quan trọng mang tính xã hội sâu sắc.

Thứ hai, Hiến pháp năm 2013 có hai điều quy định về chính quyền và cấp chính quyền. Trong đó, Điều 111 Hiến pháp năm 2013 quy định cấp chính quyền địa phương gồm có HĐND và UBND được tổ chức phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt do luật định. Trong Luật Tổ chức chính quyền địa phương và Điểm b, Khoản 2, Điều 15 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định, Quốc hội ban hành nghị quyết để thực hiện thí điểm một số chính sách thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội nhưng chưa có điều luật hoặc chưa có những quy định của luật hiện hành, cho nên việc thực hiện thí điểm là hợp lý. 

Tại dự thảo Nghị quyết, cấp phường sẽ chỉ có cơ quan hành chính và không có HĐND. Tôi cho rằng, UBND cấp phường là "cánh tay nối dài" của chính quyền quận. Sau khi thí điểm ở Hà Nội, nếu phù hợp, hiệu quả thì có thể nhân rộng cho cả nước nhằm sắp xếp lại tổ chức bộ máy hành chính và tinh giản biên chế.

Đại biểu Phùng Văn Hùng (Đoàn Cao Bằng):

Tất cả các quyền của người dân vẫn được đại diện đầy đủ

Tôi nhất trí cao với Tờ trình của Chính phủ về việc Quốc hội ban hành Nghị quyết thí điểm không tổ chức HĐND tại cấp phường thuộc quận, thị xã của thành phố Hà Nội. Tại Hiến pháp năm 2013, chính quyền địa phương có thể là cấp chính quyền có hai cơ quan là HĐND và UBND nhưng cũng có thể là một cơ quan đại diện cho một cấp chính quyền. Trong Tờ trình, UBND cấp phường do UBND cấp quận quyết định là hoàn toàn hợp hiến; bảo đảm công tác chỉ đạo, triển khai chính sách pháp luật và cung cấp các dịch vụ công tới người dân thông suốt; đồng thời nắm bắt kịp thời tâm tư, nguyện vọng của người dân.

Theo dự thảo Nghị quyết thì các chức năng có tính đại diện của HĐND phường được chuyển cho HĐND quận, thị xã. Như vậy, HĐND thành phố, HĐND quận, thị xã là cơ quan đại diện đầy đủ cho quyền và lợi ích hợp pháp của người dân. UBND phường là "cánh tay nối dài" của UBND quận, chịu sự giám sát của HĐND quận, thị xã. Có thể thấy tất cả các quyền của người dân vẫn được đại diện đầy đủ bởi Quốc hội, HĐND cấp thành phố, cấp quận và thị xã.

Tôi tin tưởng vào thành công của nghị quyết vì đây là một chủ trương lớn của Đảng, đã được nhiều kỳ Đại hội Đảng thảo luận cho ý kiến. Đồng thời, đây cũng là ý nguyện của nhân dân Thủ đô được đúc kết trong Đề án thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội, do Thành ủy, UBND thành phố Hà Nội xây dựng và đã được thảo luận tại kỳ họp HĐND thành phố. Hà Nội đã chủ động và sẵn sàng cho đổi mới. Không có lý do gì mà Quốc hội không ủng hộ khi ý Đảng, lòng dân đã gặp nhau.

Đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Đoàn Lạng Sơn):

Cần sớm thông qua nghị quyết 

Tôi đồng tình và cơ bản nhất trí với Tờ trình của Chính phủ về dự thảo Nghị quyết về thí điểm không tổ chức HĐND tại các phường thuộc quận, thị xã của thành phố Hà Nội. Tôi cũng cho rằng, cần sớm thông qua nghị quyết này để có thể triển khai và trên cơ sở thực hiện sẽ rút kinh nghiệm, tiếp tục nghiên cứu để xây dựng hành lang pháp lý cho mô hình chính quyền đô thị phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013.

Về góp ý cụ thể cho nghị quyết, tôi nhận thấy cần xác định rõ vị trí, vai trò, địa vị pháp lý của mô hình tổ chức trên, cụ thể là bổ sung điều khoản quy định về mô hình tổ chức, nơi không tổ chức HĐND cấp phường mà chỉ thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp là HĐND, UBND quận và UBND cấp phường. Quy định rõ phạm vi thí điểm tại 177 phường thuộc quận và thị xã Sơn Tây. Bổ sung nguyên tắc trong thực hiện mô hình quản lý phải bảo đảm quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, phân cấp ủy quyền phù hợp và quản lý thông suốt bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Đây cũng là cơ sở để đánh giá mô hình sau khi sơ kết, tổng kết…

Đại biểu Phan Thị Bình Thuận (Đoàn thành phố Hồ Chí Minh):

Xem xét cho thực hiện thí điểm tại một số địa phương khác

Trên cơ sở Tờ trình của Chính phủ, ý kiến thẩm tra của Ủy ban Pháp luật, đặc biệt là để thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TƯ Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” và các nghị quyết, kết luận của Bộ Chính trị, tôi thống nhất với việc ban hành Nghị quyết về thí điểm không tổ chức HĐND tại các phường thuộc quận, thị xã của thành phố Hà Nội.

Qua đây, tôi cũng kiến nghị Quốc hội xem xét cho thực hiện thí điểm mô hình này tại một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khác để có cơ sở so sánh và đánh giá toàn diện, sâu sắc hơn; từ kết quả thí điểm có những quyết sách, chủ trương đúng đắn, phù hợp với yêu cầu thực tiễn trong việc sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu quả, hiệu lực…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dự thảo nghị quyết thí điểm không tổ chức HĐND cấp phường của thành phố Hà Nội: Bảo đảm cơ sở pháp lý, phù hợp với yêu cầu phát triển

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.