Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cấp thiết nâng cao chất lượng khám chữa bệnh

Việt Tuấn| 26/09/2015 08:32

(HNM) - Từ nay đến cuối năm 2015, TP Hà Nội khó có thể đạt mốc 75% dân số tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) như mục tiêu đã đề ra.


Mới đạt 71,3%

Qua khảo sát, tính đến tháng 6-2015, tỷ lệ người dân tham gia BHYT trên địa bàn mới đạt 71,3% dân số, trong đó nhóm đối tượng hộ gia đình đạt thấp (23,5%).

Huyện Ứng Hòa đến nay mới có 61% người dân tham gia BHYT, trong đó nhóm hộ gia đình mới đạt 16,6%. Ở huyện Gia Lâm, số người tham gia BHYT cũng mới đạt 70%. Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Nguyễn Ngọc Thuần, ngoài chất lượng khám chữa bệnh BHYT chưa đáp ứng được yêu cầu, thủ tục khám, thanh toán phiền hà, thái độ đối xử với người bệnh có thẻ BHYT khác với khám dịch vụ, thì còn có yếu tố thủ tục mua BHYT theo hộ gia đình rườm rà. Thực hiện Luật BHYT sửa đổi bổ sung (từ 1-1-2015), đối tượng tự nguyện nhân dân phải tham gia bắt buộc theo hộ gia đình, phương thức mua chuyển đổi từ chỗ một người tham gia sang cả hộ gia đình tham gia. Thủ tục hành chính cũng gây khó khăn cho người dân, như nếu không phải photocopy sổ hộ khẩu thì phải kê khai biểu mẫu và xin xác nhận của thôn, xã.

Khám chữa bệnh cho người có bảo hiểm y tế tại Bệnh viện Đa khoa Hà Đông. Ảnh: Thái Hiền


Cùng với đó, việc triển khai một số quy định của Luật BHYT sửa đổi còn chậm. Cụ thể như việc hỗ trợ đóng BHYT của đối tượng cán bộ không chuyên trách cấp xã; hỗ trợ đối tượng thuộc hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp có mức sống trung bình và chi hỗ trợ (mức 1.500 đồng/người) cho UBND cấp xã để thực hiện lập danh sách tham gia BHYT chưa được thực hiện. Do quy định phân tuyến nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu, nên địa bàn thành phố vẫn còn tình trạng những khu vực giáp ranh, người dân sống gần khu vực bệnh viện tuyến thành phố, nhưng không được tham gia BHYT tại bệnh viện đó, mà phải tham gia tại tuyến cơ sở xa hơn. Ngoài ra, đội ngũ cán bộ làm công tác đại lý BHYT tại các xã, phường, thị trấn còn kiêm nhiệm, thiếu thống nhất, không chuyên nghiệp, đa số là cán bộ làm công tác thương binh xã hội, cán bộ hội phụ nữ... Đây cũng là nguyên nhân khiến cho tỷ lệ người dân tham gia BHYT thấp ở các địa phương, nhất là khu vực ngoại thành.

Thủ tục rườm rà

Qua giám sát, nhiều quận, huyện đề xuất các giải pháp để thúc đẩy nhanh tỷ lệ người tham gia BHYT như cần có cán bộ chuyên trách làm công tác bảo hiểm xã hội (BHXH), BHYT cấp xã, vì hiện tại mới ở mức độ làm đại lý do UBND cấp cơ sở phân công làm, nếu như họ không tâm huyết thì không có chính sách nào ràng buộc. Đối với nhóm BHYT hộ gia đình, ngành Bảo hiểm cần giảm nhẹ thủ tục hành chính, giảm bớt phần chủ hộ phải kê khai phụ lục, mà chỉ cần kê khai theo mẫu (hiện tại chủ hộ gia đình phải kê khai cả phụ lục và mẫu). Mặt khác, bỏ bớt chữ ký của UBND xã, phường, thị trấn, mà thay vào đó là chữ ký của đại lý bảo hiểm, để trong trường hợp cần thiết cơ quan BHXH tổ chức kiểm tra được thuận lợi.

Trưởng ban Văn hóa - Xã hội (HĐND TP Hà Nội) Nguyễn Thị Thùy cho biết, với những bất cập, hạn chế trong thực hiện chính sách BHYT, Đoàn giám sát của HĐND thành phố đã kiến nghị với TP Hà Nội tăng cường chỉ đạo cấp ủy, chính quyền các cấp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chính sách pháp luật về BHXH, BHYT nhằm tiến tới thực hiện BHYT toàn dân trên địa bàn. Trong đó, đề xuất thành phố nên đưa chỉ tiêu số người tham gia BHXH, BHYT là một trong những chỉ tiêu chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương từ năm 2016. Đoàn giám sát cũng đề nghị cơ quan BHXH thành phố tiếp tục phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan, UBND các quận, huyện, thị xã nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về BHYT để người dân hiểu rõ quyền lợi khi tham gia BHYT, tránh hiện tượng như hiện nay, ở một số địa phương, người dân khi có bệnh nặng mới tham gia BHYT. Đồng thời phải tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác BHYT, nhất là công tác thống kê, lập danh sách, cấp và đổi thẻ; quy định đưa các thủ tục hành chính về thực hiện chế độ, chính sách BHYT vào mô hình "một cửa", từ việc cấp, đổi thẻ đến các thủ tục, giấy tờ, hồ sơ thanh toán BHYT, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân.

Cùng với các giải pháp trên, ngành Y tế và các bệnh viện cần tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Các trạm y tế cơ sở cần được quan tâm đầu tư hơn nữa nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân, góp phần giảm quá tải cho bệnh viện tuyến trên. Trong quá trình tiếp nhận bệnh nhân, cần linh hoạt xử lý tình huống và tạo điều kiện về thủ tục chuyển viện tuyến trên khi bệnh nhân yêu cầu. Chỉ khi cấp ủy, chính quyền và các ngành chức năng có sự quan tâm đúng mức, vào cuộc đồng bộ, quyết liệt nhằm khắc phục các tồn tại đang đặt ra thì số người tham gia BHYT mới tăng, góp phần hoàn thành mục tiêu phát triển BHYT toàn dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cấp thiết nâng cao chất lượng khám chữa bệnh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.