Theo dõi Báo Hànộimới trên

Truy xuất nguồn gốc thực phẩm: Biện pháp cần thiết và hữu hiệu

Phan Tuấn| 26/09/2019 14:33

(HNM) - Trước thực trạng thực phẩm “bẩn” tràn lan trên thị trường, việc truy xuất nguồn gốc hàng hóa từ khâu sản xuất đến tiêu thụ là một biện pháp cần thiết và hữu hiệu để lấy lại niềm tin của người tiêu dùng, đồng thời giúp doanh nghiệp khẳng định sự minh bạch cũng như hỗ trợ cơ quan chức năng quản lý hiệu quả và thuận lợi hơn.

Chỉ với một chiếc điện thoại thông minh có phần mềm quét mã, người tiêu dùng có thể nhận diện được "đường đi" của nông sản.

Công cụ bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

Thông qua truy xuất nguồn gốc, người tiêu dùng có thể trực tiếp tìm hiểu, thu thập thông tin về sản phẩm họ đã mua một cách đầy đủ và chi tiết nhất. Qua đó, hạn chế mua phải hàng kém chất lượng, hàng giả, hàng nhái, đặc biệt là những sản phẩm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người tiêu dùng như thực phẩm, nông sản, dược phẩm...

Ông Nguyễn Xuân Hà, Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Đông Anh chia sẻ, trong xu thế hiện nay, tem truy xuất nguồn gốc được xem là một công cụ hiệu quả để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Thông qua việc dán tem truy xuất nguồn gốc, các sản phẩm nông nghiệp sản xuất theo quy trình đạt chuẩn, có chất lượng tốt sẽ dễ tiếp cận với khách hàng hơn.

Còn theo ông Tạ Văn Tường, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, hiện có hai hình thức truy xuất, gồm chứng minh nguồn gốc xuất xứ qua tài liệu hồ sơ giấy tờ và truy xuất nguồn gốc bằng mã QR Code hay mã vạch. Đây là việc hết sức cần thiết, tạo ra dòng chảy thông tin từ người sản xuất, đến người tiêu dùng. Với những doanh nghiệp làm ăn bài bản, để xây dựng thương hiệu nhất thiết phải quan tâm đến việc truy xuất nguồn gốc và chứng minh bằng được với người tiêu dùng rằng sản phẩm của mình là an toàn.

Nan giải trong thực hiện

Những năm gần đây, khi truy xuất nguồn gốc trở thành xu thế và người tiêu dùng Việt ngày càng đặt niềm tin nhiều hơn vào các sản phẩm có tem truy xuất nguồn gốc, nhiều doanh nghiệp đã xây dựng cho mình bộ truy xuất hàng hóa, đặc biệt là những hàng hóa nông sản theo các tiêu chuẩn có uy tín như VietGap, GlobalGap, Organic... Tuy nhiên, hoạt động này đến nay vẫn chưa thực sự được người tiêu dùng và nhà sản xuất quan tâm.

Theo ông Trần Văn Chung, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, hiện nay, một bộ phận người sản xuất, chế biến kinh doanh thực phẩm chưa tự giác chấp hành quy định an toàn thực phẩm và thiếu trách nhiệm với sức khỏe cộng đồng vì lợi nhuận trước mắt. Nhiều người tiêu dùng còn dễ dãi trong lựa chọn, sử dụng thực phẩm. Đáng nói là đa số người tiêu dùng chưa biết hoặc không thường xuyên sử dụng điện thoại thông minh để kiểm chứng nguồn gốc thực phẩm.

Trong khi người tiêu dùng không mấy mặn mà với việc truy xuất nguồn gốc theo mã QR Code thì nhà sản xuất cũng gặp nhiều khó khăn trong triển khai. Ông Trịnh Văn Vĩnh, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Hòa Bình cho biết: "Việc triển khai dán tem truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm hiện nay còn khá bất cập. Việc khó nhất là buộc người nông dân thực hiện ghi nhật ký sản xuất, đầu tiên ghi bằng giấy, sau đó mới nhập lại lên hệ thống. Trung bình để thực hiện dán tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm, người sản xuất phải tốn công gấp 3 - 4 lần so với việc dán tem nhận diện sản phẩm thông thường. Sau một thời gian thử nghiệm, chúng tôi nhận thấy khách hàng không mấy quan tâm đến việc quét mã QR Code. Theo thống kê, cứ 10 khách vào thì chỉ có 1 - 2 người thực hiện thao tác này. Do đó, chúng tôi dừng lại không triển khai nữa".

Làm gì để triển khai hiệu quả?

Ứng dụng truy xuất nguồn gốc là một trong những giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn nạn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Hơn nữa, các sản phẩm nông sản, thủy sản từ Việt Nam đang xuất khẩu ra thế giới với số lượng ngày càng nhiều, do đó truy xuất nguồn gốc là yếu tố nền tảng quan trọng để tạo ra một chuỗi cung ứng an toàn, từ đó hình thành sự yên tâm, tin tưởng của đối tác nhập khẩu với các sản phẩm và uy tín thương hiệu của doanh nghiệp.

Bà Nguyễn Thị Thu Hằng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Hà Nội cho rằng, để việc ứng dụng truy xuất nguồn gốc sản phẩm được triển khai có hiệu quả cần có cơ chế khuyến khích hỗ trợ liên kết, hợp tác trong sản xuất, kinh doanh nông sản an toàn có truy xuất, từ đó tăng cường khả năng phân phối hàng hóa, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và hướng tới xuất khẩu. Vì vậy, cần tăng cường tuyên truyền về lợi ích của việc dán tem truy xuất nguồn gốc đến nhà sản xuất và người tiêu dùng.

Cùng với việc đẩy mạnh triển khai truy xuất nguồn gốc sản phẩm, theo ông Trần Văn Chung, thời gian tới, thành phố Hà Nội sẽ tiếp tục đẩy mạnh phối hợp liên ngành, tăng cường hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra đột xuất, giám sát hậu kiểm việc thực hiện quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm, xử nghiêm các trường hợp vi phạm. Cùng với đó, Hà Nội sẽ phát triển mạnh các vùng rau an toàn, quản lý giết mổ gia súc, gia cầm, quản lý các chợ, siêu thị; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong truy xuất nguồn gốc thực phẩm... nhằm góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân Thủ đô.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Truy xuất nguồn gốc thực phẩm: Biện pháp cần thiết và hữu hiệu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.