Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bảo đảm cuộc sống mùa triều cường

Gia Bảo| 29/10/2018 06:07

(HNM) - Dù chỉ mới bước vào mùa triều cường nhưng tình trạng ngập nước diễn ra khắp địa bàn TP Hồ Chí Minh. Theo dự báo, thời gian tới thành phố sẽ phải đối mặt nguy cơ ngập nước nặng nề hơn.


Là một trong những “rốn” ngập của thành phố, mỗi đợt triều cường dâng cao, đường Hồ Học Lãm (quận Bình Tân) luôn ngập sâu trong nước từ 30 đến 60cm, khiến việc sinh hoạt của người dân sống dọc hai bên đường bị đảo lộn. Bà Vũ Thị Bích (phường An Lạc, quận Bình Tân) cho biết, cứ có triều cường là đường Hồ Học Lãm lại ngập. Đầu tháng 10 vừa qua, triều cường dâng cao kết hợp mưa lớn đổ xuống khiến tuyến đường ngập trong 3-4 ngày.

Còn chị Lê Thị Út, ở đường Lê Văn Lương (xã Phước Kiểng, huyện Nhà Bè) cho hay, từ đầu tháng 10 tới nay, đường Lê Văn Lương ngập nước 3-4 lần do triều cường khiến sinh hoạt hằng ngày của người dân gặp nhiều khó khăn.

Mỗi lần triều cường, nhiều khu vực trên địa bàn TP Hồ Chí Minh ngập sâu trong nước.


Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP Hồ Chí Minh cho biết, từ đầu tháng 10 tới nay, ghi nhận mực nước triều cường cao nhất đo tại Trạm Phú An (sông Sài Gòn) dao động từ 1,6m đến 1,63m, tại Trạm Bình Triệu (quận Thủ Đức) và Trạm Nhà Bè là 1,59m đến 1,64m.

Hệ quả làm 6 tuyến đường ngập sâu trong nước, gồm: Huỳnh Tấn Phát (quận 7); quốc lộ 50 (huyện Bình Chánh); Phú Định (quận 8); Hồ Học Lãm (quận Bình Tân), Nguyễn Văn Hưởng (quận 2) và Lê Văn Lương (huyện Nhà Bè).

Tiến sĩ Phạm Sanh, chuyên gia quy hoạch hạ tầng giao thông đô thị nhận định, để hạn chế ngập nước, thành phố cần có những kỹ sư xây dựng được đào tạo và hiểu biết về ngành thoát nước đô thị, hiểu được đặc điểm tự nhiên của thành phố để có thể đảm nhận vai trò trong giảm ngập đô thị. Trong khi đó, theo GS.TS Hồ Long Phi, nguyên Giám đốc Trung tâm Quản lý nước và biến đổi khí hậu (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh) là xây dựng hồ điều tiết.

Cụ thể, các hồ này sẽ thu và chứa nước mưa trong trường hợp mưa vượt tần suất thiết kế của hệ thống thoát nước. Đồng thời, TP Hồ Chí Minh cần đồng bộ hệ thống cống thoát nước, hoàn thiện các cống kiểm soát triều, đê bao; triển khai nhanh chóng các dự án thuộc quy hoạch thoát nước và thủy lợi...

Ông Đỗ Tấn Long, Trưởng phòng Quản lý hệ thống thoát nước (Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP Hồ Chí Minh) cho rằng, để giảm ngập cho thành phố thời gian tới, cần thực hiện giải pháp công trình và phi công trình. Đối với giải pháp phi công trình, cần quan tâm rút ngắn các thủ tục hành chính nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, công trình giảm ngập. Đối với công trình, giải pháp ngắn hạn là xử lý cấp bách các điểm ngập quy mô nhỏ, nạo vét thông thoáng dòng chảy tại các cửa xả, kênh, rạch.

Về dài hạn, cần lập bản đồ quy hoạch điều chỉnh lại lưu vực gần 1.000ha khu vực trung tâm và 4 vùng đô thị mới Đông, Tây, Nam, Bắc... Hiện cơ quan chức năng TP Hồ Chí Minh đang thí điểm ứng dụng thiết bị giám sát cảnh báo ngập lụt bằng công nghệ cảm biến, giúp người dân có lộ trình di chuyển phù hợp qua thiết bị di động.

Một trong những bước đi quan trọng thời gian tới là thành phố sẽ gỡ nút thắt cho các dự án trọng điểm về chống ngập nước và biến đổi khí hậu. Đáng chú ý là Dự án “Giải quyết ngập triều khu vực TP Hồ Chí Minh có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu, giai đoạn 1”. Khi hoàn thành, dự án sẽ kiểm soát ngập do triều, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu cho vùng diện tích 750km2 với khoảng 6,5 triệu dân thuộc khu bờ hữu sông Sài Gòn và trung tâm thành phố.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bảo đảm cuộc sống mùa triều cường

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.