Theo dõi Báo Hànộimới trên

Coi chừng “bà hỏa” mùa nắng nóng

Tiến Thành| 30/05/2019 06:56

(HNM) - Vào mùa nắng nóng, nhiệt độ môi trường luôn ở mức cao, nếu người dân lơ là, bất cẩn trong quá trình sử dụng các thiết bị điện, nguồn nhiệt rất dễ xảy ra các sự cố cháy, nổ.

Nâng cao nghiệp vụ của lực lượng phòng cháy, chữa cháy cơ sở góp phần giảm thiệt hại do cháy nổ gây ra.


Nguy cơ từ sự lơ là

Khu nhà trọ nằm sâu trong ngách 16/77/21 phố Định Công Hạ (phường Định Công, quận Hoàng Mai) là nơi anh Đặng Ngọc Thuận (33 tuổi, quê tỉnh Hưng Yên) thuê ở. Căn phòng rộng chừng 15m2 của anh Thuận chằng chịt dây điện được câu mắc tạm bợ. Thậm chí, ổ điện được lắp đặt ngay cạnh bình gas nấu ăn, nếu chập cháy sẽ rất nguy hiểm. Anh Thuận cho biết, một số đường dây, ổ điện là do chủ nhà trọ lắp đặt từ trước, còn lại do nhu cầu sử dụng nên anh đã tự lắp đặt thêm.

“Một số khu trọ lân cận đã từng xảy ra cháy do chập điện, tôi cũng lo lắng nhưng mình chỉ là người đi thuê phòng nên cũng không biết phải làm sao”, anh Thuận nói.

Theo Thượng úy Vũ Văn Sơn, cán bộ Đội Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Công an quận Hoàng Mai), tại những khu nhà trọ trên địa bàn quận rất dễ xảy ra cháy vào mùa hè do người dân có nhu cầu sử dụng các thiết bị làm mát công suất cao, trong khi các thiết bị dẫn điện lại không được đấu nối đúng quy cách, rất dễ xảy ra quá tải gây chập, cháy.

Với khoảng gần 70% nguyên nhân các vụ cháy là do sự cố chập, cháy thiết bị điện, nhu cầu sử dụng điện tăng cao vào mùa nắng nóng cũng tiềm ẩn nguy cơ cháy, nhất là tại các khu vực đông người như các khu chung cư.

Điển hình là 23h ngày 14-5 đã xảy ra cháy tại một căn hộ ở tầng 2 chung cư 96A Định Công (phường Phương Liệt, quận Thanh Xuân) nhưng đã được phát hiện và chữa cháy kịp thời. Theo Công an quận Thanh Xuân, nguyên nhân của sự cố là do quá tải hệ thống điện dẫn đến chập điện gây cháy.

Ngoài vấn đề thiết bị điện quá tải gây cháy, Thượng tá Bùi Trọng Quát, Phó trưởng Công an quận Thanh Xuân cho rằng, tại nhiều khu chung cư, người dân vẫn có thói quen tùy tiện, lơ là trong sử dụng các nguồn phát nhiệt như bếp gas, thắp hương, đốt vàng mã... khiến cháy, nổ có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Không chỉ riêng tại các hộ gia đình, các nhà xưởng cũng là nơi tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy mùa nắng nóng, trong khi đó, công tác phòng cháy, chữa cháy lại chưa được quan tâm đúng mức. Giữa tháng 5-2019, Tổ kiểm tra số 4 - Đoàn kiểm tra liên ngành Ban Chỉ đạo 197 thành phố đã kiểm tra an toàn phòng cháy, chữa cháy tại xưởng sản xuất của Công ty cổ phần Sofia nội thất (ở địa chỉ đường K2 phường Cầu Diễn, quận Nam Từ Liêm). Tại đây, đoàn kiểm tra phát hiện cơ sở có nhiều tồn tại, vi phạm, trong khi đó khu vực xưởng của công ty chưa thực hiện thẩm duyệt, nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy đã được đưa vào sử dụng.

Tuy vậy, từ năm 2018 đến nay, mặc dù cơ quan chức năng đã 4 lần kiểm tra, nhắc nhở nhưng doanh nghiệp vẫn chưa khắc phục tồn tại, vi phạm. Trên thực tế, vụ cháy 4 kho xưởng khiến 8 người chết tại phường Trung Văn (quận Nam Từ Liêm) ngày 12-4 vừa qua là một lời cảnh báo về vấn đề này.

Nâng cao trách nhiệm cơ sở

Theo thống kê của Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Công an thành phố Hà Nội), chỉ tính riêng trong 2 tháng (từ ngày 16-3 đến 15-5), khi thời tiết Hà Nội bước vào mùa nắng nóng, trên địa bàn thành phố đã xảy ra 83 vụ cháy khiến 11 người chết, 14 người bị thương, thiệt hại về tài sản ước tính hơn 2 tỷ đồng. Thời gian này, số vụ cháy và thiệt hại về người, tài sản tăng gấp nhiều lần so với 2 tháng liền kề trước đó.

Cơ quan chức năng kiểm tra công tác phòng cháy, chữa cháy tại một nhà xưởng ở quận Nam Từ Liêm.


Nhằm hạn chế những sự cố cháy nổ có thể xảy ra, theo Thượng tá Phạm Trung Hiếu, Trưởng phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, đơn vị đã tăng cường các biện pháp kiểm tra, rà soát và tuyên truyền về phòng cháy, chữa cháy.

Trong đó, tại các khu vực được xác định có nguy cơ cháy, nổ cao như khu dân cư, kho xưởng, chung cư, nhà cao tầng…, lực lượng phòng cháy, chữa cháy kiên quyết đình chỉ, tạm đình chỉ các cơ sở vi phạm và kiến nghị UBND các quận, huyện, thị xã làm rõ trách nhiệm cơ quan quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy và trật tự xây dựng nếu để vi phạm diễn ra kéo dài.

Thượng tá Nguyễn Văn Thắng, Phó trưởng Công an quận Thanh Xuân cho rằng, cần chú trọng nâng cao kiến thức, nghiệp vụ, kỹ năng của lực lượng phòng cháy, chữa cháy cơ sở. Ngoài việc có thể xử lý kịp thời các tình huống cháy, nổ trong “thời điểm vàng” nhằm ngăn chặn ngọn lửa bùng phát lớn, lực lượng phòng cháy, chữa cháy cơ sở cũng là những tuyên truyền viên sâu sát nhất đối với từng người dân, từng hộ gia đình.

“Bản thân lực lượng phòng cháy, chữa cháy cơ sở cũng cần nêu gương trong thực hiện các quy định về an toàn để tạo chuyển biến về ý thức phòng, chống cháy, nổ cho người dân”, Thượng tá Nguyễn Văn Thắng nói.

Để bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy trong mùa nắng nóng, Công an thành phố khuyến cáo các đơn vị, cơ sở sản xuất, hộ dân cần thường xuyên kiểm tra, thay thế kịp thời những dây dẫn, thiết bị điện hỏng hóc, lắp đặt thiết bị cầu dao, aptomat... cho hệ thống điện trong gia đình, cơ quan.

Đặc biệt, người dân không để các chất dễ cháy gần các thiết bị điện, nguồn lửa; đồng thời, chủ động tắt điện, ngắt cầu dao trước khi ra khỏi nhà và không nên thắp hương thờ cúng gần nơi có đồ đạc dễ cháy...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Coi chừng “bà hỏa” mùa nắng nóng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.