Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đề xuất nhiều giải pháp bảo vệ môi trường, giảm nghèo bền vững

Tiến Thành| 04/11/2020 12:38

(HNMO) - Sáng 4-11, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ mười, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế - xã hội năm 2020, kế hoạch năm 2021; mục tiêu chủ yếu và một số nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025.

Quang cảnh phiên họp.

Ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường bảo vệ môi trường

Bày tỏ lo lắng về tình hình thiệt hại do thiên tai, bão lũ thời gian qua tại miền Trung, đại biểu Phạm Thị Thu Trang (Đoàn Quảng Ngãi), đại biểu Đỗ Thị Phương Linh (Đoàn Bình Thuận) cho rằng, việc phòng, chống biến đổi khí hậu có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế và ổn định an sinh xã hội. Các đại biểu đề nghị Chính phủ cần phân tích, đánh giá và công bố những nguyên nhân khách quan, chủ quan về biến đổi khí hậu, thiên tai để làm căn cứ xây dựng, hoạch định các chính sách phát triển kinh tế - xã hội.

Thảo luận về vấn đề phát triển kinh tế - xã hội và đầu tư công, đại biểu Nguyễn Tuấn Anh (Đoàn Long An) cho biết, cử tri rất quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường. Đại biểu kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành rà soát từng khu công nghiệp, khu chế xuất, công khai các cơ sở chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung để báo cáo Quốc hội, cử tri giám sát; đồng thời, có giải pháp đầu tư hạ tầng để khắc phục tình trạng này.

Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh (Đoàn Long An).

“Tôi cũng đề nghị Quốc hội và Chính phủ xem xét điều chỉnh cơ cấu đầu tư công giai đoạn 2021-2025, trong đó đầu tư hợp lý cho hoạt động bảo vệ môi trường và tạo điều kiện thuận lợi cho công tác xã hội hóa hoạt động xử lý rác thải trong thời gian tới”, đại biểu Nguyễn Tuấn Anh nói.

Đại biểu Vũ Thị Nguyệt (Đoàn Hưng Yên) nêu thực trạng, ô nhiễm nước thải sinh hoạt tại các dòng sông là nỗi ám ảnh của người dân nhiều khu vực nông thôn, trong đó chủ yếu xuất phát từ nước thải sinh hoạt và nước thải chăn nuôi. Đại biểu Vũ Thị Nguyệt kiến nghị, bên cạnh việc nâng cao ý thức người dân về việc xử lý nước thải sinh hoạt thì chính quyền địa phương cũng cần quyết liệt hơn trong công tác di dời các cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu dân cư.

Lo ngại về tác động của thủy điện nhỏ đến môi trường, đại biểu Trần Thị Dung (Đoàn Điện Biên) nhận định, việc phát triển ồ ạt các thủy điện nhỏ cho thấy cơ chế, chính sách chưa tốt trong việc loại bỏ những dự án kém hiệu quả, tiềm ẩn rủi ro cao. “Do đó, khung pháp lý về phát triển thủy điện nhỏ cần được bổ sung”, đại biểu Trần Thị Dung nhấn mạnh, đồng thời đề nghị Quốc hội ban hành nghị quyết để Chính phủ xây dựng dự án sớm di dời người dân ra khỏi các khu vực có nguy cơ sạt lở cao.

Đại biểu Trần Thị Dung (Đoàn Điện Biên).

Xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững

Nhận định công tác xây dựng nông thôn mới đã đạt được những kết quả tích cực, tuy nhiên, đại biểu Ma Thị Thúy (Đoàn Tuyên Quang), đại biểu Trần Văn Mão (Đoàn Nghệ An) cho rằng, nhiều địa phương vẫn còn gặp khó khăn, nhất là khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số…

“Kết quả xây dựng nông thôn mới ở các khu vực này còn khoảng cách khá lớn so với các vùng miền khác”, đại biểu Ma Thị Thúy nhấn mạnh. Phân tích nguyên nhân, đại biểu cho rằng, mặc dù các địa phương có nhu cầu lớn về xây dựng nông thôn mới, tuy nhiên khả năng huy động nguồn lực còn hạn chế, bên cạnh những ảnh hưởng về thiên tai. Do đó, đại biểu đề nghị việc phân bổ ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 cần tính đến các nấc thang hệ số phân bổ vốn, trong đó ưu tiên hỗ trợ vốn cao hơn cho các địa phương còn gặp nhiều khó khăn.

Đại biểu Ma Thị Thúy (Đoàn Tuyên Quang).

Còn theo đại biểu Đinh Công Sỹ (Đoàn Sơn La), việc giải quyết đất ở, đất sản xuất cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số là nhiệm vụ chính trị quan trọng, tác động đa chiều về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh. “Trong thời gian tới, với những vùng còn thiếu quỹ đất thì cần tiếp cận theo hướng nâng cao giá trị sử dụng đất và chuyển đổi nghề cho đồng bào một cách thực chất hơn”, đại biểu Đinh Công Sỹ nói.

Về công tác giảm nghèo, đại biểu Thạch Phước Bình (Đoàn Trà Vinh) cho rằng, kết quả giảm nghèo chưa thực sự bền vững, tỷ lệ tái nghèo và tỷ lệ hộ nghèo phát sinh còn tương đối lớn. Mặt khác, việc hỗ trợ hộ nghèo hiện nay chủ yếu theo phương thức cũ đã tạo “sức ì”, không phát huy được sự chủ động tham gia của người nghèo. Từ đó, đại biểu Thạch Phước Bình đề nghị sửa đổi các chính sách giảm nghèo theo 3 nhóm chính sách: Hỗ trợ phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập; hỗ trợ tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản và phát triển hạ tầng tại các vùng còn khó khăn. 

Đại biểu Tống Thanh Bình (Đoàn Lai Châu) thông tin, dự án cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia chưa được bố trí vốn từ nguồn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, do đó đề nghị Chính phủ chỉ đạo đưa dự án vào danh mục bố trí vốn từ nguồn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 để triển khai thực hiện chương trình, đáp ứng mong mỏi của nhân dân.

Chiều nay (4-11), Quốc hội tiếp tục làm việc tại hội trường.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đề xuất nhiều giải pháp bảo vệ môi trường, giảm nghèo bền vững

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.