Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ngân hàng “nội” ghi dấu ấn quốc tế

Hà Linh| 08/12/2018 07:30

(HNM) - Mở ngân hàng con ở nước ngoài, nhận được các giải thưởng do nhiều tổ chức quốc tế đánh giá, các ngân hàng


Vươn tầm quốc tế

Một trong những “đại gia” của ngành Ngân hàng là Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) hiện có 2 chi nhánh tại Đức, 1 văn phòng đại diện tại Myanmar và 1 ngân hàng 100% vốn tại Lào. Tổng lợi nhuận của các công ty con và chi nhánh nước ngoài của VietinBank liên tục tăng trưởng mạnh qua từng năm. Trong đó, VietinBank Lào là ngân hàng 100% vốn đầu tiên tại nước ngoài của VietinBank, thành lập cách đây 6 năm. Ngân hàng này hoạt động hiệu quả, có lãi ngay từ năm đầu thành lập. Đến nay, ngân hàng “con” này của VietinBank đạt tổng dư nợ hơn 200 triệu USD, tổng nguồn vốn huy động hơn 250 triệu USD...

Cách đây không lâu, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cũng ra mắt Vietcombank Lào với vốn điều lệ 80 triệu USD. Mạng lưới nước ngoài của ngân hàng này còn có một văn phòng đại diện tại Singapore, 2 công ty con tại nước ngoài là Công ty Tài chính tại Hồng Kông và Công ty Chuyển tiền tại Mỹ. Vietcombank đặt kế hoạch vào tốp 100 ngân hàng lớn nhất khu vực, tốp 300 thế giới trong tương lai gần...

Ông Phạm Mạnh Thắng, Phó Tổng Giám đốc Vietcombank kiêm Chủ tịch Vietcombank Lào cho biết, thị trường tài chính Lào hiện có nhiều khởi sắc. Sau 7 năm, quốc gia này đã có thị trường vốn và định hình thị trường chứng khoán. Ngoài ra, Lào có tiềm năng lớn về khoáng sản, thủy điện, nông - lâm nghiệp, cộng với nguồn lao động dồi dào, được đánh giá là cửa ngõ quan trọng để thâm nhập thị trường của hơn 150 triệu dân tiểu vùng sông Mê Kông. Do đó, nhu cầu về vốn và các dịch vụ tài chính để phát triển kinh tế tại Lào là rất lớn. Vietcombank Lào có thể tận dụng mạng lưới 40 doanh nghiệp đang có quan hệ tín dụng với Vietcombank, trong đó có 46 dự án đầu tư sang Lào tổng quy mô vốn đăng ký hơn một tỷ USD. Với mục tiêu mở rộng thị trường, kết nối thị trường tài chính giữa hai nước Việt - Lào, Vietcombank Lào sẽ cung cấp các gói dịch vụ tài chính cho các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào Lào cũng như các doanh nghiệp tại Lào, gián tiếp thúc đẩy kim ngạch thương mại hai chiều. Ông Phạm Mạnh Thắng cũng khẳng định: "Không chỉ thị trường quen thuộc với Việt Nam là Lào, hay Campuchia, Vietcombank sẽ mở chi nhánh tại Australia và văn phòng đại diện tại Mỹ thời gian tới".

Theo chuyên gia tài chính ngân hàng, Tiến sĩ Cấn Văn Lực, việc các ngân hàng có mặt tại nhiều quốc gia là chiến lược đã được đưa ra từ nhiều năm. Bên cạnh đó, Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do, kéo theo nhu cầu hội nhập lớn. Các doanh nghiệp Việt Nam đang mở rộng đầu tư tại nhiều nước trên thế giới, nên cần có hệ thống ngân hàng đi theo. Do đó, việc các ngân hàng muốn mở rộng chi nhánh, hoặc gia tăng đầu tư tại nhiều thị trường quốc tế cũng là dễ hiểu.

Nhiều giải thưởng uy tín

Cùng với việc mở rộng phạm vi hoạt động ra thị trường thế giới, nhiều ngân hàng cũng đã được các tổ chức quốc tế đánh giá cao. Chẳng hạn như gần đây, Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) nhận 4 giải thưởng quốc tế uy tín gồm: Ngân hàng bán lẻ tốt nhất Việt Nam 2018, Ngân hàng phát triển nhanh nhất Việt Nam 2018, Ngân hàng có giải pháp thương mại điện tử tốt nhất Việt Nam 2018 và Ngân hàng xã hội tốt nhất Việt Nam 2018. Ông Phạm Doãn Sơn, Tổng Giám đốc LienVietPostBank cho biết: “Những giải thưởng quốc tế này một lần nữa khẳng định cho chất lượng sản phẩm, dịch vụ, uy tín và sức cạnh tranh nổi bật của LienVietPostBank trên thị trường tài chính - ngân hàng tại Việt Nam, đồng thời khẳng định hướng phát triển đúng đắn của ngân hàng trong thời gian qua. Thời gian tới, LienVietPostBank sẽ tập trung đổi mới sản phẩm, dịch vụ, nhằm đem đến những lợi ích vượt trội cho khách hàng và đặc biệt tập trung nâng cao chất lượng dịch vụ, hướng tới một ngân hàng chuẩn quốc tế”.

Cùng với LienVietPostBank, Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) cũng vừa được Tổ chức Thẻ quốc tế Visa trao giải thưởng Ngân hàng Phát hành và Thanh toán có thành tích hoạt động xuất sắc năm 2018. Tổ chức Thẻ quốc tế Visa đánh giá cao những chỉ số vượt trội của hoạt động phát hành và thanh toán về thẻ mà Techcombank đạt được trong thời gian gần đây so với các tổ chức khác trên thị trường. Đối với thẻ tín dụng, giao dịch của Techcombank đứng số 1 thị trường với tỷ lệ hoạt động 87%, cao hơn thị trường 12%. Đối với thẻ ghi nợ của Techcombank, giao dịch tăng trưởng 81%, hơn gấp đôi tốc độ tăng trưởng của thị trường.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Ngân hàng “nội” ghi dấu ấn quốc tế

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.