Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chủ động thích ứng với già hóa dân số

Hà Hiền| 20/01/2019 08:24

(HNM) - Trong tương lai không xa, nước ta sẽ có hàng triệu người cao tuổi cần đến sự hỗ trợ từ các dịch vụ xã hội. Bởi vậy, ngay từ bây giờ, các cơ quan chức năng cần chủ động thúc đẩy công tác xã hội - cầu nối đưa các chính sách an sinh xã hội đi vào đời sống, bảo đảm thích ứng kịp thời với bối cảnh già hóa dân số.


Yêu cầu bức thiết

Những năm gần đây, ngoài mạng lưới trung tâm bảo trợ xã hội, viện dưỡng lão công lập, trên địa bàn TP Hà Nội xuất hiện khá nhiều cơ sở chăm sóc người cao tuổi ngoài công lập. Có thể kể đến Trung tâm Chăm sóc người cao tuổi tại số 35 và 36 BT5 Khu đô thị Pháp Vân (quận Hoàng Mai) với phương châm hoạt động “Thay bạn chăm sóc đấng sinh thành”; Trung tâm Chăm sóc người cao tuổi Nhân Ái với quy mô 100 giường, nằm trên đường Văn Tiến Dũng (phường Minh Khai, quận Bắc Từ Liêm); Trung tâm Chăm sóc người cao tuổi Bách Niên Thiên Đức tại phường Đông Ngạc (quận Bắc Từ Liêm) và xã Minh Phú (huyện Sóc Sơn)…

Kiểm tra sức khỏe cho người cao tuổi tại Trung tâm Chăm sóc người cao tuổi Nhân Ái.


“Đến thăm người quen tại Trung tâm Chăm sóc người cao tuổi Nhân Ái, tôi thấy người cao tuổi được sống những năm tháng tuổi già trong không gian yên bình, thoáng mát, đầy đủ tiện nghi, được chăm sóc đầy đủ, tham gia sinh hoạt văn hóa, thể thao, có bạn để trò chuyện. Sau 70 tuổi, tôi sẽ vào sống tại cơ sở chăm sóc người cao tuổi”, bà Nguyễn Thị Thắm (64 tuổi), trú tại tổ 10, khu dân cư số 5, phường Hạ Đình (quận Thanh Xuân) chia sẻ.

Theo ông Nguyễn Tuấn Ngọc, Giám đốc Trung tâm Chăm sóc người cao tuổi Bách Niên Thiên Đức, tình trạng già hóa dân số ở nước ta đang diễn ra với tốc độ nhanh, quy mô gia đình chuyển dần từ gia đình truyền thống sang gia đình hạt nhân. Số người cao tuổi tăng, số người cao tuổi không có vợ hoặc chồng, không muốn sống chung với con cháu cũng tăng, kéo theo nhu cầu sử dụng các dịch vụ chăm sóc, hỗ trợ xã hội ngày một lớn.

Đồng quan điểm với nhận định trên, ông Nguyễn Ngọc Minh, Giám đốc Trung tâm Cung cấp dịch vụ công tác xã hội (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội) cung cấp thêm thông tin liên quan: Toàn thành phố hiện có gần 618.000 hộ gia đình có người cao tuổi; tổng số người cao tuổi lên tới 871.000.

Trên phạm vi cả nước, việc phát triển các dịch vụ xã hội hỗ trợ người cao tuổi đang là yêu cầu bức thiết. Bà Nguyễn Thị Hà, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, hiện cả nước có hơn 11 triệu người cao tuổi, chiếm khoảng 11,95% dân số, trong đó có gần 2 triệu người từ 80 tuổi trở lên.

Dự báo đến năm 2032, Việt Nam bắt đầu có dân số cao tuổi nhiều hơn dân số trẻ em; đến năm 2034, trung bình 3 người trong độ tuổi lao động sẽ hỗ trợ một người cao tuổi, nhưng đến năm 2049 sẽ chỉ còn 2 người trong độ tuổi lao động hỗ trợ một người cao tuổi.

Đáng lưu ý, khoảng 70% số người cao tuổi sống ở nông thôn, không có tích lũy vật chất; đa số người cao tuổi có bệnh, cần được điều trị. Như vậy, số người cao tuổi cần chăm sóc sẽ tăng từ 2,5 triệu người vào năm 2019 lên hơn 10 triệu người vào năm 2049.

Cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp

Những dẫn chứng nêu trên cho thấy, nhu cầu sử dụng các dịch vụ chăm sóc, hỗ trợ xã hội của người cao tuổi là rất lớn. Tuy nhiên, hiện nay, cả nước mới có hơn 400 cơ sở cung cấp dịch vụ công tác xã hội. Trong mạng lưới bệnh viện mới có 106 khoa lão được thành lập, hơn 900 khoa khám bệnh có phòng riêng cho người cao tuổi. Ở nhiều nơi, đội ngũ cán bộ, cộng tác viên tham gia vào các hoạt động trợ giúp xã hội cho người cao tuổi vừa thiếu, vừa yếu.

Trong khi đó, số người được đào tạo về chuyên ngành công tác xã hội mới chiếm khoảng 10% trong tổng số cán bộ, nhân viên đang làm các công việc liên quan. Dịch vụ chăm sóc người cao tuổi chuyên nghiệp tại gia đình và cộng đồng gần như chưa hình thành…

Để bù đắp cho sự thiếu hụt nói trên, bà Phạm Thị Hải Hà, Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) kiến nghị Nhà nước quan tâm xây dựng, nâng cấp hệ thống cơ sở trợ giúp xã hội, phát triển mô hình chăm sóc người có hoàn cảnh đặc biệt tại cộng đồng; khuyến khích tư nhân xây dựng nhà dưỡng lão. Các ngành, địa phương cải tiến phương thức quản lý hệ thống cung cấp dịch vụ và chủ động phát triển nguồn nhân lực phục vụ công tác chăm sóc người cao tuổi.

Theo bà Tiêu Thị Minh Hường, giảng viên Khoa Công tác xã hội, Trường Đại học Lao động - Xã hội, nguồn nhân lực chăm sóc người cao tuổi cần được đào tạo bài bản, chuyên sâu. Do đặc thù công việc, ngoài kiến thức chuyên môn, nhân viên công tác xã hội phải biết làm việc theo nhóm, có kỹ năng giao tiếp, có khả năng phát hiện nhu cầu cần trợ giúp của đối tượng… Muốn đạt được kết quả này, công tác xã hội phải được coi là một nghề ở Việt Nam và các cơ sở giáo dục, dạy nghề phải tổ chức tuyển sinh, đào tạo nghề công tác xã hội ở nhiều trình độ.

Trên thực tế, người cao tuổi có nhu cầu sử dụng các dịch vụ chăm sóc, hỗ trợ xã hội chuyên sâu ở cả gia đình, cộng đồng và trong các trung tâm bảo trợ xã hội, cơ sở chăm sóc người cao tuổi. Hy vọng trong tương lai không xa, nước ta sẽ có đội ngũ cán bộ, nhân viên giỏi nghề công tác xã hội cùng mạng lưới dịch vụ hỗ trợ người cao tuổi tiện ích, hiệu quả, giúp người cao tuổi sống vui, sống khỏe, hạnh phúc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chủ động thích ứng với già hóa dân số

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.