Theo dõi Báo Hànộimới trên

Những bước tiến vững chắc

Mai Khanh| 27/07/2018 07:31

(HNM) - Trong 10 năm qua, công tác bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế của Thủ đô Hà Nội đã có những bước tiến vững chắc, góp phần ổn định đời sống người lao động và nhân dân, thực hiện công bằng xã hội và ổn định chính trị - xã hội.

Bộ phận “một cửa” của Bảo hiểm xã hội TP Hà Nội giải quyết các chế độ cho người tham gia.


Số người tham gia BHXH, BHYT tăng nhanh

Thực hiện Nghị quyết số 15/2008/ QH12 ngày 29-5-2008 của Quốc hội khóa XII về việc điều chỉnh địa giới hành chính TP Hà Nội và một số tỉnh liên quan, ngày 24-7-2008, Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam đã ban hành Quyết định số 3902/QĐ-BHXH về việc tổ chức lại BHXH TP Hà Nội trên cơ sở sáp nhập, hợp nhất BHXH TP Hà Nội, BHXH tỉnh Hà Tây, BHXH huyện Mê Linh (tỉnh Vĩnh Phúc) và nhiệm vụ quản lý quỹ, thực hiện chế độ, chính sách BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT) thuộc 4 xã: Đông Xuân, Tiến Xuân, Yên Bình, Yên Trung, thuộc BHXH huyện Lương Sơn (tỉnh Hòa Bình). Trên cơ sở đó, từ ngày 1-8-2008, BHXH TP Hà Nội đã nhanh chóng ổn định tổ chức, địa điểm làm việc, không để ảnh hưởng đến công tác tiếp công dân và giải quyết các chế độ, chính sách với người dân trên địa bàn hành chính mới.

Xác định công tác thu, phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT là một trong những nhiệm vụ cơ bản nhất, từ năm 2008 đến nay, BHXH TP Hà Nội đã thu được gần 190.000 tỷ đồng, số lao động và số tiền thu được tăng nhanh qua các năm. Năm 2008, có chưa đầy 1 triệu lao động tham gia BHXH, số tiền thu được là hơn 4.300 tỷ đồng, đến nay, đã có gần 1,6 triệu lao động tham gia, với số tiền là 33.510 tỷ đồng (năm 2017). Bình quân mỗi năm số lao động tham gia BHXH bắt buộc mới tăng 65.540 người. Đối tượng tham gia BHYT cũng được mở rộng và tăng với tốc độ rất nhanh. Đến nay, toàn thành phố đã có gần 6,5 triệu người tham gia BHYT, tăng gấp 2,2 lần so với năm 2008, chiếm 86,1% dân số Thủ đô. Đặc biệt, người dân ngày càng nhận thức rõ quyền và nghĩa vụ khi tham gia BHYT, nên số người tham gia BHYT tự nguyện (BHYT hộ gia đình) ngày một đông. Hiện tại đã có 1.072.521 người tham gia, tăng 942.987 người so với năm 2008.

Trong 10 năm qua, BHXH thành phố luôn quan tâm đến công tác thẩm định hồ sơ, giải quyết tốt chế độ cho người tham gia BHXH. Việc giải quyết các chế độ BHXH được thực hiện theo cơ chế “một cửa” với quy trình khép kín, gắn trách nhiệm cá nhân, thể hiện được tính dân chủ, công khai trong giải quyết công việc, tạo điều kiện cho viên chức chủ động và chịu trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ được giao. Từ năm 2008 đến nay, BHXH thành phố đã giải quyết kịp thời, đúng đối tượng, đúng chế độ cho 10.692.968 lượt đối tượng thụ hưởng, tăng 15,8 lần so năm 2008.

Bảo đảm tốt công tác chi trả lương hưu, trợ cấp

TP Hà Nội là nơi có số đối tượng hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng lớn nhất cả nước, với gần 600.000 người. Đối tượng hưởng chính sách cũng rất đa dạng. Trong những năm qua, BHXH TP Hà Nội đã phối hợp với Ngân hàng và Bưu điện thành phố thực hiện tốt công tác chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng, bảo đảm kịp thời, đầy đủ, đúng quy định, với số tiền chi trả trung bình gần 2.400 tỷ đồng/tháng.

Để bảo đảm quyền lợi hợp pháp của người tham gia BHYT, hằng năm BHXH TP Hà Nội đều chủ động phối hợp với Sở Y tế, các cơ sở khám, chữa bệnh. Trong 10 năm qua, có 46.563.872 lượt người có thẻ BHYT được bảo đảm quyền lợi khám, chữa bệnh, với tổng chi phí khám, chữa bệnh BHYT đã thanh toán là 27.934,8 tỷ đồng. Hàng chục nghìn bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo như ung thư, tim mạch, bệnh mạn tính…, với chi phí điều trị rất lớn (trung bình mỗi đợt hơn 50 triệu đồng/bệnh nhân, đặc biệt có trường hợp chi phí lên tới hơn 1,2 tỷ đồng), đã được BHXH thanh toán đầy đủ, đúng quy định.

Theo Giám đốc BHXH TP Hà Nội Nguyễn Đức Hòa, để đạt được kết quả trên, trong 10 năm qua, BHXH thành phố đã nhận được sự quan tâm, chỉ đạo trực tiếp của BHXH Việt Nam, của Thành ủy, HĐND, UBND thành phố, cũng như có sự phối hợp hiệu quả của các sở, ban, ngành, địa phương; sự cộng tác chặt chẽ của các đơn vị sử dụng lao động trên địa bàn Thủ đô. Các cấp ủy đảng, chính quyền từ thành phố đến cơ sở luôn quan tâm, chỉ đạo sát sao công tác BHXH, BHYT, kịp thời ban hành các văn bản khi có chỉ đạo, hướng dẫn của Đảng, Nhà nước. BHXH TP Hà Nội đã duy trì sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành trên địa bàn, kịp thời nắm bắt những vấn đề vướng mắc, từ đó tìm giải pháp, tháo gỡ kịp thời những khó khăn. Trong đó, việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, giao dịch hồ sơ điện tử, qua dịch vụ bưu chính đang đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về trình độ, chuyên môn, nghiệp vụ và khối lượng công việc ngày càng lớn...

Thời gian tới, BHXH TP Hà Nội tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp để hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra theo Nghị quyết số 28-NQ/TƯ ngày 23-5-2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chương trình hành động của Thành ủy thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TƯ và Kế hoạch của UBND thành phố về thực hiện Chương trình hành động của Thành ủy về cải cách chính sách BHXH. Trong đó chú trọng đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện giao dịch hồ sơ điện tử, ứng dụng hiệu quả hệ thống thông tin giám định BHYT vào công tác giám định thanh toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT, bảo đảm liên thông giữa các cơ sở y tế với cơ quan BHXH; triển khai thực hiện liên thông dữ liệu điện tử về tiền đóng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp của các đơn vị sử dụng lao động trên địa bàn thành phố, giữa BHXH thành phố, Kho bạc Nhà nước và Ngân hàng Nhà nước thành phố, từng bước hiện đại hóa hệ thống thông tin quản lý.

BHXH TP Hà Nội thông báo việc chuyển trụ sở làm việc mới như sau:

- Địa chỉ cũ: Số 142A Đội Cấn, quận Ba Đình, TP Hà Nội.
- Địa chỉ mới: Số 162 Tô Hiệu, quận Hà Đông, TP Hà Nội.
- Thời gian thay đổi địa chỉ: Từ ngày 24-7-2018.
BHXH TP Hà Nội trân trọng thông báo để các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp và công dân trên địa bàn được biết, giao dịch và làm việc.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những bước tiến vững chắc

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.