Theo dõi Báo Hànộimới trên

Lực lượng y tế "căng mình" trực Tết

Thu Trang| 10/02/2019 18:42

(HNMO) - Thay vì được đón cái Tết sum vầy bên gia đình, tại các bệnh viện, các y, bác sĩ phải căng mình trực chiến, giành giật sự sống cho người bệnh.


Từ những ca phẫu thuật xuyên đêm…

Là một bệnh viện ngoại khoa lớn của miền Bắc, trong 9 ngày nghỉ Tết Nguyên đán, khu vực khám cấp cứu của Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức luôn chật kín bệnh nhân nhập viện do tai nạn giao thông, pháo nổ, đánh nhau… Cùng với đó là một lượng lớn bệnh nhân nặng được chuyển từ các địa phương về, khiến bệnh viện phải huy động nguồn nhân lực khá lớn. Toàn bộ trang thiết bị, máy thở, phòng phẫu thuật hoạt động hết công suất.

Khu vực khám cấp cứu của Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức luôn chật kín bệnh nhân trong những ngày nghỉ Tết.


Thống kê 4 ngày nghỉ Tết, Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức đã tiếp nhận 528 trường hợp cấp cứu, tai nạn, trong đó có 254 ca nhập viện do tai nạn giao thông và 136 ca đánh nhau, pháo nổ, tai nạn sinh hoạt khác. Riêng tai nạn giao thông, trung bình mỗi ngày nghỉ Tết, bệnh viện tiếp nhận khoảng 60 trường hợp.

Lượng bệnh nhân nhập viện gia tăng khiến những ngày qua, các y, bác sĩ phải "quay cuồng" trong việc cấp cứu, chăm sóc, phân loại người bệnh. Đa số ca cấp cứu do tai nạn giao thông và đánh nhau mà “chất xúc tác” phần lớn là bia, rượu.

Chứng kiến công việc tại đây mới thấy không khí khẩn trương, giành giật sự sống cho bệnh nhân. Các bác sĩ luôn trong trạng thái sẵn sàng cho các ca cấp cứu. Bệnh nhân này vừa xong, ngay lập tức có bệnh nhân khác được chuyển vào.

Bác sĩ Đỗ Tất Thành, Trưởng kíp trực phòng Hồi sức tích cực, Khoa Cấp cứu (Bệnh viện Hữu nghị Việt -Đức) chia sẻ: "Cùng những bệnh nhân nặng phải điều trị, cấp cứu, các y, bác sĩ cũng đón Tết trong bệnh viện với những áp lực ngay những ngày đầu năm mới. Thông thường, phòng Hồi sức 1 được thiết kế cho 6 giường, 6 máy thở, nhưng cao điểm những ngày qua phải chứa tới 12 bệnh nhân. Do không đủ máy thở, chúng tôi đã phải xin cứu viện từ các đơn vị hồi sức khác trong bệnh viện. Với lượng bệnh nhân quá đông như vậy thì đồng nghĩa với việc bác sĩ cũng không có Tết".

Đã quá quen với những cái Tết phải ăn bánh chưng, đón Giao thừa trong bệnh viện, bác sĩ Lê Nguyên Vũ, trực cấp cứu tại Khoa Cấp cứu (Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức) cho biết, lượng bệnh nhân đông khiến những ngày nghỉ Tết, các bác sĩ thường xuyên phải phẫu thuật xuyên đêm.

Ngoài số lượng bệnh nhân bị tai nạn giao thông, thì tai nạn do pháo nổ trong dịp Tết năm nay cũng tăng cao hơn so với mọi năm. Việc điều trị cho bệnh nhân tai nạn do pháo nổ rất khó khăn. Thường nạn nhân bị tai nạn do pháo nổ sẽ tổn thương ở phần đầu cổ, mặt và tay. Hơn nữa, tai nạn do pháo nổ thường xảy ra vào bàn tay phải - là tay hoạt động chính, nên sẽ ảnh hưởng lớn đến lao động và sinh hoạt về sau. Do vậy, các bác sĩ phải dốc hết sức cứu chữa.

“Dù Tết không được sum vầy cùng gia đình, nhưng chúng tôi không cho rằng đó là vất vả. Quan trọng là sau khi cứu được một người, cảm giác thật hạnh phúc”, bác sĩ Lê Nguyên Vũ tâm sự.

... đến những hạnh phúc vô bờ

Cấp cứu cho bệnh nhân bị tai nạn tại Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức.


Mùng 6 tháng Giêng tại Khoa Cấp cứu (Bệnh viện Bạch Mai), không khí làm việc diễn ra khẩn trương. Tiếng xe cấp cứu hú còi, nhanh chóng đưa bệnh nhân nhập viện. Tại đây, các bác sĩ đã phải huy động tất cả các cáng, xe đẩy để vận chuyển bệnh nhân. Người bệnh mới đưa vào lập tức được khám sàng lọc, một số khác được chuyển ngay đến các khoa, phòng khác trong bệnh viện. Tại khu vực cho người bệnh nặng, hầu hết người bệnh phải thở máy, theo dõi đặc biệt.

Thống kê cho thấy, từ ngày 30 Tết đến nay, nơi đây cấp cứu hơn 200 bệnh nhân nặng/ngày (tăng 30% so với ngày thường), trong đó 50% số ca là chuyển tuyến. Các ca bệnh chủ yếu là tim mạch, huyết áp, hô hấp, tai biến mạch máu não, sốc nhiễm khuẩn, đột quỵ, suy gan thận cấp, xuất huyết tiêu hóa liên quan đến rượu. Một phần nguyên nhân khiến bệnh nhân nhập viện cấp cứu tăng là do nắng nóng, nhiệt độ tăng cao trong dịp Tết Kỷ Hợi.

Phía trên của Khoa Cấp cứu là Trung tâm Chống độc của Bệnh viện Bạch Mai. Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, phụ trách Trung tâm chia sẻ, ngày bình thường, công việc của các y, bác sĩ tại bệnh viện đã quá vất vả, nhưng những ngày Tết, sự vất vả đó còn được nhân lên gấp bội. Nhiều năm công tác trong ngành Y với nhiều cái Tết không được đón Giao thừa bên gia đình, song điều khiến bác sĩ cảm thấy buồn mỗi khi trực Tết lại đến từ những bệnh nhân. Dù được cảnh báo rất nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhưng số lượng bệnh nhân nhập viện do ngộ độc rượu vẫn không dừng lại.

“Tình trạng lạm dụng rượu, bia lâu ngày sẽ gây các bệnh về gan, thần kinh và làm giảm miễn dịch của cơ thể. Đáng lưu ý, nhiều người vẫn sai lầm cho rằng uống rượu “xịn”, uống bia không hại gan, nhưng thực chất rượu, bia “xịn” cũng vẫn khiến cơ thể bị ngộ độc và mắc các bệnh lý nguy hiểm. Trong số nhiều trường hợp nhập viện những ngày Tết vừa qua, có không ít bệnh nhân ngộ độc nặng sau khi uống quá nhiều rượu”, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên cảnh báo.

Còn tại Bệnh viện E, khi nhà nhà, người người vui xuân thì các y, bác sĩ vẫn túc trực bên người bệnh. Có trên 10 năm gắn bó với Bệnh viện E cũng là từng đấy năm GS.TS Lê Ngọc Thành, Giám đốc Bệnh viện có mặt vào thời khắc Giao thừa để cùng chia sẻ nỗi khó khăn, vất vả của các bác sĩ, điều dưỡng và cán bộ, viên chức tham gia trực Tết. Tại Khoa Cấp cứu, nơi sáng đèn 24/24h, trong đêm trực Giao thừa có khoảng 20 ca bệnh, chủ yếu là các bệnh tăng huyết áp, tai nạn sinh hoạt, đau ruột thừa…

Các bác sĩ cho biết, thời tiết giao mùa bất thường làm tăng nguy cơ bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não. Cùng với đó, ngày Tết, các tai nạn giao thông, sinh hoạt gia tăng mạnh. GS.TS Lê Ngọc Thành khẳng định, nghỉ Tết, số ca bệnh vào viện giảm, nhưng đa phần lại là những ca rất nặng, đòi hỏi xử trí nhanh. Vì vậy, để phục vụ chu đáo người bệnh cũng như xử lý kịp thời các tình huống khẩn cấp, bệnh viện đã bố trí các ca trực 24/24h. Mỗi ca có 3 bác sĩ nội khoa, 5 bác sĩ ngoại và các điều dưỡng, nhằm cấp cứu bệnh nhân kịp thời nhất.

Trong đêm Giao thừa, GS.TS Lê Ngọc Thành đã đến tận giường thăm hỏi các bệnh nhân đang cấp cứu, trong đó có một cụ ông (82 tuổi, ở Xuân Đỉnh, Bắc Từ Liêm, Hà Nội) nhập viện trong tình trạng rách da mặt, chảy máu nhiều do bị ngã trong nhà vệ sinh. GS.TS Lê Ngọc Thành đã yêu cầu các bác sĩ trực theo dõi chặt chẽ diễn biến của bệnh nhân, vì bệnh nhân khi ngã có đập đầu vào thành sứ vệ sinh, rất nguy hiểm. Các bác sĩ trực đã tiến hành khâu và xử lý vết thương phần mềm cho bệnh nhân.

Cũng ngay trong đêm Giao thừa, thay vì ở bên gia đình, người thân đón thời khắc thiêng liêng chuyển giao năm cũ và năm mới, các bác sĩ Bệnh viện E đã tiến hành mổ cấp cứu một ca viêm ruột thừa cấp, một ca mổ đẻ…

Với những bác sĩ áo trắng, động lực sau những đêm trực dài hay những cái Tết không có thời gian để sum vầy với gia đình, đó chính là những ca mổ cấp cứu thành công, là cái bắt tay cảm ơn rất chặt của người nhà bệnh nhân khi biết người thân của mình đã qua cơn nguy kịch. Và còn là khoảnh khắc được đón những bé sơ sinh chào đời… Khi đó với họ, bao nhiêu mệt mỏi đều tan biến.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lực lượng y tế "căng mình" trực Tết

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.