Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc: Tấm gương vì nước, vì dân

Nguyễn Thanh Thuận| 16/05/2020 20:09

(HNNN) - Đã gần một thế kỷ kể từ ngày cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc qua đời. Mỗi khi nhắc về cụ chúng ta càng kính trọng, biết ơn một con người tài năng đức độ đã có công sinh thành, dưỡng dục nên một vĩ nhân: Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới.

Tượng cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc trong khuôn viên Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc tại thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp.

Phẩm cách cao quý

Cụ Nguyễn Sinh Sắc sinh năm 1862 ở làng Sen, nay thuộc xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh nghệ An. Cha mẹ mất sớm, khi 16 tuổi cụ được nhà nho Hoàng Xuân Đường ở làng Hoàng Trù (tức làng Chùa, cũng thuộc xã Kim Liên) nhận nuôi và cho ăn học. Vốn thông minh, hiếu học, cụ sớm trở thành học trò giỏi có tiếng, được tôn là một trong “Nam Đàn tứ hổ” (gồm Phan Bội Châu, Vương Thúc Quý, Trần Văn Lương và Nguyễn Sinh Sắc). Năm 22 tuổi, cụ được cha mẹ nuôi gả con gái Hoàng Thị Loan.

Năm 1894, cụ Sắc đỗ cử nhân. Năm sau cụ vào Huế thi hội nhưng không đỗ. Không nản chí, cụ xin làm Hành tẩu bộ Hộ đồng thời vào học trường Quốc Tử Giám, quyết theo đuổi khoa cử. Cụ Loan đưa hai con trai Nguyễn Sinh Khiêm và Nguyễn Sinh Cung vào Huế ở cùng chồng, để lại con gái cả Nguyễn Thị Thanh ở quê chăm sóc bà ngoại. Ngày ngày cụ tần tảo quay tơ dệt vải, kiếm tiền giúp chồng dùi mài kinh sử và nuôi con ăn học. Năm 1901, cụ Loan lâm bệnh rồi qua đời sau khi sinh con trai út Nguyễn Sinh Nhuận (cũng mất sau đó ít ngày). Cùng năm ấy, cụ Sắc đỗ Phó bảng. Thời gian đầu sau khi đỗ Phó bảng, cụ Sắc từ chối ra làm quan, sống thanh đạm bằng nghề dạy học, ngày ngày nghiên cứu tân thư, nuôi dạy con cái và kết bạn với sĩ phu yêu nước...

Năm 1906, cụ Sắc nhậm chức Thừa biện bộ Lễ. Làm quan triều đình nhưng cụ cho rằng: “Quan trường là nô lệ trong đám nô lệ, càng nô lệ hơn”, “trung quân không phải là ái quốc, mà ái quốc là ái dân”. Cụ thường dạy các con: “Chớ lấy phong cách nhà quan làm phong cách nhà mình”. Cụ dạy con nghiêm khắc nhưng cũng rất tôn trọng con cái. Vốn tán thành chủ trương canh tân của Phan Chu Trinh, từ năm 1905 cụ đã cho hai con trai Nguyễn Sinh Khiêm và Nguyễn Sinh Cung theo học Trường Tiểu học Pháp Việt ở Đông Ba, Huế...

Năm 1909, cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc được bổ làm Tri huyện Bình Khê (tỉnh Bình Định). Làm Tri huyện nhưng cụ thường giao du với các nhà nho yêu nước, bênh vực người nghèo, căm ghét cường hào bức hiếp nông dân. Đầu năm 1910, nhân việc cụ cho bắt giam một tên cường hào, sau khi thả ra ít lâu thì tên này chết, cụ bị triều đình xử phạt, giáng chức. Cụ bèn từ quan rồi chu du các tỉnh phía Nam, vừa kiếm sống vừa liên hệ, gặp gỡ các chí sĩ yêu nước (trong đó có Phan Chu Trinh) nhằm chắp nối, tìm cách cho con trai ra nước ngoài tìm đường cứu nước.

Có thể nói, cho đến quãng thời gian này, đức độ, phẩm cách, đặc biệt là tư tưởng tiến bộ, yêu nước, trọng dân, yêu thương nhân dân của cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc đã ảnh hưởng sâu sắc, trở thành tấm gương cho người con Nguyễn Sinh Cung, góp phần quan trọng hình thành nên nhân cách, chí hướng của người thanh niên Nguyễn Tất Thành cũng như chủ nghĩa yêu nước, lý tưởng cách mạng, tư tưởng đạo đức... của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh.

Trọn đời vì nước, vì dân

Sau khi Nguyễn Tất Thành rời bến Nhà Rồng (Sài Gòn, ngày 5-6-1911), bắt đầu hành trình cứu nước trên con tàu Đô đốc Latouche Tréville, cụ Nguyễn Sinh Sắc tiếp tục bôn ba khắp Nam Kỳ, sang tận Campuchia, vừa làm công việc chữa bệnh cứu người vừa trông ngóng tin con. Đi đến đâu cụ cũng tìm cách liên hệ với các nhà sư, nhà nho yêu nước, chính trị phạm tham gia phong trào Cần Vương, Đông Du, Duy Tân bị an trí hoặc đang lẩn tránh mật thám Pháp... Cụ giúp nhiều chùa chú giải kinh sách, góp ý kiến cho phong trào Chấn hưng Phật giáo. Một số chùa ở Nam Bộ hiện còn lưu bút tích và câu đối của cụ.

Cuối năm 1916, qua gặp gỡ một số nhân sĩ, trong đó có cả học trò cũ của mình ở Sài Gòn, cụ Sắc được giới thiệu với ông Hội đồng Hiển (Lê Quang Hiển), người Cao Lãnh, bấy giờ thuộc tỉnh Sa Đéc. Qua đàm đạo, cụ có cảm tình với mảnh đất và con người Cao Lãnh nên năm 1917 cụ theo ông Hiển về đây. Ở Cao Lãnh, cụ gặp con trai một người quen cũ là ông Trần Bá Lê (Cả Nhì Ngưu), vốn là điền chủ yêu nước, từng đóng góp tiền bạc cho phong trào Đông Du sau bị thực dân Pháp bắt, tịch thu gia sản nên đã phải bán nhà cửa, ruộng vườn để lo lót, tránh tù tội. Ông Lê dựng cho cụ một ngôi nhà nhỏ trên đất vườn nhà.

Hằng ngày, ngoài việc bốc thuốc, chữa bệnh cho người dân, cụ giao tiếp với các thân hào, nhân sĩ, nhà nho yêu nước như Lê Văn Đáng (Chánh nhất Đáng), Võ Hoành (Cử Hoành)... Nhưng cụ chỉ ở đây một thời gian ngắn, đến năm 1919 thì rời Cao Lãnh, tiếp tục tới nhiều tỉnh, thành Nam Bộ để gặp gỡ những người đồng chí hướng và truyền bá tư tưởng yêu nước. Qua các nhân sĩ như Phan Chu Trinh, Nguyễn An Ninh..., cụ biết được nhân vật Nguyễn Ái Quốc nổi tiếng lúc này chính là Nguyễn Tất Thành. Do có quan hệ với tổ chức Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội ở Đồng bằng sông Cửu Long nên cụ bị mật thám theo dõi nhưng chúng không có đủ chứng cứ để bắt giam cụ.

Năm 1927, cụ Sắc trở lại Cao Lãnh. Tổ chức Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội ở Cao Lãnh đã sắp xếp để cụ về ở nhà ông Năm Giáo bên bờ rạch Cái Tôm ở làng Hòa An (nay là xã Hòa An, thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp). Hằng ngày, cụ đến tiệm thuốc bắc Hằng An Đường ở chợ Cao Lãnh khám bệnh, bốc thuốc, buổi chiều ở nhà làm thuốc. Với người nghèo, cụ chẳng những không lấy tiền khám mà còn cho thuốc.

Ở Cao Lãnh, cụ được nhân dân yêu thương, đùm bọc, che chở. Mỗi khi có khách đến thăm cụ, ông Năm Giáo lại ra sân làm việc lặt vặt để canh gác. Cô Ba Ênh (Nguyễn Thị Bê, 17 tuổi) được bố trí hằng ngày quét dọn nhà cửa, đi chợ nấu ăn cho hai ông già, thỉnh thoảng bơi xuồng đưa cụ Phó bảng đi khám bệnh, gặp bạn hữu. Lúc này dù cao tuổi, sức yếu nhưng cụ vẫn thường đi Sa Đéc, Sài Gòn, Long Xuyên, Châu Đốc... và nhiều lần gửi thư sang Phnom Penh tới địa chỉ bà Lương Văn Can - một cơ sở của Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội ở Campuchia, nhưng tất cả thư đều rơi vào tay mật thám Pháp.

Cuối tháng 11-1929, cụ Nguyễn Sinh Sắc lâm trọng bệnh rồi qua đời, được đồng bào Cao Lãnh chôn cất cạnh chùa Hòa Long. Nhiều tờ báo ở Sài Gòn đồng loạt đăng tin về sự kiện cụ qua đời, cho thấy sức ảnh hưởng cũng như sự nể trọng của giới trí thức thời bấy giờ đối với cụ. Bài viết của ký giả Phan Khôi trên báo Thần Chung ngày 22-12-1929 có đoạn: “Cụ là người gì mà thình lình bỏ quan không làm, ra đi thân trôi nổi như vậy?... Là người gì mà trong khi gia đình tan hoang, con cái đi hết, một thân già lưu lạc đất khách quê người mà vẫn coi như không, chẳng hề buồn, cũng chẳng hề than thở với ai một lời?... Cụ thiệt là một người dân... Cụ chết đi thiệt là mất một cái tiêu biểu làm dân...”.

Sau hàng chục năm dấn thân nhập thế, lưu lạc xứ người, cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc đã nằm lại mãi nơi mảnh đất phương Nam. Cụ ra đi mà không đợi được ngày trở về của người con mà cụ gửi gắm bao chí khí, hoài bão, không chờ được ngày Cách mạng thành công, đất nước được độc lập, dân tộc được tự do, cũng không biết được rằng sau những năm tháng bôn ba “tìm hình của nước”, người con Nguyễn Sinh Cung - Nguyễn Tất Thành của cụ đã trở thành lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, một vĩ nhân của Việt Nam và nhân loại.

Năm 1954, mộ cụ Nguyễn Sinh Sắc được bộ đội và đồng bào địa phương tôn tạo, sau đó chụp ảnh gửi ra Bắc cho Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ngay sau ngày miền Nam được giải phóng, đất nước thống nhất, thể theo nguyện vọng của nhân dân, tháng 8-1975, Tỉnh ủy Sa Đéc đã xây dựng khu mộ của cụ, đến tháng 2-1977 thì hoàn thành.

Hiện nay, sau nhiều lần tôn tạo, khu mộ cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc trở thành một quần thể di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia, tọa lạc tại số 123/1 đường Phạm Hữu Lầu, thuộc phường 4, thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp. Mỗi năm, di tích thu hút hàng trăm nghìn lượt du khách trong và ngoài nước đến thăm viếng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc: Tấm gương vì nước, vì dân

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.