Theo dõi Báo Hànộimới trên

Siết chặt quản lý bếp ăn tập thể

Xuân Lộc| 12/07/2018 07:17

(HNM) - Sự việc 29 học viên của Công ty cổ phần Nhân lực quốc tế và Thương mại sông Hồng học tại Trường Đào tạo nguồn nhân lực VietinBank (xã Vân Canh, huyện Hoài Đức) bị ngộ độc thực phẩm sau bữa ăn do Công ty TNHH New Sky dịch vụ thương mại cung cấp suất ăn xảy ra gần đây, một lần nữa làm dấy lên mối lo ngại về an toàn thực phẩm tại các bếp ăn tập thể.

Trước sự việc này, cơ quan chức năng của TP Hà Nội đã chỉ đạo, cần phải tăng cường kiểm tra hơn nữa, siết chặt quản lý các bếp ăn tập thể tại các khu công nghiệp, trường học trên địa bàn.

Lấy mẫu xét nghiệm chất lượng thực phẩm tại một bếp ăn tập thể.


70% số vụ ngộ độc do suất ăn từ nơi khác chuyển đến

Ngay sau sự việc 29 học viên của Công ty cổ phần Nhân lực quốc tế và Thương mại sông Hồng bị ngộ độc thực phẩm, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội đã tiến hành kiểm tra khu vực bếp cung cấp các suất ăn gây ngộ độc của Công ty TNHH New Sky dịch vụ thương mại. Qua kiểm tra đã phát hiện nhiều vi phạm tại bếp ăn này.

Cụ thể, điều kiện vệ sinh tại khu bếp không đạt, cơ sở vật chất cũng như trang thiết bị dụng cụ không bảo đảm yêu cầu. Mặt khác, khu bếp không có hệ thống phòng, chống côn trùng và động vật gây hại. Người phụ trách bếp chưa xuất trình được hồ sơ chứng minh nguồn gốc thực phẩm…

Bà Hoàng Thị Minh Thu, Phó Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội cho biết, Chi cục đã yêu cầu tạm dừng hoạt động bếp ăn này. Đồng thời đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội phối hợp tham mưu, chỉ đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo các quận, huyện, thị xã nói chung và huyện Hoài Đức nói riêng yêu cầu các trường học trên địa bàn thực hiện nghiêm túc và đầy đủ các quy định về an toàn thực phẩm, phòng, chống ngộ độc thực phẩm tại bếp ăn tập thể.

Theo PGS.TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), tình trạng ngộ độc thực phẩm tại các bếp ăn tập thể vẫn là một vấn đề khá nhức nhối. Một trong những nguy cơ đáng cảnh báo là việc sử dụng các nguyên liệu, thực phẩm “trôi nổi”, không rõ nguồn gốc, sử dụng thực phẩm chế biến sẵn, đơn giản hóa khâu vận chuyển, bảo quản thực phẩm… của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh và cung cấp suất ăn công nghiệp.

Cũng theo PGS.TS Nguyễn Thanh Phong, mối nguy lớn nhất chính là từ các suất ăn chế biến sẵn. Bởi lẽ, qua kiểm tra, khảo sát, khoảng 70% số vụ ngộ độc thực phẩm là do sử dụng suất ăn từ nơi khác vận chuyển đến.

Chỉ tính riêng trên địa bàn Hà Nội, qua kiểm tra, giám sát hoạt động của các bếp ăn tập thể tại các khu công nghiệp và chế xuất vừa qua cho thấy, chỉ có 20% công ty có bếp ăn tập thể tự nấu phục vụ nhân viên, 80% còn lại là ký hợp đồng cung cấp dịch vụ suất ăn công nghiệp từ bên ngoài. Mặc dù đã có nhiều chuyển biến, song các bếp ăn tập thể trên địa bàn vẫn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra ngộ độc thực phẩm, nhất là với các cơ sở sử dụng suất ăn công nghiệp.

Bà Hoàng Thị Minh Thu cho biết thêm, nguyên nhân là do một số cơ sở cung ứng suất ăn công nghiệp ở xa bếp ăn tập thể, thời gian vận chuyển thức ăn từ nơi chế biến đến nơi sử dụng dài, phương tiện vận chuyển không bảo đảm, có thể ảnh hưởng tới chất lượng thực phẩm, thậm chí gây hư hỏng, nhất là trong điều kiện nắng nóng như hiện nay.

Cần sự vào cuộc đồng bộ


Ông Lâm Quốc Hùng, Trưởng phòng Quản lý ngộ độc thực phẩm (Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế) cho biết, ngộ độc thực phẩm là hậu quả của sử dụng thực phẩm không an toàn. Tại nước ta, những năm gần đây, trung bình mỗi năm có hơn 5.200 người bị ngộ độc thực phẩm và có khoảng 30 người tử vong. Nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm chủ yếu từ các hoạt động thiếu an toàn của con người trong sản xuất, chế biến, kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm.

Nhiều người cho rằng, nguyên nhân xảy ra các vụ vi phạm an toàn thực phẩm là do việc xử lý không mạnh tay. Về vấn đề này, ông Lâm Quốc Hùng lý giải, trên thực tế, muốn xử phạt các hành vi vi phạm an toàn thực phẩm, phải định nghĩa được hành vi đó sai phạm như thế nào, áp vào điều khoản nào trong luật, có nhân chứng, vật chứng hay không và phải căn cứ theo quy định, muốn phạt nặng hơn cũng không được. Có rất nhiều hình thức, biện pháp xử phạt sai phạm về an toàn thực phẩm, từ cảnh cáo nhắc nhở, phê bình, tạm dừng hoạt động, xử lý bằng phạt hành chính cho đến xử lý hình sự…

Nếu thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật hiện nay, nghiêm túc trong việc xử phạt vi phạm thì chắc chắn sẽ phát huy hiệu quả. Do vậy, để bảo đảm được an toàn thực phẩm cho bếp ăn trường học nói riêng hay các bếp ăn tập thể nói chung, cần sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, trong đó có vai trò đặc biệt quan trọng của chính quyền địa phương.

Đề cập đến giải pháp bảo đảm an toàn thực phẩm cho bếp ăn tập thể trong thời gian tới, ông Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho rằng, công tác thanh tra, kiểm soát các bếp ăn tập thể cần tiếp tục được duy trì và tăng cường, nhất là kiểm soát chặt nguồn gốc thực phẩm đầu vào. Riêng đối với những bếp ăn vi phạm quy định về an toàn thực phẩm, đề nghị lãnh đạo các công ty và cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống ký hợp đồng cung cấp suất ăn công nghiệp có biện pháp khắc phục ngay những tồn tại được đoàn kiểm tra chỉ rõ. Cơ sở chỉ được hoạt động trở lại khi bảo đảm các điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Siết chặt quản lý bếp ăn tập thể

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.