Theo dõi Báo Hànộimới trên

Lộ trình giá dịch vụ thoát nước

Dạ Khánh| 16/04/2019 07:22

(HNM) - Trước thực trạng ô nhiễm môi trường và nguồn nước ngày càng gia tăng, việc xác định chi phí và ban hành lộ trình giá dịch vụ thoát nước là tất yếu.

Tổ cơ giới số 3, Xí nghiệp Thi công cơ giới và xây lắp (Công ty TNHH một thành viên Thoát nước Hà Nội) nạo vét cống thoát nước trên địa bàn quận Tây Hồ. Ảnh: Bá Hoạt


Xử lý nước thải đạt thấp

Theo Sở Xây dựng, trên địa bàn thành phố hiện có 6 nhà máy, trạm xử lý nước thải, công suất trên 270.000 m3/ngày-đêm, xử lý được 22% lượng nước xả thải. Số còn lại đang xả thẳng ra hệ thống thoát nước chung, sông, hồ và môi trường xung quanh. Nước thải không qua xử lý mang theo nhiều tạp chất làm ô nhiễm nguồn nước, tắc hệ thống thoát nước.

Những năm qua, Hà Nội đã đầu tư cho công tác phát triển hệ thống thoát nước, xử lý nước thải đô thị, song vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu. Ông Lê Vũ Quảng Sương, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội cho biết, hiện mức thu từ người sử dụng dịch vụ còn thấp (bằng 10% khối lượng nước sạch tiêu thụ theo hóa đơn tiền nước), ngân sách nhà nước vẫn là nguồn chi chính cho vận hành hệ thống thoát nước. Do khó khăn về ngân sách, kinh phí trong thời gian qua không đủ cải thiện, mở rộng dịch vụ thoát nước...

Tiến sĩ Lê Thị Bích Ngọc, chuyên gia Chương trình thoát nước và chống ngập úng đô thị, thích ứng với biến đổi khí hậu (Tổ chức Hợp tác phát triển Đức) cho rằng, để huy động các nguồn vốn cho đầu tư, vận hành hệ thống thoát nước, nâng cao dịch vụ thoát nước đô thị, giảm ô nhiễm môi trường, cần áp dụng chính sách chia sẻ chi phí thông qua giá dịch vụ thoát nước. Vấn đề là cần triển khai thế nào để bảo đảm đơn vị vận hành hệ thống thoát nước có nguồn thu, chủ động trang trải các hoạt động quản lý vận hành, giảm dần trợ cấp từ ngân sách; vừa bảo đảm khả năng thanh toán của người sử dụng dịch vụ, đồng thời tăng trách nhiệm của người xả thải đối với việc sử dụng nước.

Dùng nhiều, trả tiền nhiều

Theo nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải trả tiền xử lý ô nhiễm; nguồn thu từ dịch vụ thoát nước và xử lý ô nhiễm nước thải phải đáp ứng từng bước và tiến tới bù đắp chi phí dịch vụ thực hiện” (Nghị định 80/2014/NĐ-CP của Chính phủ về Thoát nước và xử lý nước thải), Hà Nội đang xây dựng đề án “Giá dịch vụ thoát nước trên địa bàn thành phố”. Sở Xây dựng đã đánh giá việc quản lý thu, chi và nộp ngân sách phí bảo vệ môi trường đối với nước thải; chi phí đầu tư, quản lý, vận hành hệ thống thoát nước hằng năm; tổng hợp ý kiến đóng góp của các sở, ngành, quận, huyện..., để xây dựng đề án trên, đề xuất mức thu, lộ trình áp dụng.

Ông Hoàng Cao Thắng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng cho biết, việc xây dựng giá dịch vụ thoát nước trên địa bàn xuất phát từ những nhu cầu cấp thiết, phù hợp với các quy định hiện hành và chủ trương xã hội hóa đầu tư xử lý thoát nước. Theo đó, khuyến khích ý thức sử dụng nước tiết kiệm trong nhân dân, tạo nguồn lực đầu tư cho hoạt động thoát nước và bảo vệ môi trường.

Qua 2 lần điều tra cho thấy, người dân đã hiểu rõ hơn sự cần thiết trong việc thu giá dịch vụ thoát nước. Ngoài bù đắp chi phí ngân sách phải chi xử lý nước thải, việc thu giá dịch vụ thoát nước còn tác động vào ý thức bảo vệ môi trường, ý thức trong việc sử dụng nhiều nước thì chịu nhiều chi phí xử lý thoát nước.

Do hệ thống thoát nước chưa hoàn thiện, nên mức giá được đề xuất cơ bản phù hợp với thực tế công tác thoát nước và xử lý nước thải trên địa bàn. Lộ trình đến năm 2020 mức thu này cũng chỉ đủ chi phí cho việc duy tu, duy trì hệ thống thoát nước. “Với mức giá được xây dựng, trợ cấp từ ngân sách nhà nước cho dịch vụ xử lý nước thải giảm từ 64% (năm 2018) xuống còn 29% (năm 2020), các đối tượng xả thải cũng dễ tiếp cận và hiểu về trách nhiệm phải chi trả dịch vụ thoát nước, đồng thời ít ảnh hưởng đến thu nhập, khả năng thanh toán...” - ông Thắng chia sẻ.

Sở Xây dựng đang cập nhật, hoàn thiện đề án theo nội dung dự thảo sửa đổi Thông tư 02/2015/TT-BXD của Bộ Xây dựng hướng dẫn phương pháp định giá dịch vụ thoát nước, trước khi trình UBND thành phố và xin ý kiến phản biện của Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội.

Lộ trình giá dịch vụ thoát nước/giá bán nước sạch: Đối với hộ dân tiêu thụ nước hằng tháng ≤ 30m3: Mức thu hiện nay (10%) tương đương 597-867 đồng/m3, năm 2019 (25%) là 1.493-2.167 đồng/m3, năm 2020 (30%) là 1.792-2.601 đồng/m3, năm 2021-2023 (40%) là 2.389-3.468 đồng/m3. Hộ dân tiêu thụ nước hằng tháng >30m3, cơ quan sự nghiệp, đơn vị sản xuất, kinh doanh: Mức thu hiện nay (10%) là 1.593-2.207đồng/m3, năm 2019 (35%) là 5.575-7.724 đồng/m3, năm 2020 (40%) là 6.372-8.827đồng/m3, năm 2021-2023 (50%) là 7.965-1.034 đồng/m3.
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Lộ trình giá dịch vụ thoát nước

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.