Theo dõi Báo Hànộimới trên

Agribank: Ngân hàng nội địa phục vụ doanh nghiệp FDI

Minh Trung - TSC/Agribank News| 05/07/2019 16:33

Theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 20-6-2019, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần của doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 18,47 tỷ USD. Bên cạnh đó, ước tính các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài đã giải ngân được 9,1 tỷ USD, tăng gần 8% so với cùng kỳ năm 2018.

Việt Nam tiếp tục là điểm đến của nhà đầu tư

Số liệu trên cho thấy, niềm tin vào kết quả đầu tư ở Việt Nam của nhà đầu tư nước ngoài ngày càng được gia tăng, phần lớn nhà đầu tư nước ngoài đều mong muốn tiếp cận, tìm hiểu khả năng đầu tư. Theo kết quả khảo sát chỉ số Môi trường kinh doanh (BCI) của Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu, các công ty châu Âu đánh giá tích cực về môi trường kinh doanh tại Việt Nam. Kết quả đánh giá trong quý IV-2018 ở mức cao nhất kể từ cuối năm 2016. Theo EuroCham, môi trường kinh tế vĩ mô ổn định, cùng với lạm phát thấp tiếp tục củng cố niềm tin của nhà đầu tư vào thị trường tăng trưởng nhanh của Việt Nam.

Đặc biệt, Hiệp định thương mại tự do và Hiệp định bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu đã chính thức được ký kết cho thấy tiềm năng của khu vực doanh nghiệp FDI đối với lĩnh vực ngân hàng sẽ ngày càng lớn.

Nắm bắt được tình hình và xu hướng thị trường, Hội đồng thành viên, Ban điều hành Agribank đã chủ động xây dựng, ban hành nhiều cơ chế, chính sách; đồng thời chỉ đạo quyết liệt các chi nhánh có những bước đi tiên phong trong việc xúc tiến hợp tác và cung cấp các sản phẩm dịch vụ đối với các doanh nghiệp FDI.

Agribank chi nhánh Khu công nghiệp Sóng Thần (KCN): Một trong những “ngọn cờ” phục vụ khách hàng FDI

Bình Dương là một trong những tỉnh đứng đầu cả nước về thu hút đầu tư nước ngoài. Tính đến nay, toàn tỉnh có hơn 3.580 doanh nghiệp FDI hoạt động với tổng số vốn đăng ký hơn 33 tỷ USD với các nhà đầu tư từ: Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Singapore, Trung Quốc… hoạt động chủ lực trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo.

Số liệu tính đến tháng 5-2019 cho thấy, kim ngạch xuất khẩu của khối FDI đạt 8,39 tỷ USD, chiếm 80,9% kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh, tăng 13,4% so với cùng kỳ (toàn tỉnh đạt 10,36 tỷ USD, tăng 12,2% so với cùng kỳ); kim ngạch nhập khẩu đạt 6,42 tỷ USD, chiếm 84,2% kim ngạch nhập khẩu toàn tỉnh, tăng 6,3% so với cùng kỳ (toàn tỉnh đạt 7,62 tỷ USD, tăng 5,8% so với cùng kỳ). Từ đầu năm đến tháng 5-2019, Bình Dương cũng đã thu hút 890,4 triệu USD, tăng 51,5% so với cùng kỳ, trong đó có 89 dự án đầu tư mới, đây là điều kiện và cơ hội cho chi nhánh phát triển khách hàng FDI.

Chỉ tính riêng doanh nghiệp có nguồn vốn FDI tại chi nhánh, đến cuối 2018 đã đạt khoảng 1.703 tỷ đồng (chiếm 14,1%/tổng nguồn vốn huy động toàn chi nhánh). Nếu tính gộp cả chủ các doanh nghiệp là các cá nhân người nước ngoài thì tổng nguồn vốn huy động khối này khoảng 2.500 tỷ đồng, chiếm 21%/tổng nguồn vốn tại chi nhánh, đồng thời nguồn vốn này tập trung hầu hết tại Hội sở chi nhánh (chiếm 45%/nguồn vốn của Hội sở).

Tổng dư nợ chi nhánh 2018 đạt 9.057 tỷ đồng, trong đó dư nợ ngoại tệ USD ở mức 80.970 nghìn USD, chiếm tỷ trọng 21% trong tổng dư nợ, dư nợ khối khách hàng FDI chiếm 20% trong tổng dư nợ và ở mức 1.554 tỷ đồng (năm 2017); 1.832 tỷ đồng (năm 2018), chiếm tỷ trọng trên 50% so với tổng dư nợ khách hàng FDI của toàn hệ thống; dư nợ cho vay khách hàng FDI tại chi nhánh hiện nay tập trung 3 nhóm ngành: Sản xuất kim loại và các sản phẩm kim loại (46% tổng dư nợ FDI); sản xuất và chế biến các sản phẩm gỗ (25%); dệt may, sản xuất da và giày dép (11%). Đây cũng là 3 nhóm ngành tỉnh Bình Dương đang thu hút rất mạnh nguồn vốn đầu tư. 

Ông Tsai Wen Jui, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển DDK Việt Nam, khách hàng truyền thống với Agribank chi nhánh KCN Sóng Thần, hiện đang có dư nợ 120 tỷ đồng, cho biết: “Trong suốt 19 năm qua, Agribank KCN Sóng Thần ngoài việc hỗ trợ về vốn để đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh, hoàn tất các thủ tục pháp lý để thành lập doanh nghiệp, hỗ trợ thanh toán quốc tế, chi trả lương cho nhân viên, giới thiệu đối tác làm ăn, còn tạo điều kiện cho chúng tôi an tâm sử dụng các sản phẩm dịch vụ của Agribank cung cấp. Do vậy, chúng tôi rất hài lòng về phong cách phục vụ, sự tận tâm của cán bộ, nhân viên chi nhánh và hy vọng quan hệ của hai bên ngày càng tốt đẹp”.

Không “ngủ quên” trên thành quả

Ông Ngô Thành Trung, Phó Giám đốc Agribank KCN Sóng Thần cho biết: “Xác định đây là nhóm khách hàng tiềm năng, do vậy, chúng tôi đã thực hiện nâng cao chất lượng tư vấn và hỗ trợ nắm bắt kịp thời những khó khăn, phân tích hiệu quả, qua đó phân loại, chăm sóc, đồng thời vận dụng linh hoạt các chính sách từ Agribank và tài chính của chi nhánh để áp dụng gói ưu đãi khép kín đối với các nhóm sản phẩm dịch vụ và quy mô, năng lực sản xuất của từng khách hàng FDI".

Mặt khác, ngân hàng luôn nâng cao ứng dụng công nghệ trong hỗ trợ doanh nghiệp và chất lượng nguồn nhân lực từ khâu tuyển dụng, đào tạo, huấn luyện, tái đào tạo một cách thường xuyên về sản phẩm dịch vụ, cập nhật các văn bản, kiến thức cần thiết theo xu hướng phát triển, dịch chuyển và thay đổi của khách hàng; chủ động đào tạo đội ngũ nhân viên có khả năng giao tiếp ngoại ngữ như tiếng Anh, tiếng Hoa để giao dịch trực tiếp khách hàng và nâng cao kỹ năng nhận diện... nhằm phục vụ tốt nhất khách hàng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Agribank: Ngân hàng nội địa phục vụ doanh nghiệp FDI

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.