Theo dõi Báo Hànộimới trên

Kiểm tra việc thực hiện Chương trình số 02- CTr/TU tại Phúc Thọ

Nguyễn Mai| 26/11/2019 15:42

(HNMO) - Chiều 26-11, đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình số 02- CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016-2020 đã kiểm tra tiến độ thực hiện chương trình tại huyện Phúc Thọ.

Cùng tham gia có Ủy viên Ban Thường vụ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình số 02- CTr/TU của Thành ủy Nguyễn Văn Sửu và đại diện lãnh đạo một số sở, ban, ngành... 

Trước khi làm việc với lãnh đạo huyện Phúc Thọ, Đoàn đã thăm mô hình trồng hoa và chăn nuôi gà tại xã Tích Giang. Đến nay, xã Tích Giang đã chuyển đổi được 86ha đất lúa sang trồng hoa, cây cảnh, giá trị canh tác đạt 630-800 triệu đồng/ha/năm; tiêu biểu có mô hình đạt 2 tỷ đồng/ha/năm.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng thăm mô hình phát triển kinh tế tại huyện Phúc Thọ.

Theo báo cáo của Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ Doãn Trung Tuấn, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện phát triển cả về quy mô và chất lượng. Toàn huyện đã chuyển đổi được 480ha rau; 454ha hoa, cây cảnh; 960ha cây ăn quả; 3.455ha lúa chất lượng cao... Trong chăn nuôi, huyện có tổng đàn trâu, bò 7.085 con; đàn gia cầm 1.353 con; đàn lợn 59.095 con... Sản xuất nông nghiệp đã bước đầu hình thành các chuỗi liên kết từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ. Đối với tiểu thủ công nghiệp, huyện có trên 700 doanh nghiệp, 9.521 hộ sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho 21.608 lao động.

Gần 10 năm xây dựng nông thôn mới, huyện Phúc Thọ đã huy động được 3.456,5 tỷ đồng đầu tư thực hiện các tiêu chí. Đến nay, huyện có 22/22 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Huyện đã phát động các xã, thị trấn ra quân xây dựng cụm dân cư kiểu mẫu, chỉnh trang cảnh quan nông thôn; lắp đặt biển chỉ dẫn tên đường, ngõ xóm...

Bên cạnh kết quả đạt được, việc thực hiện Chương trình số 02- CTr/TU ở Phúc Thọ còn một số khó khăn. Ngoài quốc lộ 32, Phúc Thọ chưa có tuyến đường trục để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; sản xuất nông nghiệp còn nhỏ lẻ, chưa hình thành được vùng sản xuất tập trung... Đối với các xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2011-2016 cần tiếp tục được đầu tư, nâng cao các tiêu chí theo yêu cầu của giai đoạn mới...

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Nguyễn Văn Sửu đánh giá, Phúc Thọ đã tích cực trong xây dựng nông thôn mới nhưng cần rà soát lại các tiêu chí, chủ động trong thực hiện để sớm được Trung ương xem xét, công nhận đạt chuẩn huyện nông thôn mới năm 2020. Huyện cần phối hợp cùng các sở, ngành để triển khai thực hiện các quy hoạch, kêu gọi đầu tư, thu hút du lịch; chuyển đổi mạnh cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao thu nhập cho nông dân.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng phát biểu tại buổi làm việc.

Kết luận buổi làm việc, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng biểu dương những nỗ lực, cố gắng của huyện Phúc Thọ trong thực hiện Chương trình số 02-CTr/TU. Đồng chí cho rằng, Huyện Phúc Thọ đã có nhiều cách làm sáng tạo, trong đó có việc đối thoại với nhân dân, tạo đồng thuận cao trong xây dựng nông thôn mới.

Trong nông nghiệp, Phúc Thọ đã đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đưa cơ giới hóa vào sản xuất, hình thành các chuỗi từ khâu sản xuất đến tiêu thụ, sản phẩm tạo được chỗ đứng trên thị trường. Trong chăn nuôi, huyện có thế mạnh và đang phát triển mạnh đàn bò BBB.

Đối với xây dựng nông thôn mới, đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng biểu dương huyện đã ra quân xây dựng cụm dân cư kiểu mẫu. Tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm nhanh, còn 1,14%; các lĩnh vực giáo dục, văn hóa, y tế được phát huy.

Bên cạnh kết quả đạt được, đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng cũng đề nghị huyện Phúc Thọ chủ động kết nối với Ban Chỉ đạo Chương trình 02-CTr/TU của Thành ủy và các sở, ngành để tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh kết quả đạt được. Huyện Phúc Thọ cần làm tốt công tác tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ, nhân dân về Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy; huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. 

Đối với việc xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia và tiêu chí nước sạch nông thôn..., kết quả đạt được còn thấp so với mặt bằng chung của thành phố, huyện cần có giải pháp khắc phục. Trong nông nghiệp, huyện phải phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu nông nghiệp, mở rộng các vùng sản xuất lúa chất lượng cao. Với các vùng canh tác khó khăn, huyện cần chuyển đổi cơ cấu cây trồng để nâng cao hiệu quả; xây dựng thương hiệu sản phẩm; đẩy mạnh chương trình OCOP.

Đồng chí Phó Bí thư Thường trực Thành ủy cũng gợi ý: “Huyện Phúc Thọ có nhiều di tích lịch sử, cần khai thác lợi thế này để phát triển du lịch, dịch vụ gắn với du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái nhằm nâng cao thu nhập cho nông dân”.

Đối với xây dựng nông thôn mới, huyện cần duy trì, giữ vững và nâng cao chất lượng nông thôn mới ở 22 xã đã đạt chuẩn; huy động mạnh hơn các nguồn lực xã hội hóa; hoàn thiện hồ sơ trình các cấp công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kiểm tra việc thực hiện Chương trình số 02- CTr/TU tại Phúc Thọ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.