Theo dõi Báo Hànộimới trên

Rau mầm độc hay không độc?

Bạch Thanh| 15/03/2016 06:20

(HNM) - Những ngày qua, dư luận băn khoăn về việc nhiều loại giống rau mầm trôi nổi không rõ nguồn gốc chứa chất độc hại được đưa ra thị trường, làm ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng. Để rộng đường dư luận, phóng viên Báo Hànộimới đã trao đổi với cơ quan chức năng để làm rõ vấn đề này.

Các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo, chỉ nên mua rau mầm có nguồn gốc rõ ràng, của các cơ sở có kiểm định chất lượng. Ảnh: Nguyễn Trí


Rất ít cơ sở được chứng nhận chất lượng

Theo bà Lưu Thị Hằng, Trưởng phòng Quản lý chất lượng nông sản (Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội): Hiện trên địa bàn thành phố có khoảng 4 - 5 cơ sở sản xuất rau mầm an toàn được cơ quan chức năng quản lý và chứng nhận, còn hầu hết là do người dân e ngại chất lượng rau trên thị trường, đầu tư giá thể để sản xuất tự cung, tự cấp phục vụ nhu cầu của gia đình. Tỷ lệ sử dụng rau mầm trên địa bàn thành phố rất thấp, theo thống kê chưa đầy đủ, mỗi năm chỉ có khoảng chưa tới 1 tấn rau mầm được các đơn vị đưa ra thị trường, chủ yếu là cung cấp cho các nhà hàng, khách sạn.

Bà Nguyễn Thị Phụng, người bán rau an toàn tại chợ Hà Đông cho biết, cửa hàng có bán các loại rau mầm như rau cải xanh, cải tím, hướng dương nhưng lượng tiêu thụ chỉ chiếm 0,1% so với các loại rau ăn lá, củ khác. Các loại rau này cũng rất kén khách và trên bao bì sản phẩm ghi rõ đơn vị sản xuất, hạn sử dụng cũng như có sự chứng nhận chất lượng của cơ quan chức năng.

Trao đổi về việc những băn khoăn của người tiêu dùng, bà Hằng nhận định: Về quy trình sản xuất rau mầm an toàn cũng phải tuân thủ đầy đủ các điều kiện vệ sinh an toàn giá thể, nước, giống… Tuy nhiên, trên thị trường vẫn có không ít các loại giống rau, củ quả nhập theo đường không chính ngạch, gây khó khăn cho cơ quan quản lý nhà nước. Theo bà Hằng về cơ bản, nếu tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật, hạt giống chuẩn, giá thể và nước bảo đảm các yêu cầu kỹ thuật thì rau mầm có nhiều ưu thế với các loại rau ăn củ, ăn lá truyền thống như: Thời gian sinh trưởng nhanh chỉ từ 7 đến 15 ngày/lứa thu hoạch; quá trình trồng không phải sử dụng bất kỳ loại thuốc bảo vệ thực vật nào do rau mầm có thời gian sinh trưởng ngắn, hầu như không có sâu bệnh hại. Trong thời gian từ 7 đến 15 ngày thì hầu như các tồn dư trong quá trình bảo quản hạt giống đều được loại trừ. Tuy nhiên, trong quá trình ngâm ủ hạt giống, người trồng có thể sử dụng các loại thuốc giúp điều hòa tăng trưởng. Phải tùy từng trường hợp cụ thể xem loại thuốc đó có nằm trong danh mục cho phép không, liều lượng, cách dùng, thời gian cách ly… để nhận định độc hay không độc.

Cơ quan quản lý nói gì?

Thực tế, thời gian qua, ngoài giá đỗ được lấy mẫu kiểm tra từ năm 2014, còn các loại rau mầm khác chưa được lấy mẫu kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật nên chưa có cơ sở đánh giá. Tuy nhiên, theo khuyến cáo của ngành Nông nghiệp: Không có khái niệm nào là "hạt giống rau mầm" như trên thị trường mà chỉ có tên là "hạt giống cây rau". Các nhà kinh doanh đang tìm cách "lách" câu chữ để lừa người dùng khi mua hạt giống. Về nguyên tắc, các loại hạt giống dùng làm rau mầm như rau muống, giá đỗ, đậu đen, đậu tương... bắt buộc không được tẩm bất kỳ loại thuốc bảo vệ thực vật nào ngoài việc giữ hạt giống ở độ ẩm thấp. Còn các loại hạt giống thông thường dù do cơ sở cung cấp có uy tín vẫn phải xử lý thuốc bảo quản nằm trong danh mục cho phép để tránh ẩm mốc, mối mọt. Riêng loại hạt giống trôi nổi, nhập lậu thì họ sử dụng thuốc gì, liều lượng bao nhiêu, có nguy hiểm gì không… hiện vẫn còn là bài toán nan giải với cơ quan quản lý nhà nước.

Ông Nguyễn Mạnh Phương, Phó Chi Cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội khuyến cáo: Hạt giống được sử dụng gieo trồng, cây nảy mầm sẽ không bị ảnh hưởng bởi thuốc bảo vệ thực vật bao bên ngoài hạt giống. Tuy nhiên, vỏ ngoài hạt giống có thuốc có thể gây độc hại nếu con người ăn phải nên khi chọn mua hạt giống hoặc rau mầm thành phẩm cần chọn sản phẩm có nguồn gốc, uy tín, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Không nên mua những hộp rau có màu sắc lạ hay lá đã ngả vàng, thân, lá rau to xanh bất thường. Rau mua về nên sử dụng ngay, nếu cần bảo quản phải để trong hộp nhựa hoặc nilon khô ráo, thoáng khí ở nhiệt độ 4-5 độ C, tối đa 3-4 ngày.

Rõ ràng, trong tình hình "thật giả khôn lường" như hiện nay, đã đến lúc các cơ quan chức năng cần đưa rau mầm vào kiểm tra lấy mẫu, xác định rõ chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm để khuyến cáo người dân khi tự làm rau mầm ở nhà hoặc mua trên thị trường. 

Ông Ngô Đại Ngọc, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội: Các loại giống sử dụng làm rau mầm nếu có ngâm tẩm hóa chất bảo quản chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới chất lượng rau. Tuy nhiên, đây là loại rau mới xuất hiện trên thị trường, số lượng người dân sản xuất và tiêu thụ còn ít nên ngành Nông nghiệp chưa tổ chức đánh giá, kiểm tra chuyên sâu. Do đó, để khẳng định chất lượng rau mầm cụ thể ra sao, năm 2016, Sở đã giao cho Trung tâm Khuyến nông triển khai các mô hình thực nghiệm tại các địa phương trên địa bàn thành phố, cụ thể tại quận Nam Từ Liêm để có những đánh giá khách quan. Do vậy, cơ quan quản lý nhà nước cũng như người tiêu dùng chưa thể đánh giá bằng cảm quan mà cần có những so sánh, đối chứng bằng thực tiễn sản xuất.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Rau mầm độc hay không độc?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.