Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nông dân Afghanistan thoát nghèo từ nghệ tây

Kim Phượng| 23/12/2018 07:19

(HNM) - Nhụy hoa nghệ tây (Saffron) đang dần thay thế thuốc phiện và mang lại nguồn thu lớn cho nông dân Afghanistan nhờ giá trị kinh tế cao. Do đó, Chính phủ nước này đang tạo điều kiện cho nông dân chuyển sang sản xuất loại gia vị được coi là đắt nhất thế giới.


Theo số liệu Bộ Nông nghiệp Afghanistan vừa công bố, sản lượng hoa nghệ tây trong năm nay của nước này tăng lên mức kỷ lục, đạt 13 tấn và có doanh thu 17 triệu USD. Chỉ tính riêng trong năm 2018, hơn 6.600 công nhân đã được đào tạo về sản xuất, chế biến và đóng gói nhụy hoa này. Việc canh tác nghệ tây tương đối đơn giản vì chỉ cần nguồn nhân lực lớn mà không đòi hỏi nhiều vốn hay máy móc hiện đại.

Tuy nhiên, việc thu hoạch “thần dược Trung Đông” không phải là công việc dễ dàng. Người nông dân phải dậy từ sáng sớm và làm tới tối mịt mới có được loại hàng quý được mệnh danh là "vàng đỏ" - lấy cảm hứng từ màu sắc đặc trưng của loại gia vị này. Sau khi thu hoạch, hoa được đưa tới nhà máy, nơi những công nhân tách nhụy khỏi hoa và đem sấy khô, tạo thành một loại gia vị nấu ăn. Mỗi vụ hoa nghệ tây cần tới khoảng 156.000 công nhân thời vụ. Đây cũng là động lực giúp người dân nghèo có thêm thu nhập. Một công nhân về hoa nghệ tây cho biết, mỗi người gỡ được 2kg nhụy hoa một ngày và được trả 2 USD.

Nhụy hoa nghệ tây trong nhiều thế kỷ qua được sử dụng vào nhiều món ăn và trong quy trình sản xuất nước hoa, mỹ phẩm. Gia vị này có nhiều công dụng với sức khỏe như ngăn chặn tác động của một loạt hợp chất hóa học có khả năng gây ra căn bệnh ung thư và có tác dụng ức chế các tế bào ung thư.

Nhiều nghiên cứu cho thấy, nhụy hoa nghệ tây có công dụng chống trầm cảm, bệnh mất trí nhớ, hay đóng vai trò như một chất chống oxy hóa. Giá của loại gia vị này đã giảm, từ hơn 900 USD/100g vào đầu năm xuống còn 660 USD hiện nay, một phần do các băng nhóm mafia nhập khẩu trái phép từ Iran và tuồn ra thị trường.

Bên cạnh đó, trồng hoa nghệ tây cần ít nước, đồng nghĩa với việc nó không bị ảnh hưởng ở những khu vực đang bị hạn hán đe dọa. Tuy nhiên, chính quyền Afghanistan vẫn còn chặng đường dài để thay đổi thói quen trồng cây thuốc phiện của người dân, khi vẫn còn 263.000ha canh tác loại cây này.

Trong khi ngành sản xuất nhụy hoa nghệ tây chỉ tạo ra khoảng vài chục triệu USD/năm, thì trồng thuốc phiện đạt giá trị hàng tỷ USD. Iran vẫn là nhà sản xuất nhụy hoa nghệ tây lớn nhất thế giới, chiếm gần 90% thị trường toàn cầu với 400 tấn/năm. Trong khi đó, gần 90% thuốc phiện thu hoạch trên thế giới vẫn đến từ Afghanistan.

Diện tích trồng nghệ tây tại Afghanistan đang dần mở rộng được coi là dấu hiệu tích cực. Số liệu chính thức cho thấy loại hoa này đang được trồng trên 6.200ha đất vào năm 2018, tăng 22% so với năm ngoái. Mặc dù chịu sự cạnh tranh khốc liệt từ nước láng giềng Iran, sản phẩm nghệ tây của Afghanistan đã khẳng định được chất lượng và đang tạo được danh tiếng.

Loại gia vị này đã có mặt ở 17 quốc gia thông qua đường hàng không, chủ yếu là Trung Quốc, Ấn Độ và các nước vùng Vịnh, tiếp theo là Liên minh châu Âu và khu vực Bắc Mỹ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nông dân Afghanistan thoát nghèo từ nghệ tây

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.