Theo dõi Báo Hànộimới trên

Siết chặt quản lý cơ sở thẩm mỹ

Thu Trang| 07/10/2019 13:32

(HNM) - Không được cấp phép phẫu thuật thẩm mỹ, nhưng các thẩm mỹ viện, spa vẫn quảng cáo công khai về các dịch vụ hút mỡ, nâng ngực, xẻ mí… Tin vào những chiêu trò quảng cáo, nhiều chị em đã phải chịu cảnh “tiền mất, tật mang”. Làm thế nào để siết chặt quản lý hàng trăm cơ sở thẩm mỹ, không để xảy ra hiện tượng hành nghề vượt quá phạm vi cho phép vẫn là câu chuyện khó có hồi kết.

Suýt mất mạng vì cơ sở làm đẹp “chui”

Nghe theo những lời quảng cáo “thổi phồng” trên mạng xã hội, ngày 1-10, chị H.B.T. (28 tuổi, ở Hà Nội) đến cơ sở Thẩm mỹ quốc tế Thúy Anh (số 60 phố Kim Ngưu, phường Thanh Nhàn, quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội) để nâng ngực bằng phương pháp cấy mỡ tự thân với chi phí hơn 20 triệu đồng. Thế nhưng, trong quá trình thực hiện, chị T. bị ngất xỉu, co giật đến 3 lần, sau đó được đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Thanh Nhàn. Trước đó một tuần, ngày 24-9, Bệnh viện Thanh Nhàn cũng tiếp nhận nữ bệnh nhân Đ.T.T.Ch. (45 tuổi, ở tỉnh Yên Bái) được đưa đến cũng từ cơ sở thẩm mỹ này trong tình trạng ngất xỉu và co giật sau khi thực hiện hút mỡ bụng, mỡ bắp tay, phẫu thuật cắt mỡ, da thừa vùng bụng. May mắn, 2 trường hợp này đã được cấp cứu kịp thời.

Việc siết chặt quản lý cơ sở thẩm mỹ, không để xảy ra hiện tượng hành nghề vượt quá phạm vi cho phép vẫn là câu chuyện chưa có hồi kết.

Theo giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh được Phòng Tài chính - Kế hoạch quận Hai Bà Trưng cấp, Thẩm mỹ quốc tế Thúy Anh do bà Trần Thúy Anh (sinh năm 1991) làm chủ với vốn kinh doanh 30 triệu đồng, hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ làm đẹp cá nhân, chăm sóc da, phun xăm thẩm mỹ, cắt tóc, gội đầu, sơn sửa móng tay, móng chân, mua bán mỹ phẩm.

Ông Nguyễn Quang Trung, Trưởng phòng Quản lý hành nghề y, dược tư nhân (Sở Y tế Hà Nội) cho biết, cơ sở này không được Sở Y tế Hà Nội cấp phép về hoạt động phẫu thuật thẩm mỹ. Hiện tại, trên địa bàn Hà Nội tồn tại hai loại hình cơ sở làm đẹp. Thứ nhất là phòng khám chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ do Sở Y tế cấp phép, đồng thời quản lý trực tiếp; thứ hai là cơ sở chăm sóc sắc đẹp, như: Các thẩm mỹ viện, spa, cơ sở chăm sóc da, massage... do UBND cấp huyện cấp phép kinh doanh và quản lý.

Quy định là vậy nhưng trên thực tế, các cơ sở làm đẹp, spa vẫn tìm cách lách luật, “mập mờ” gắn biển hiệu thẩm mỹ viện, khiến nhiều người lầm tưởng đây là cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ. Mới đây, Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức tiếp nhận và điều trị cho bệnh nhân là T.N.T. (30 tuổi, ở tỉnh Lạng Sơn) bị biến chứng tràn dịch muộn sau khi đặt túi nâng ngực. Trước đó khoảng 2 tuần, sau khi phẫu thuật nâng ngực tại một thẩm mỹ viện, ngực bên trái của chị T. to nhanh, gấp 4 lần bên ngực còn lại.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hồng Hà, Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ (Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức), tràn dịch muộn sau đặt túi ngực là một biến chứng tương đối hiếm gặp trên thế giới cũng như ở Việt Nam. Tuy nhiên, bệnh viện vẫn tiếp nhận từ 2 đến 3 ca bị biến chứng dạng này trong một năm. Nguyên nhân do chỉ định sai và thực hiện phẫu thuật không bảo đảm an toàn.

Tương tự, sau khi cắt mí mắt ở một spa tư nhân trên địa bàn quận Cầu Giấy, một thiếu nữ (19 tuổi, ở Thái Nguyên) rơi vào tình trạng mí mắt biến chứng chảy máu không ngừng suốt 8 giờ đồng hồ và được cấp cứu vào Khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và hàm mặt (Bệnh viện E). Bác sĩ Nguyễn Đình Minh, Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và hàm mặt cho biết, dù phẫu thuật thẩm mỹ cắt mí mắt hay tạo mắt 2 mí không phức tạp, nhưng không phải vì thế mà chủ quan làm ở bất cứ đâu hoặc không lo biến chứng.

Đưa hoạt động làm đẹp về đúng quỹ đạo 

Sở Y tế Hà Nội hiện chỉ cấp phép cho 80 phòng khám chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ. Thế nhưng, những dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ núp dưới bóng thẩm mỹ viện, spa làm đẹp ngày càng có xu hướng “nở rộ”.

Bà Trần Thị Nhị Hà, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, khi quyết định phẫu thuật thẩm mỹ, ngoài việc tìm hiểu về giấy phép và phạm vi hành nghề của cơ sở, thì người có nhu cầu cần tìm hiểu bác sĩ sẽ tiến hành phẫu thuật cho mình có đủ giấy phép hành nghề và có được phép phẫu thuật thẩm mỹ hay không. Đây là những điều rất quan trọng, nhưng nhiều chị em lại ít quan tâm.

Một trường hợp biến chứng cắt mí ở spa được cấp cứu tại Khoa phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và hàm mặt (Bệnh viện E)

Theo ông Nguyễn Quang Trung, Trưởng phòng Quản lý hành nghề y, dược tư nhân (Sở Y tế Hà Nội), tại những phòng khám chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ đã được cấp phép cũng chỉ được thực hiện các thủ thuật phẫu thuật thẩm mỹ ở vùng mặt, vùng cổ như: Nâng mũi, tạo má lúm đồng tiền, sửa sẹo, cắt mí, phun xăm… Riêng với các loại hình phẫu thuật thẩm mỹ như: Hút mỡ bụng, hút mỡ chi, nâng ngực… chỉ được thực hiện tại các bệnh viện lớn. Bởi vì nơi đây có đầy đủ các điều kiện y tế đạt chuẩn an toàn như: Phòng mổ, đội ngũ bác sĩ gây mê, trực cấp cứu 24/24 giờ, chăm sóc hậu phẫu...

Để đưa hoạt động làm đẹp về đúng quỹ đạo, theo bà Trần Thị Nhị Hà, việc giám sát, kiểm tra, phát hiện và xử lý những vi phạm ở các cơ sở thẩm mỹ, spa phải được chính quyền địa phương tiến hành chặt chẽ, nghiêm ngặt. Tới đây, Sở Y tế Hà Nội sẽ phối hợp với cơ quan công an và các quận, huyện, thị xã tiếp tục rà soát các cơ sở làm đẹp trên từng địa bàn, đồng thời tổ chức các đợt thanh tra đột xuất. Bên cạnh đó, công tác thanh tra, kiểm soát việc quảng cáo của các cơ sở làm đẹp cũng cần phải được tăng cường, nhằm loại bỏ dạng quảng cáo “thổi phồng”, vượt quá phạm vi cho phép.

“Chúng tôi rất mong có được sự phối hợp chặt chẽ giữa người dân, cơ quan truyền thông với cơ quan quản lý nhà nước. Khi phát hiện hành vi vi phạm tại các cơ sở làm đẹp, mọi người hãy thông báo ngay tới chính quyền sở tại hoặc Sở Y tế, chúng tôi sẽ thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm kịp thời”, bà Trần Thị Nhị Hà khẳng định.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Siết chặt quản lý cơ sở thẩm mỹ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.