Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bền bỉ tuyên truyền, quyết liệt xử lý

Thanh Thủy| 24/06/2018 07:47

(HNM) - Thực tế địa phương nào quyết liệt, bền bỉ trong tuyên truyền về thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng, nơi đó có những đổi thay rõ nét, từ những ứng xử thường ngày đến ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường, tạo dựng cảnh quan xanh - sạch... từ đó củng cố nếp sống thanh lịch, văn minh tại cộng đồng.

Quy tắc ứng xử nơi công cộng được tuyên truyền dưới nhiều hình thức để đông đảo người dân biết và thực hiện.


Không thể lơ là

Bà Đào Thị Xoan, đại diện người cao tuổi tổ dân phố 24 (phường Xuân La, quận Tây Hồ) cho hay: “Sau một năm địa phương triển khai Quy tắc ứng xử, tổ dân phố có sự đổi thay rõ rệt. Nhờ giải pháp vận động bền bỉ, thường xuyên mà những hiện tượng gây bức xúc như mang bếp than ra đường đun nấu, vứt rác bừa bãi, treo biển quảng cáo không đúng quy định… đã được đẩy lùi. Địa phương cũng đặc biệt chú trọng đến việc làm đẹp cảnh quan môi trường bằng cách trồng hoa, cây cảnh ở nhiều nơi, lắp đặt giá treo cờ Tổ quốc thống nhất trong dịp lễ, Tết”.

Đồng tình với nhận xét của bà Đào Thị Xoan, ông Lê Thế Vĩnh (phường Xuân La, quận Tây Hồ) khẳng định: “Việc gì cũng vậy, cứ quyết liệt thực hiện là sẽ có hiệu quả. Lơ là vận động là lại tái phạm ngay. Đơn cử như vấn đề quản lý vật nuôi vốn gây bức xúc trong nhiều năm qua. Tình trạng thả rông động vật vừa gây nguy hiểm cho người dân, vừa gây mất vệ sinh môi trường do vật nuôi phóng uế bừa bãi. Chính quyền địa phương đã đề ra nhiều giải pháp vận động người dân nên có thời gian hiện tượng này đã được đẩy lùi. Tuy nhiên, giờ đây, tình trạng trên lại xuất hiện, ảnh hưởng không nhỏ tới việc tuyên truyền, vận động cộng đồng thực hiện Quy tắc ứng xử trên địa bàn”.

Cùng với giải pháp tuyên truyền, vận động thường xuyên, chính quyền địa phương còn phải tạo điều kiện hỗ trợ người dân ứng xử văn minh. Bà Lê Thị Lý (thị trấn Sóc Sơn, huyện Sóc Sơn) nêu: “Người dân có ý thức đổ rác đúng giờ, đúng nơi quy định, tuy nhiên xe vệ sinh môi trường thường đi rất nhanh, không phải ai cũng nghe được tiếng kẻng nên nhiều người chưa chủ động được việc đổ rác, dẫn đến “tiện tay” vứt rác ra đường. Hay với tình trạng đổ thóc lúa, đốt rơm rạ ngoài đường gây cản trở giao thông, ô nhiễm môi trường, dù được nhắc nhở thường xuyên nhưng vì địa phương thiếu nơi phơi thóc nên hiện tượng này vẫn chưa thể xóa bỏ.

Tuyên truyền, vận động đi đôi với xử phạt

Quyết liệt thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng, chính quyền, đoàn thể các địa phương đã tích cực vào cuộc với nhiều giải pháp sáng tạo, hiệu quả được áp dụng. Tuy nhiên, những nỗ lực đó vẫn chưa đủ để tạo hiệu quả thực hiện Quy tắc ứng xử như kỳ vọng. Giám đốc Sở VH-TT Hà Nội Tô Văn Động cho biết: Sau một năm triển khai Quy tắc ứng xử nơi công cộng, cung cách ứng xử của người dân trong gia đình và ở nơi công cộng chưa có chuyển biến rõ ràng. Vẫn còn đó hành vi bạo lực trong gia đình, cách ứng xử thiếu văn minh và thái độ vô cảm ngoài xã hội. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng nói trên là chế tài xử lý hành vi không đúng chuẩn mực như vứt rác bừa bãi, hút thuốc nơi công cộng, ngắt hoa, bẻ cành… chưa có hoặc chưa đủ sức răn đe. Sự vào cuộc của các cơ quan, đơn vị chưa đều, chưa thành lập được đoàn kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện và xử lý vi phạm. Việc tuyên truyền còn chưa phủ khắp toàn thành phố, nội dung tuyên truyền chưa sinh động nên chưa tạo được ấn tượng mạnh đối với người dân...

Nhiều ý kiến cho rằng, cần phân việc tuyên truyền, vận động thực hiện các nội dung trong Quy tắc ứng xử cho từng đoàn thể phụ trách, ví dụ như Đoàn Thanh niên lo xây dựng văn hóa giao thông; Hội Phụ nữ phụ trách vấn đề vệ sinh môi trường; Hội Cựu chiến binh vận động giữ gìn an ninh trật tự; Hội Người cao tuổi nêu gương cho con cháu noi theo chấp hành Quy tắc ứng xử tại địa phương… Cùng với đó, cần áp dụng các chế tài xử lý đối với những vi phạm về Quy tắc ứng xử nơi công cộng để kịp thời răn đe, chấn chỉnh hành vi lệch chuẩn. Chị Đào Thị Hằng, Bí thư Chi đoàn tổ dân phố số 5 (thị trấn Sóc Sơn, huyện Sóc Sơn) đề xuất: “Ông bà, cha mẹ cần nêu gương từ những việc nhỏ như đội mũ bảo hiểm, không vượt đèn đỏ… để thanh niên, thiếu niên noi theo. Các địa phương cũng cần có hình thức biểu dương gia đình thực hiện tốt Quy tắc ứng xử và nhắc nhở những trường hợp thực hiện chưa tốt; khen thưởng, nêu gương các tập thể, cá nhân có thành tích tuyên truyền, vận động, làm lan tỏa Quy tắc ứng xử. Thực hiện nhiều việc tốt đồng nghĩa với việc đẩy lùi những điều chưa tốt”.

Để Quy tắc ứng xử nơi công cộng ngày càng phát huy hiệu quả trong cuộc sống, UBND TP Hà Nội đã xây dựng kế hoạch thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng giai đoạn 2018-2020 với nhiều nội dung: Lồng ghép tuyên truyền về ứng xử văn minh khi tham gia giao thông qua hệ thống truyền thanh, bảng biển tại các điểm nút giao thông, nhà ga, bến tàu…; lồng ghép nội dung Quy tắc ứng xử vào chương trình ngoại khóa ở các cấp học; bổ sung tiêu chí thực hiện Quy tắc ứng xử vào nội dung bình xét các danh hiệu văn hóa… Cùng với đó, Sở VH-TT Hà Nội sẽ chủ trì tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, vận động phù hợp với tâm lý, lứa tuổi để nâng cao hiệu quả thực hiện Quy tắc ứng xử. Bộ chế tài xử phạt với 114 tình huống cũng bắt đầu được Sở Tư pháp triển khai thí điểm, từng bước áp dụng với cán bộ, công chức, viên chức trên toàn thành phố.

Hy vọng rằng, thông qua những giải pháp nói trên, việc thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng sẽ có chuyển biến tích cực hơn, rõ ràng hơn trong thời gian tới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bền bỉ tuyên truyền, quyết liệt xử lý

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.