Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Xóa bỏ tư duy hành chính hóa trong hoạt động khoa học, công nghệ

Khánh Vũ| 30/11/2019 12:42

(HNMO) - Ngày 30-11, Bộ Khoa học và Công nghệ  (KH-CN) tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 60 năm thành lập (1959-2019) và vinh dự đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.

Tham dự buổi lễ có Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cùng lãnh đạo các bộ, ngành, tổ chức quốc tế và 2.000 đại biểu, cán bộ qua các thời kỳ.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã gửi Thư chúc mừng đến các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của ngành KH-CN.

Bộ KH-CN, tiền thân là Ủy ban Khoa học Nhà nước, được thành lập theo Sắc lệnh số 016-SL ngày 4-3-1959 của Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Trong công cuộc đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế ngày nay, KH-CN đã có những bước tiến quan trọng về mọi mặt, đóng góp thiết thực cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân và củng cố quốc phòng, an ninh.

 Thủ tướng Chính phủ trao Huân chương Lao động hạng Nhất cho lãnh đạo Bộ KH-CN.

Tại lễ kỷ niệm, Bộ trưởng Bộ KH-CN Chu Ngọc Anh cho biết, trong hơn 30 năm đất nước đổi mới, cơ chế và chính sách quản lý hoạt động KH-CN cũng luôn được quan tâm đổi mới nhằm giải phóng tiềm năng sáng tạo, tạo môi trường thuận lợi và thông thoáng cho hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ. Trên cơ sở đó, KH-CN đã có những đóng góp nổi bật trong phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế.

Bước sang giai đoạn phát triển mới, khi đất nước hội nhập toàn diện với thế giới và đứng trước nhiều cơ hội cũng như thách thức trong bước đường phát triển, Bộ KH-CN tiếp tục phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các bộ, ngành, cơ quan ở trung ương và địa phương, cộng đồng các nhà khoa học, nhà quản lý và doanh nghiệp triển khai các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.

Trong 5 giải pháp nêu ra, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh nhấn mạnh đến việc tiếp tục đổi mới hệ thống sáng tạo quốc gia theo hướng lấy doanh nghiệp làm trung tâm và trường đại học là chủ thể nghiên cứu mạnh; thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia để phát triển mạnh lực lượng doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo có tiềm năng tăng trưởng nhanh; thực hiện đồng bộ các giải pháp về kinh tế, thương mại, đầu tư và cải thiện môi trường kinh doanh để kích cầu công nghệ và nhu cầu đổi mới sáng tạo từ khu vực doanh nghiệp; tiếp tục đổi mới hoạt động quản lý KH-CN theo hướng dỡ bỏ các rào cản, giải phóng tối đa tiềm năng sáng tạo…

Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, trải qua 60 năm hình thành và phát triển, cơ quan tiền thân và Bộ KH-CN luôn làm tốt chức năng tham mưu cho Đảng, Nhà nước trong việc ban hành và tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật thúc đẩy nền KH-CN nước nhà phát triển.

Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 của Việt Nam là phát triển thịnh vượng. Để thực hiện hành công chiến lược này, cần phát huy mạnh mẽ nguồn vốn trí tuệ và sức sáng tạo của con người Việt Nam. Xã hội phải lấy KH-CN làm động lực tăng trưởng chủ yếu, dần thay thế các nguồn lực đầu vào truyền thống là tài nguyên thiên nhiên và lao động trình độ thấp.

Thủ tướng cho rằng, Bộ KH-CN và đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ nghiên cứu khoa học phải mạnh mẽ, quyết liệt để thúc đẩy phát triển KH-CN nước nhà, trong đó tập trung vào một số nội dung.

Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện thể chế theo hướng phù hợp với cơ chế thị trường và thông lệ quốc tế, lấy doanh nghiệp làm trung tâm. Cơ chế, chính sách phải được đổi mới đồng bộ cả pháp luật KH-CN và pháp luật về thuế, đầu tư, tài chính... Xóa bỏ tư duy hành chính hóa trong hoạt động KH-CN.

Thứ hai, chú trọng phát triển các lĩnh vực KH-CN có tính ứng dụng cao. KH-CN phải góp phần nâng cao năng suất, chất lượng lao động, hiệu quả sản xuất kinh doanh của nền kinh tế. 

Thứ ba, có các giải pháp cụ thể và hiệu quả để tăng cường liên kết doanh nghiệp với các viện nghiên cứu, trường đại học. Có cơ chế đủ mạnh để khuyến khích, thu hút các nguồn lực xã hội, nhất là nguồn lực đầu tư của doanh nghiệp cho nghiên cứu, ứng dụng KH-CN vào sản xuất, kinh doanh.

Thứ tư, tập trung phát triển mạnh thị trường KH-CN gắn với xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về KH-CN. Chủ động phát triển cơ sở hạ tầng KH-CN theo hướng hiện đại, đồng bộ, trong đó có các khu công nghệ đi đầu trong việc bắt nhịp cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Thứ năm, đổi mới về chính sách sử dụng và trọng dụng nhân tài KH-CN, quan tâm đến các nhà khoa học đầu ngành. Đẩy mạnh hợp tác và hội nhập quốc tế về KH-CN theo hướng mở rộng hợp tác KH-CN tầm quốc gia. Phát triển mạng lưới kết nối nhân tài Việt Nam, thu hút sự tham gia đóng góp của cộng đồng các nhà khoa học người Việt Nam ở nước ngoài.

Kết thúc phần phát biểu, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc gửi lời chúc mừng và mong muốn các cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành KH-CN tiếp tục nỗ lực vì sự nghiệp phát triển đất nước. 

Trong khuôn khổ Lễ kỷ niệm đã diễn ra Hội thảo quốc gia "Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo vì mục tiêu phát triển bền vững”; triển lãm thành tựu 60 năm ngành KH-CN với 55 gian hàng của các doanh nghiệp, doanh nghiệp khởi nghiệp, tổ chức KH-CN tiêu biểu có nhiều thành tích trong hoạt động KH-CN, có sản phẩm, dịch vụ đã được ứng dụng thành công. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Xóa bỏ tư duy hành chính hóa trong hoạt động khoa học, công nghệ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.