Theo dõi Báo Hànộimới trên

Những mô hình xử lý rơm rạ hữu ích

Nguyễn Mai| 02/10/2018 06:07

(HNM) - Trước đây, sau mỗi vụ gặt, trên những cánh đồng ngoại thành Hà Nội lại mù mịt khói bởi tình trạng đốt rơm. Với những hỗ trợ cụ thể cùng sự vào cuộc của các cấp, ngành trong tuyên truyền, đến nay, người dân nhiều nơi đã dùng rơm rạ vào những việc hữu ích thay vì đốt bỏ.


Vụ xuân năm 2017, xã Thọ Xuân (huyện Đan Phượng) được thành phố chọn làm điểm thực hiện mô hình “cánh đồng không đốt rơm rạ”. Trở lại địa phương này sau gần 2 năm với 4 vụ thu hoạch lúa, phóng viên nhận thấy cánh đồng nơi đây đã cơ bản không còn tình trạng đốt rơm rạ...

Nông dân xã Thọ Xuân (huyện Đan Phượng) ủ rơm rạ làm phân bón.


Chủ tịch Hội Nông dân xã Thọ Xuân Đào Quang Ánh nhớ lại, trước đây, khi gặt lúa xong, người dân thường đốt rơm ngay tại ruộng, thậm chí, đốt cả trên đường giao thông, ảnh hưởng trực tiếp đến người đi đường và làm ô nhiễm bầu không khí ở khu dân cư. Từ vụ xuân năm 2017, nông dân xã Thọ Xuân được tuyên truyền, hướng dẫn sử dụng chế phẩm sinh học để ủ rơm làm phân bón. Ban đầu, mô hình chỉ hỗ trợ 5ha với 100 hộ tham gia. Với hiệu quả trông thấy, vụ xuân năm 2018, chương trình tiếp tục nâng mức hỗ trợ lên 20ha (chiếm 100% diện tích trồng lúa toàn xã), nên bà con phấn khởi làm theo. "Gia đình tôi làm 3 sào ruộng, vụ trước được hỗ trợ chế phẩm sinh học để ủ rơm rạ thành phân bón. Nhờ có phân bón sạch nên lúa vụ mùa phát triển tốt, giảm chi phí mua phân hóa học. Vụ mùa năm nay, bà con bắt đầu gặt lúa, nếu không còn chương trình hỗ trợ, chúng tôi vẫn tiếp tục mua chế phẩm sinh học để xử lý rơm rạ" - chị Trần Thị Sao Băng ở cụm 9, xã Thọ Xuân quả quyết.

Tại huyện Phúc Thọ, vụ gặt vừa kết thúc nhưng trên nhiều cánh đồng, tình trạng đốt rơm rạ không còn phổ biến. Đặc biệt ở 3 xã: Ngọc Tảo, Long Xuyên và Phụng Thượng - những địa phương có diện tích trồng lúa lớn của huyện Phúc Thọ - tình trạng đốt rơm rạ đã giảm đáng kể. Trưởng phòng Kinh tế huyện Phúc Thọ Phùng Anh Tuấn chia sẻ: "Trong vụ mùa, đa số rơm rạ được bà con tận dụng để trồng cây màu. Chúng tôi hướng dẫn nông dân sử dụng rơm rạ để che phủ gốc ngô, đậu tương, khoai tây... Cách làm này giữ độ ẩm cho đất và sau một thời gian, rơm rạ hoai mục sẽ trở thành phân bón hữu cơ rất tốt cho cây trồng”.

Theo thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường, mỗi năm, TP Hà Nội phát sinh khoảng 1 triệu tấn rơm rạ và phụ phẩm nông nghiệp nhưng việc tận dụng vào các hoạt động có ích chưa nhiều, rơm rạ vẫn bị đốt bỏ lãng phí và gây ô nhiễm môi trường. Khắc phục tình trạng này, Hà Nội đang triển khai mô hình “Thành phố không đốt rơm rạ” với mục tiêu đến năm 2020, rơm rạ không còn bị đốt bỏ. Theo lộ trình, năm 2018, xây dựng mô hình “Phường, xã không đốt rơm rạ”; năm 2019, “Quận, huyện không đốt rơm rạ”. Thành phố giao Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội là cơ quan thường trực thực hiện nhiệm vụ này.

Theo đó, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã hướng dẫn 20 quận, huyện, thị xã (còn trồng lúa) lập giải pháp hạn chế đốt rơm rạ. Tại 2 huyện Đông Anh và Đan Phượng, các xã được chọn để thí điểm mô hình “Phường, xã không đốt rơm rạ”, phát chế phẩm sinh học miễn phí cho các hộ dân xử lý rơm rạ làm phân bón. Ngoài ra, Sở còn làm "cầu nối" giữa một số doanh nghiệp và nông dân trong thu mua rơm rạ để trồng nấm, chế biến thức ăn gia súc...

Theo Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đan Phượng Thiều Văn Son, ngoài xã Thọ Xuân, trong 2 năm 2017-2018, với sự hỗ trợ của thành phố, Hội Nông dân Đan Phượng đã hỗ trợ chế phẩm sinh học để nhân rộng mô hình xử lý rơm rạ tại một số xã: Phương Đình, Tân Hội, Tân Lập, Liên Hồng, Thượng Mỗ... Bước đầu đã tạo chuyển biến nhất định trong nhân dân, nhưng vẫn ở diện hẹp. Để hạn chế việc đốt rơm rạ, ngoài việc hỗ trợ cụ thể thì điều quan trọng nhất vẫn là tích cực tuyên truyền nhằm thay đổi thói quen của nông dân. Theo kinh nghiệm của Trưởng phòng Kinh tế huyện Phúc Thọ Phùng Anh Tuấn: "Đây là việc khó phải kiên trì vận động. Chúng tôi đã bền bỉ tuyên truyền trong rất nhiều năm mới có hiệu quả. Theo tôi, các địa phương nên đưa việc không đốt rơm rạ vào hương ước, quy ước của làng. Qua đó, tạo cơ sở pháp lý, đồng thời có sự đồng thuận trong cộng đồng. Khi đó, người dân sẽ tự giác thực hiện".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những mô hình xử lý rơm rạ hữu ích

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.