Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bước tiến trong cải cách bộ máy chính quyền, phù hợp với đô thị

Bảo Hân| 25/11/2019 10:28

(HNMO) - Bên hành lang Quốc hội ngày 25-11, nhiều đại biểu Quốc hội tiếp tục dành sự ủng hộ Đề án thí điểm quản lý theo mô hình tổ chức chính quyền đô thị tại Hà Nội và dự thảo Nghị quyết về thí điểm không tổ chức HĐND tại các phường thuộc quận, thị xã của thành phố Hà Nội.

Đại biểu Bùi Sỹ Lợi (Đoàn Thanh Hóa): Thí điểm là giải pháp được đánh giá cao

Đại biểu Bùi Sỹ Lợi (Đoàn Thanh Hóa).

Chính quyền của chúng ta đang đi theo “mô tip” 3 cơ quan độc lập, được phân quyền về hành pháp, lập pháp và tư pháp.

Tại cấp phường, hoạt động của HĐND đang đặt ra hai vấn đề: Chức năng, nhiệm vụ không rõ ràng, chồng chéo, không giải quyết có hiệu quả những việc chúng ta mong muốn và năng lực, trình độ của cán bộ phường chưa đủ điều kiện để thực hiện chức năng giám sát. Vì vậy, chúng ta nên tập trung dành chức năng giám sát cho cấp trên như các đại biểu HĐND quận, thành phố hay các đại biểu Quốc hội.

Đề án và dự thảo Nghị quyết thí điểm tại Hà Nội lần này chính là để rút ra kinh nghiệm về mô hình quản lý mới, không chỉ cho riêng Thủ đô mà với chính quyền đô thị nói chung. Do đó, tôi đánh giá cao giải pháp này và cũng như nhiều đại biểu khác, tôi dành sự ủng hộ cho Hà Nội để thành phố sớm đẩy nhanh tiến độ thực hiện. 

Tôi mong muốn Hà Nội rút kinh nghiệm từ việc thí điểm theo Nghị quyết 26/2008/QH12 về không tổ chức HĐND huyện, quận, phường để có những chỉ đạo sát sao, đưa ra mô hình mới thành công nhằm thay đổi cơ cấu, cách thức hoạt động của các cơ quan hành pháp, tư pháp, lập pháp ở Việt Nam. 

Đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Đoàn Lạng Sơn): Cần đẩy nhanh tiến trình để đáp ứng yêu cầu thực tiễn 

Đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Đoàn Lạng Sơn).

Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) vừa được thông qua tại kỳ họp Quốc hội đã tập trung sửa đổi một số điểm đặc biệt liên quan cơ cấu tổ chức bộ máy HĐND ở cấp tỉnh, huyện, phường… theo hướng toàn diện, phù hợp đúng tinh thần mở của Hiến pháp năm 2013. Tuy nhiên, theo tôi, đây mới chỉ là bước đầu. Chúng ta cần có tiến trình nhanh hơn mới đáp ứng được yêu cầu thực tiễn đang đặt ra. 

Trên cơ sở đó, tôi hoan nghênh Hà Nội đã làm trước và có bước tiến trong thí điểm cải cách bộ máy phù hợp với đô thị; mong rằng Trung ương sẽ quyết định cho một số thành phố khác cùng thí điểm để có cơ sở rút kinh nghiệm toàn diện trước khi chúng ta hoàn thiện hệ thống pháp luật quy định về mô hình tổ chức chính quyền địa phương. 

Tôi cũng mong muốn dự thảo Nghị quyết về thí điểm không tổ chức HĐND tại các phường thuộc quận, thị xã của thành phố Hà Nội được Chính phủ lưu ý bổ sung, nhấn mạnh rõ những vấn đề có tính nguyên tắc trong phân cấp, phân quyền, bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân khi không tổ chức HĐND cấp phường.

Đại biểu Chu Lê Chinh (Đoàn Lai Châu): Không thể “cào bằng” chỗ nào cũng 3-4 cấp chính quyền

Đại biểu Chu Lê Chinh (Đoàn Lai Châu).

Mục tiêu của thí điểm là tạo ra mô hình chính quyền mới, quản lý tinh gọn nhưng được nâng cao về hiệu lực, hiệu quả. Điều dễ nhận thấy, tổ chức bộ máy hiện nay giữa nông thôn và thành thị không có sự phân biệt rõ ràng và gây ra nhiều sự lãng phí. Ở đô thị, dân số đông nhưng địa bàn gọn, tính tập trung cao nên mô hình chính quyền không thể “cào bằng” như ở nông thôn hay miền núi với 3-4 cấp. 

Việc tiếp tục sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện thể chế xây dựng chính quyền địa phương theo hướng phân định rõ hơn tổ chức bộ máy chính quyền đô thị, nông thôn, hải đảo, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt; chủ động thí điểm ở những nơi có đủ điều kiện là chủ trương của Trung ương và đã được Bộ Chính trị cho ý kiến.

Do đó, dự thảo Nghị quyết về thí điểm không tổ chức HĐND tại các phường thuộc quận, thị xã của thành phố Hà Nội là bước để tiếp tục thực hiện cải cách tổ chức bộ máy tinh gọn hơn và tăng hiệu lực, hiệu quả hơn. 

Việc thí điểm một mô hình mới sẽ có khó khăn. Tuy nhiên, Hà Nội có địa bàn gọn, dân cư sống tập trung, nhiệm vụ của đại biểu HĐND cấp phường được chuyển lên cho cấp quận với những quy định cụ thể sẽ bảo đảm quá trình thực hiện không có nhiều vướng mắc. Mô hình chính quyền mới tinh gọn, đại diện cho ý chí, nguyện vọng của người dân được bảo đảm thì chắc chắn sẽ khả thi. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bước tiến trong cải cách bộ máy chính quyền, phù hợp với đô thị

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.