Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tết trung thu - mạch nguồn truyền thống

Ngân Vũ| 11/09/2019 17:16

(HNMCT) - Nhiều năm qua, câu chuyện về Tết Trung thu xưa luôn trở đi trở lại trong chúng ta. Sân chơi cho trẻ em, hoạt động từ thiện, những trò chơi cùng món đồ chơi dân gian được quan tâm nhiều hơn, trở thành chiếc cầu nối dẫn người Hà Nội trở lại với giá trị văn hóa truyền thống. Tuy nhiên, tục cũ, nếp xưa chỉ có thể ngự trị trong suy nghĩ của mỗi người nếu xã hội cùng đồng thuận về ý nghĩa của ngày tết đoàn viên - nơi chỉ có tình thân, sự sẻ chia và mối kết giao gần gũi giữa người với người là quan trọng nhất.

Tết Trung thu - cầu nối dẫn các thế hệ hôm nay trở lại với giá trị văn hóa truyền thống.            

Quảng bá giá trị văn hóa cổ truyền

Đã dần thành nếp, từ nhiều năm qua, cứ gần đến rằm tháng Tám là Ban quản lý Phố cổ Hà Nội lại tổ chức loạt hoạt động văn hóa Tết Trung thu truyền thống. Phố bích họa Phùng Hưng, đình Kim Ngân (phố Hàng Bạc), Ngôi nhà di sản (phố Mã Mây), Trung tâm Giao lưu văn hóa Phố cổ (phố Đào Duy Từ)... trở thành điểm đến của nhiều gia đình Hà Nội, nơi trẻ em có cơ hội tìm hiểu về tục xưa, nếp cũ, những trò chơi dân gian và món đồ chơi không thể thiếu trong ngày Tết Trung thu xưa nhưng từng có lúc đối mặt với nguy cơ biến mất trước sự lấn lướt của các loại đồ chơi nhập từ nước ngoài.

Năm nay, tại Phố bích họa Phùng Hưng, đèn lồng được treo cao từ sớm, tới ngày 6-9 thì nghệ nhân khắp nơi được mời về, người giới thiệu cách làm đèn ông sao, người hướng dẫn trẻ tự tay làm mặt nạ giấy bồi, nặn tò he, chiêm ngưỡng những cánh diều giấy hay chiếc tàu thủy được làm từ sắt tây...

Ghé qua phố Mã Mây, vào Ngôi nhà di sản, khách tham quan có thể tìm hiểu không gian Tết Trung thu truyền thống trong các gia đình Hà Nội ở khu vực phố cổ vào đầu thế kỷ XX... Nơi dạy trẻ học cách làm đồ chơi truyền thống, nơi quảng bá ý nghĩa của Tết Trung thu xưa và nay, tạo nên một sân chơi lớn cho cả nghệ nhân và các gia đình Hà Nội.

Điều quan trọng có thể dễ dàng nhận ra khi tham gia các hoạt động nói trên là sự hưởng ứng của người Hà Nội. Ngày 6-9, tại Phố bích họa Phùng Hưng, nghệ nhân đèn kéo quân Nguyễn Văn Quyền (xã Cao Viên, huyện Thanh Oai) nói: “Đối với trẻ nhỏ, Tết Trung thu không thể thiếu các món đồ chơi, trong đó có đèn kéo quân. Gia đình tôi có nhiều đời làm loại đèn này, đã từng chịu sự cạnh tranh khủng khiếp từ những món đồ chơi ngoại nhập nhưng chưa khi nào nghĩ tới chuyện bỏ nghề. Đáng mừng là hiện nay, nhiều gia đình quan tâm nhiều hơn tới việc giáo dục văn hóa truyền thống cho trẻ em, và bởi vậy nghệ nhân như chúng tôi có thêm cơ hội giữ nghề”.

Ông Nguyễn Văn Xuân (khu chung cư Hoàng Huy, quận Thanh Xuân) dẫn cháu gái đến Hoàng thành Thăng Long tham gia các hoạt động với chủ đề “Trống hội trăng thu” vào ngày 6-9 cũng khẳng định: “Đây là một chương trình bổ ích, không chỉ đối với trẻ em mà người lớn chúng ta có dịp nhớ lại kỷ niệm thời thơ ấu, qua đó xác định rõ hơn trách nhiệm giáo dục con cháu, tạo điều kiện cho trẻ em được hưởng đầy đủ niềm vui trong sáng mà chúng xứng đáng có được”.

Tuy vậy, những hoạt động mang tính kỳ cuộc, “đến hẹn lại lên” và phần nào có tính lặp lại về nội dung, cách thức tổ chức, dù sinh động đến mấy liệu có đủ sức khiến người Hà Nội trở lại với cách đón Trung thu truyền thống, nơi mà mỗi bữa tiệc “trông trăng” đều mang ý nghĩa kết nối tình thân?

“Tiệc tàn”, rời khỏi những điểm đến với điểm nhấn là trò chơi, trò diễn tái hiện bầu không khí Tết Trung thu cổ truyền trong những ngày vừa qua, người lớn và con trẻ trở lại với thực tại.

Những cánh cửa nhà khép lại, mở ra một không gian riêng với cách thức chuẩn bị phá cỗ rất khác với những gì vừa được chứng kiến tại Hoàng thành Thăng Long, Ngôi nhà di sản, Trung tâm Giao lưu văn hóa Phố cổ hay Phố bích họa Phùng Hưng. Thường thấy cảnh người lớn bày ra đĩa bánh nướng, bánh dẻo, hoa quả rồi cùng ăn với trẻ, không ra lời về ý nghĩa của Tết Trung thu và kỷ niệm thời thơ ấu.

Cũng có nhà mua đầy đủ những thứ cần có trong ngày này rồi mặc cho trẻ tự xoay xở; những chiếc đèn ông sao được mua về nhưng không mấy khi được thắp sáng trong đêm rằm.

Trong không gian cư trú san sát những nhà với nhà, khoảnh sân nhỏ hay hàng hiên thoáng đãng trở thành điều xa xỉ, còn đâu cảnh trẻ đầu làng cuối phố cùng bên nhau phá cỗ, ngắm trăng như những mùa Trung thu xưa. Chị Hằng và chú Cuội được thay bằng hình ảnh phát ra từ màn hình ti vi, chiếc điện thoại thông minh...

Bà Nguyễn Phương Chi (phố Võng Thị, phường Bưởi, quận Tây Hồ) chia sẻ cảm xúc sau chuyến cùng con cháu tham quan Hoàng thành Thăng Long: “Học được nhiều điều từ chuyến tham quan nhưng không phải điều gì mình cũng có thể áp dụng vào cuộc sống riêng. Công việc bận rộn mà trẻ con bây giờ cũng khác trước, chúng có nhiều thứ để lựa chọn và không phải lúc nào những món đồ chơi truyền thống cũng là thứ được ưu tiên”.

Trong nỗi nhớ chú Cuội, chị Hằng

Trẻ em thành phố bây giờ được sống trong điều kiện đủ đầy hơn trước. Sự dư dả khiến miếng bánh truyền thống và những thú vui dân gian không đủ sức tạo nên sự khác biệt, không ở lại thật lâu trong tâm trí con trẻ nếu thiếu vắng bài học bổ trợ nhằm giúp trẻ tìm thấy ý nghĩa từ những cuộc vui.

Những tấm ảnh với chủ đề Tết Trung thu truyền thống của Trung tâm Thông tin khoa học xã hội (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) được trưng bày tại Trung tâm Giao lưu văn hóa Phố cổ trong những ngày này, những trang viết về Tết Trung thu xưa của nhà văn Nguyễn Tuân, Tô Hoài, nhà nghiên cứu văn hóa Hoàng Đạo Thúy... giúp trẻ hiểu hơn về ý nghĩa tết đoàn viên, về sự sum họp và niềm vui chia sẻ cùng nhau.

Như khi đọc tập Chuyện cũ Hà Nội của nhà văn Tô Hoài, Tết Trung thu đối với trẻ em không chỉ có những gì được cha mẹ mua sẵn, không chỉ là bưởi, hồng, bánh mứt mà còn có niềm vui tự tay chuẩn bị cho bữa cỗ đêm rằm, có những buổi cùng nhau rước đèn khắp xóm, là bầu không khí giao hòa của đất trời và lòng người...

“Phá cỗ và trông trăng có một đêm rằm, nhưng việc sắm sửa - dù nhà có nhà không có, chỉ đủ tiền mua quả bưởi bày cỗ, ai cũng đếm từng ngày, từ hôm đầu tháng. Không chỉ Tết của con trẻ, mà người lớn cũng náo nức. Mà lạ thay, trong một năm, trời đất đến quãng ấy vừa đẹp vừa dễ chịu” (Tết rằm Trung thu). Tô Hoài viết thế, nghĩa là cái vật chất, đồ ăn và đồ chơi dường như không còn quá nhiều ý nghĩa nữa!

Hôm khai mạc chương trình “Trống hội trăng thu” tại Hoàng thành Thăng Long và ngày sau đó, rất nhiều trẻ em đã tới dự theo đoàn - ít nhất là sự có mặt của hàng trăm học sinh Trường Tiểu học và Trung học Cơ sở liên cấp Ngôi Sao và con em cán bộ Báo Hànộimới.

Ngoài học làm bánh dẻo, tự chọn vẽ về chủ đề Tết Trung thu, nhiều trẻ còn dự lễ dâng hương ở điện Kính Thiên, tham gia chuyên đề giáo dục “Kể chuyện các bậc vua sáng - tôi hiền” qua những câu chuyện về Tết Trung thu tại cung đình Thăng Long xưa... Điều đọng lại chắc chắn không chỉ có những giờ chơi, mà còn là bài học lớn về Tết Trung thu nguyên nghĩa.

Bởi vậy, trên con đường đã chọn là không xa rời truyền thống, những cuộc vui, những giờ học ngoại khóa mà các ngành chức năng, các nhà trường, cơ quan, đơn vị của thành phố Hà Nội đã và đang tổ chức cho trẻ là điều cần được duy trì, đổi mới. Cùng với sự chung tay của các gia đình, những nỗ lực đó bảo đảm rằng trẻ em sẽ có được những cái Tết Trung thu giàu ý nghĩa nhân văn trong tương lai.

GS.TSKH Lưu Trần Tiêu, Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia:
Nét đẹp văn hóa cần giữ gìn, phát huy

“Trung thu không chỉ là Tết dành cho trẻ nhỏ với nhiều hoạt động như rước đèn, phá cỗ, múa lân mà còn là ngày sum họp gia đình. Các thế hệ ông bà, cha mẹ, con cháu cùng nhau chuẩn bị mâm ngũ quả, bánh nướng, bánh dẻo để dâng lên gia tiên, sau đó cùng nhau ngắm trăng, thưởng thức tiết trời mùa thu tuyệt đẹp. Trẻ nhỏ học cách tự tay làm những món đồ chơi truyền thống như đèn ông sao, đèn kéo quân, ông tiến sĩ... Theo truyền thống, nhiều hoạt động văn hóa cổ truyền diễn ra vào mỗi dịp Trung thu, trong đó có hát trống quân. Theo thời gian, văn hóa đón Tết Trung thu của người Việt cũng thay đổi, đơn giản hơn và thậm chí không còn duy trì được nếp cũ.

Nhiều năm trở lại đây, Thành phố Hà Nội chú trọng giáo dục truyền thống cho trẻ nhỏ bằng cách tổ chức nhiều hoạt động tái hiện Tết Trung thu truyền thống. Các gia đình đưa trẻ tham gia vào các hoạt động trải nghiệm về Tết Trung thu xưa, hướng dẫn con trẻ cách làm các món đồ chơi truyền thống, tìm hiểu ý nghĩa của tết đoàn viên... Đó là điều rất đáng quý, cần được giữ gìn và phát huy”.

Nghệ nhân làm đèn kéo quân Nguyễn Văn Quyền (xã Cao Viên, huyện Thanh Oai, Hà Nội):
Dạy trẻ em yêu đồ chơi truyền thống

“Những hoạt động có ý nghĩa quảng bá giá trị của Tết Trung thu cổ truyền mà thành phố Hà Nội tổ chức là cơ hội để chúng tôi tham gia hướng dẫn trẻ em thực hành cách tạo ra một món đồ chơi, qua đó giúp trẻ thêm yêu, thêm hiểu về giá trị của Tết Trung thu truyền thống. Chỉ có hiểu như vậy thì đồ chơi truyền thống mới có thể giữ được vị trí trung tâm trong mỗi mùa Trung thu, mới có thể cạnh tranh được với những món đồ công nghệ vốn đang thu hút sự chú ý của trẻ em thành phố”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tết trung thu - mạch nguồn truyền thống

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.