Theo dõi Báo Hànộimới trên

Gỡ rào cản pháp lý cho doanh nghiệp

Hà Phong| 28/07/2018 08:14

(HNM) - Sau nhiều tháng rà soát các văn bản pháp luật, khảo sát, tham vấn ý kiến doanh nghiệp, Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ đã phát hiện 9 luật và văn bản dưới luật đang gây phiền hà, tốn kém về thời gian, tiền bạc của doanh nghiệp.

Chồng chéo luật

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng thông tin: Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo, trong công tác kiểm tra chuyên ngành và đơn giản hóa, cắt giảm điều kiện kinh doanh, các bộ, ngành cần bảo đảm cải cách thực chất, không cắt giảm, bãi bỏ hoặc sửa đổi theo kiểu “cơ học” thuần túy; tuyệt đối không bãi bỏ quy định này lại bổ sung quy định khác hoặc sửa đổi, cắt giảm theo kiểu thay đổi tên gọi.

Không ít văn bản dưới luật gây ra vướng mắc cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản, nhà ở. Ảnh: Bá Hoạt


Song trên thực tế, không phải bộ, ngành nào cũng dũng cảm thực hiện.

Kết quả kiểm tra, rà soát của Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ cho thấy, các quy định trong 9 luật hiện hành gồm: Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Đấu thầu, Luật Dân sự, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp và các văn bản dưới luật đang gây ra 37 vướng mắc cho doanh nghiệp trong quá trình chuẩn bị, thực hiện dự án đầu tư. Cụ thể, có 6 vướng mắc do chồng chéo giữa các quy định, 16 vướng mắc do những mâu thuẫn hoặc không tương thích giữa các quy định, 8 vướng mắc do quy định không rõ ràng, thiếu cụ thể và 7 vướng mắc do quy định bất hợp lý.

Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) Nguyễn Đình Cung - người được Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng giao chủ trì chuyên đề rà soát 9 luật nêu trên cho biết: Có 3 nguyên nhân cơ bản gây ra 37 rào cản trên. Một là, thủ tục đầu tư, xây dựng một dự án đầu tư được quy định phân tán tại nhiều văn bản luật, được thực hiện bởi nhiều cơ quan khác nhau. Hai là, không có sự phối hợp, kết nối giữa các cơ quan có liên quan trong thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến dự án đầu tư. Cuối cùng là, những vướng mắc, khó khăn trong lĩnh vực này liên quan đến thẩm quyền của các cơ quan liên quan và các thủ tục hành chính do chính họ thực hiện. Mỗi cải cách, thay đổi đều làm cho một hay một số cơ quan có liên quan mất, hoặc giảm dần quyền lực, tác động bất lợi đến quyền và lợi ích của các cơ quan đó. Thậm chí, những cơ quan, tổ chức bị mất quyền lợi còn chống lại những cải cách cần thiết.

Chẳng hạn, theo quy định hiện hành có 4 tiêu chí để quyết định chủ trương đầu tư là thẩm tra quy hoạch, thẩm tra nhu cầu sử dụng đất, đánh giá sơ bộ về môi trường và đánh giá công nghệ. Nghe thì đơn giản nhưng thực tế lại khá phức tạp bởi thiếu tính hệ thống trong thủ tục hành chính. Luật Đấu thầu chưa quy định rõ đấu thầu loại đất nào, đã được hoặc chưa được giải phóng mặt bằng. Pháp luật về đất đai, nhà ở chưa quy định rõ đã đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo pháp luật đấu thầu rồi có phải giải quyết quyền sử dụng đất theo pháp luật chuyên ngành không. Điều này dẫn tới sự lúng túng của các địa phương trong áp dụng các quy phạm pháp luật với các dự án đầu tư có sử dụng đất.

Đó là chưa kể những xung đột về phạm vi quyền chuyển nhượng dự án bất động sản giữa Luật Đầu tư và Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở và Luật Đất đai. Đặc biệt, chưa có những quy định rõ ràng và có sự khác biệt lớn về trình tự thủ tục đầu tư dự án quy mô trên 5.000 tỷ đồng giữa pháp luật về đầu tư và pháp luật về quản lý vốn nhà nước…

Bước khởi đầu quan trọng


Bình luận về việc rà soát, phát hiện 37 rào cản, vướng mắc, Luật sư Cao Minh Vượng (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng, đây là tiền đề quan trọng để tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Bởi một vấn đề mà hai luật quy định khác nhau thì nhà đầu tư không biết làm thế nào? Chưa kể, còn tạo dư địa cho cán bộ, công chức cố ý gây thêm khó khăn cho doanh nghiệp. Nhiều nhà đầu tư chần chừ, không dám bắt tay vào làm hoặc buộc phải thực hiện theo quy định của cả hai luật, vừa mất thời gian không cần thiết, lại tốn chi phí. Còn nếu không làm thì trái pháp luật, khi đó không chỉ mất tiền, hỏng dự án mà có thể còn phải đối mặt với tù tội. Luật sư Cao Minh Vượng hiến kế, quá trình sửa đổi, bổ sung luật và các văn bản liên quan không thể làm ngay trong một sớm, một chiều. Để bãi bỏ tất cả 37 rào cản này cần làm rõ, chứng minh và ra nghị quyết của Chính phủ hoặc kiến nghị ra một nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để bãi bỏ hoặc sửa đổi các quy định. Muốn làm được, trước hết Tổ Tư vấn của Thủ tướng Chính phủ cần tổ chức đối thoại với các bộ đã dự thảo ra các luật đó. Sau khi đối thoại, các bộ có thể đồng ý sửa đổi luật, còn trong trường hợp không đồng ý, cần báo cáo trực tiếp Thủ tướng giải quyết.

Ở góc nhìn khác, cử tri phường Yên Hòa (quận Cầu Giấy) Nguyễn Thị Huyền nêu quan điểm, vấn đề vốn, đất đai, xây dựng, môi trường liên quan chặt chẽ với nhau trong việc triển khai thực hiện một dự án đầu tư. Chính vì người xây dựng luật thì “cắt dọc” văn bản theo quan điểm của từng bộ, ngành còn nhà đầu tư thì phải tiếp cận theo “chiều ngang” nên dẫn đến quy định chồng chéo, trùng lặp như ma trận. “Điều này không chỉ cho thấy sự thiếu trách nhiệm mà còn thể hiện hạn chế về năng lực của người ban hành pháp luật. Theo tôi, thời gian tới, trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, cơ quan soạn thảo luật nên sòng phẳng, công khai, rộng rãi từ dự thảo đến đánh giá tác động chứ không chỉ đăng trên trang web của ngành mình, tạo điều kiện tối đa cho đông đảo nhà khoa học, chuyên gia, nhân dân, quần chúng, đối tượng bị tác động có ý kiến mới có thể tạo ra sự thay đổi” - bà Nguyễn Thị Huyền kiến nghị.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Gỡ rào cản pháp lý cho doanh nghiệp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.