Theo dõi Báo Hànộimới trên

Kết nối liên thông các cơ sở cung ứng thuốc: Không ít khó khăn

Thu Trang| 15/03/2019 06:43

(HNM) - Kế hoạch thực hiện chiến lược quốc gia phát triển ngành Dược đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 tại Hà Nội do UBND thành phố ban hành đặt mục tiêu cung cấp thuốc đầy đủ cho người dân với chất lượng bảo đảm, giá hợp lý, đồng thời đổi mới cơ chế cung ứng, phân phối thuốc.

Dược sĩ kiểm tra đơn, bán thuốc cho bệnh nhân tại quầy thuốc Bệnh viện Đa khoa Hà Đông. Ảnh: Hữu Tiệp


Khó triển khai đồng loạt...

Tính đến hết tháng 2-2019, trên địa bàn Hà Nội có 7.057 cơ sở cung ứng thuốc hoạt động, trong đó 1.129 cơ sở bán buôn, nguyên liệu làm thuốc, 3.393 nhà thuốc và 2.535 quầy thuốc. Ông Nguyễn Văn Khải, Trưởng phòng Nghiệp vụ dược (Sở Y tế Hà Nội), thành viên Tổ công tác thành phố triển khai ứng dụng công nghệ thông tin kết nối các cơ sở cung ứng thuốc cho biết, hoàn thành việc liên thông tất cả các cơ sở cung ứng thuốc trên toàn thành phố sẽ giúp người dân thuận tiện tra cứu thông tin về nguồn gốc, chất lượng, hạn sử dụng, giá cả từng loại thuốc. Mặt khác, cơ quan quản lý có thêm công cụ quản lý chuỗi cung ứng thuốc từ sản xuất, nhập khẩu, phân phối. Đặc biệt, cơ quan quản lý cũng dễ dàng hơn trong kiểm soát việc kê đơn, bán thuốc theo đơn, hạn chế tình trạng lạm dụng thuốc kháng sinh, kê thêm thuốc không hợp lý…

Theo lộ trình, từ ngày 1-1-2019, 4.578 cơ sở bán buôn, các nhà thuốc, quầy thuốc của bệnh viện và trạm y tế phải thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin kết nối liên thông. Đến ngày 31-3-2019 phải hoàn thành kết nối 2.497 quầy thuốc tư nhân, quầy thuốc thuộc doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa. Thế nhưng, tính đến hết tháng 2-2019 mới kết nối 3.525/4.578 cơ sở (đạt 77%). Ngoài ra, chỉ có 63/107 (chiếm 59%) nhà thuốc bệnh viện và 313/1.129 (chiếm 27,7%) cơ sở bán buôn thuốc thực hiện kết nối liên thông. Có nhiều nhà thuốc bệnh viện, quầy thuốc trạm y tế đã thực hiện kết nối liên thông nhưng việc cập nhật dữ liệu quản lý kinh doanh thuốc chưa đầy đủ, kịp thời.

Ông Trần Văn Chung, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, Tổ trưởng Tổ công tác thành phố triển khai ứng dụng công nghệ thông tin kết nối các cơ sở cung ứng thuốc cho biết, công tác quản lý kết nối các cơ sở cung ứng thuốc trên địa bàn thành phố vẫn còn nhiều khó khăn. Nhiều cơ sở bán buôn thuốc trên địa bàn đang sử dụng phần mềm quản lý riêng. Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) chưa ban hành chuẩn dữ liệu đầu ra nên việc kết nối liên thông lên hệ thống chung quốc gia còn gặp nhiều khó khăn. Cùng với đó, các cơ sở cung ứng thuốc lo ngại vấn đề bảo mật thông tin, tăng khối lượng công việc khi thực hiện quản lý hoạt động kinh doanh bằng phần mềm.

Ngay tại huyện Ứng Hòa, hiện 100% nhà thuốc thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin kết nối liên thông. Tuy nhiên, mới chỉ có 18/69 quầy thuốc (tỷ lệ đạt hơn 26%) kết nối liên thông. Ông Lưu Văn Duyên, Trưởng phòng Y tế huyện Ứng Hòa cho rằng, với các nhà thuốc, cơ sở kinh doanh lớn được trang bị đầy đủ trang thiết bị, có nhân lực đủ kỹ năng sử dụng phần mềm cập nhật máy tính thường xuyên thì việc triển khai kết nối còn khả thi. Còn những quầy thuốc ở các xã, thôn nghèo chưa đủ điều kiện về cơ sở vật chất, việc kết nối liên thông chưa thể thực hiện. Thậm chí, chủ một số quầy thuốc nhỏ lẻ còn chưa phối hợp để triển khai việc liên thông...

Cần sự vào cuộc từ nhiều phía

Trước thực trạng đa phần người dân có thói quen mua thuốc không theo đơn của bác sĩ, một dược sĩ tại nhà thuốc tư nhân Phúc Hải (đường Ngọc Lâm, quận Long Biên) lo ngại, nếu nhà thuốc này ứng dụng hiệu quả kết nối mạng liên thông, tuân thủ bán theo đơn nhưng nhà thuốc bên cạnh lại bán tự do thì rất dễ mất khách. Do đó, việc thực hiện kết nối liên thông cần triển khai đồng loạt và triệt để, bảo đảm công bằng cho những cơ sở chấp hành nghiêm túc.

Ông Vũ Tuấn Cường, Cục trưởng Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) cũng cho rằng, để triển khai quản lý liên thông hệ thống các cơ sở kinh doanh thuốc đòi hỏi nỗ lực rất lớn của cơ quan quản lý, nhà kinh doanh và sự vào cuộc của người dân. Bởi, nhiều cơ sở phải thay đổi cung cách hoạt động từ thủ công sang điện tử, phải công khai, minh bạch trong kinh doanh. Còn người dân phải thay đổi thói quen tùy tiện sử dụng thuốc sang thực hiện khám bệnh, kê đơn và mua thuốc theo đơn. Đây là một chiến dịch dài hơi, tốn kém nhiều chi phí phát sinh và việc thực hiện không dễ dàng. Chính phủ và Bộ Y tế vẫn dành một lộ trình để các nhà thuốc kết nối mạng. Nếu đến đầu năm 2020, các cơ sở bán lẻ thuốc không kết nối được theo quy định của Luật Dược cũng như Thông tư số 02/2018/TT-BYT của Bộ Y tế ban hành ngày 22-1-2018 về thực hành tốt các cơ sở bán lẻ thuốc thì nhóm này phải dừng buôn bán thuốc.

Theo ông Trần Văn Chung, dù trên thực tế, việc triển khai không dễ dàng nhưng Hà Nội vẫn phải quyết tâm làm. Thời gian tới, Sở Y tế sẽ tiếp tục kiểm tra, giám sát việc thực hiện kết nối liên thông tại nhà thuốc, quầy thuốc, đồng thời xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm theo thẩm quyền. Đặc biệt, Sở Y tế sẽ xem xét thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược của các nhà thuốc, quầy thuốc không duy trì đáp ứng thực hành tốt cơ sở bán lẻ thuốc (tiêu chuẩn GPP). Bên cạnh đó, tăng cường công tác truyền thông đến người dân và các cơ sở kinh doanh thuốc trên địa bàn về lợi ích của việc thực hiện kết nối, sử dụng phần mềm trong quản lý hoạt động kinh doanh của các cơ sở cung ứng thuốc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kết nối liên thông các cơ sở cung ứng thuốc: Không ít khó khăn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.