Theo dõi Báo Hànộimới trên

Lấp “khoảng trống” về phòng, chống bạo lực gia đình

Tiến Thành| 04/09/2022 07:18

(HNM) - Trách nhiệm và công tác phối hợp liên ngành hiện đang có những “khoảng trống” khiến cho việc thi hành Luật Phòng, chống bạo lực gia đình chưa thực sự hiệu quả. Từ thực tiễn đặt ra, cần quy định pháp luật cụ thể, chặt chẽ cộng với sự vào cuộc chủ động từ cơ sở để huy động toàn xã hội tham gia làm tốt công tác này.

Quận Ba Đình tổ chức cho UBND 14 phường ký cam kết chung tay hành động phòng, chống bạo lực gia đình, tháng 6-2022.

Sau hơn 14 năm triển khai thực hiện Luật Phòng, chống bạo lực gia đình đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Tuy nhiên, trong thực tế, bạo lực gia đình vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp và mức độ nghiêm trọng. Trên địa bàn thành phố Hà Nội, trong 3 năm (2019-2021) có 387 vụ bạo lực gia đình, trong đó bạo lực tinh thần chiếm 37%, bạo lực thân thể chiếm 59,7%.

Một trong những nguyên nhân cơ bản của tình trạng nêu trên, theo Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng là do các quy định, chính sách trong luật hiện hành còn tồn tại nhiều bất cập. Quá trình thi hành luật cũng xuất hiện nhiều hạn chế, đặc biệt là vấn đề trách nhiệm và công tác phối hợp liên ngành trong phòng, chống bạo lực gia đình. “Điều này một phần xuất phát từ công tác tổ chức, triển khai thực hiện của các địa phương”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nói.

Phó Chủ tịch Thường trực Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Thu Thủy nhìn nhận, sự phối hợp giữa các ban, ngành có liên quan nhằm thúc đẩy bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực gia đình mặc dù đã có sự tập trung chỉ đạo song hiệu quả phối hợp chưa cao, đôi khi còn hình thức. Phạm vi phối hợp còn hạn chế, thiếu đồng bộ, chưa sâu rộng, nhất là tại những nơi bất bình đẳng giới và bạo lực gia đình ở mức cao. Chương trình, nội dung phối hợp chưa có tính chiến lược, thiếu sự kết nối hiệu quả, chủ yếu còn theo những công việc, hoạt động nhỏ lẻ, sự vụ…

Báo cáo tổng kết thi hành Luật Phòng, chống bạo lực gia đình đã chỉ ra, luật hiện hành chưa đề cập đến sự liên kết giữa các cơ quan, tổ chức, dẫn đến công tác phòng, chống bạo lực gia đình còn thiếu đồng bộ. Bên cạnh đó, chưa quy định rõ vai trò điều phối về phòng, chống bạo lực gia đình của cơ quan quản lý nhà nước. Kinh phí dành cho các cơ quan quản lý nhà nước về phòng, chống bạo lực gia đình hiện được bố trí lồng ghép, nhiều địa phương không có mục chi về phòng, chống bạo lực gia đình, do đó nhiều nhiệm vụ phòng, chống bạo lực gia đình không thực hiện được.

Nhằm khắc phục hạn chế trong công tác phối hợp, Phó Chủ tịch UBND quận Ba Đình Phạm Thị Diễm cho hay, quận luôn xác định phòng, chống bạo lực gia đình là trách nhiệm của các cấp, các ngành, mọi gia đình và toàn xã hội. UBND quận Ba Đình hằng năm đều tổ chức ký cam kết của 14 phường về chung tay hành động phòng, chống bạo lực gia đình. Qua đó, nâng cao trách nhiệm của các cấp, ngành, tổ chức chính trị - xã hội và toàn xã hội trong công tác phòng, chống bạo lực gia đình, xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc bền vững…

Thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình phòng, chống bạo lực gia đình trong tình hình mới đến năm 2025, UBND thành phố Hà Nội đã yêu cầu tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội về công tác phòng, chống bạo lực gia đình trong tình hình mới. Thành phố đặt ra mục tiêu đến năm 2025, có hơn 95% số xã, phường, thị trấn trên địa bàn duy trì mô hình phòng, chống bạo lực gia đình…

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội cũng như thực tiễn ở cơ sở, dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) sẽ bổ sung trách nhiệm của chủ tịch UBND cấp xã, công an cấp xã trong các quy định về xử lý tin báo, tố giác vụ việc bạo lực gia đình. Đồng thời, quy định cụ thể về việc cấm tiếp xúc theo quyết định của chủ tịch UBND cấp xã, cấm tiếp xúc theo quyết định của tòa án, giám sát việc thực hiện cấm tiếp xúc. Dự thảo luật cũng quy định việc chăm sóc, điều trị người bệnh là người bị bạo lực gia đình; giáo dục, hỗ trợ chuyển đổi hành vi; góp ý, phê bình người có hành vi bạo lực gia đình trong cộng đồng dân cư; thực hiện công việc phục vụ cộng đồng… trong dự thảo luật để trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ tư vào tháng 10-2022.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lấp “khoảng trống” về phòng, chống bạo lực gia đình

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.