Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ngôi nhà chung của trẻ khuyết tật

Hà Hiền| 27/10/2019 07:38

(HNM) - Trung tâm Nuôi dưỡng trẻ khuyết tật Hà Nội, thị trấn Chúc Sơn (huyện Chương Mỹ) vừa là trường học, vừa là ngôi nhà chung của trẻ em khuyết tật. Được nuôi dưỡng, giáo dục trong môi trường đặc biệt này, nhiều thế hệ học sinh khuyết tật đã trưởng thành, trở thành người có ích cho xã hội.

Giờ học của học sinh câm, điếc tại Trung tâm Nuôi dưỡng trẻ khuyết tật Hà Nội. Ảnh: Minh Ngọc

Chắp cánh cho những ước mơ

Năm học 2019-2020, Trung tâm Nuôi dưỡng trẻ khuyết tật Hà Nội (Trung tâm) đón 143 học sinh, từ 6 tuổi trở lên đến từ các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố bước vào năm học mới. Trong đó, 97 trẻ không may bị câm, điếc được sắp xếp thành 9 lớp học với chương trình học từ lớp 1 đến lớp 5, như bậc tiểu học ngoài cộng đồng.

Giáo viên vừa là thầy, vừa là những người bố, người mẹ thứ hai, phải thấu hiểu tính cách, tình trạng sức khỏe từng học sinh như những đứa con trong gia đình thì mới có thể đưa ra phương pháp giảng dạy phù hợp.

Nhờ giáo viên “phiên dịch” khi trò chuyện với chúng tôi, cháu Lê Thu Hoài, học sinh lớp 1A2, đến từ xã Hợp Đồng (huyện Chương Mỹ) cho biết: “Sau hơn 2 tháng đi học, cháu đã biết viết các chữ cái, làm những phép tính đơn giản trong phạm vi 10”. Còn cháu Nguyễn Thị Huyền Trang, học sinh lớp 5, đến từ xã Vạn Thái (huyện Ứng Hòa) chia sẻ: “Cháu đã sống và học tập tại Trung tâm 10 năm nay. Với những kiến thức, kỹ năng chuyên biệt dành cho người câm, điếc đã được trang bị, cháu sẽ tiếp tục học lên bậc trung học cơ sở, rồi học nghề để có việc làm, tự nuôi sống bản thân”.

Đối với 46 trẻ bị khuyết tật trí tuệ, các cháu được sắp xếp học tại 4 lớp học đặc biệt, với nhiệm vụ chủ yếu là phục hồi chức năng. Tại đây, các cháu được giáo viên và đội ngũ cán bộ y tế hướng dẫn cách ăn, uống, giữ gìn vệ sinh cá nhân hoặc tập tô, tập vẽ. Chị Bùi Thị Vân, cán bộ chăm sóc y tế đánh giá: “Nhận được sự chăm sóc và hỗ trợ toàn diện, khả năng nhận thức của một số học sinh khuyết tật trí tuệ tiến bộ từng ngày”.

Được chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trong môi trường yêu thương, chia sẻ, nhiều thế hệ học sinh khuyết tật đã nuôi dưỡng những ước mơ tốt đẹp, nỗ lực vươn lên để trở thành những người có ích cho xã hội. Nổi bật là trường hợp anh Nguyễn Thanh Sơn (sinh năm 1982) bị câm, điếc, nhưng nhờ chăm chỉ học kiến thức, rèn luyện kỹ năng, hiện anh Sơn là giáo viên trợ giảng tại Khoa Giáo dục đặc biệt, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội; đồng thời thường xuyên dạy ngôn ngữ ký hiệu cho người câm, điếc trên Đài Truyền hình Việt Nam.

Hay anh Phạm Văn Vượng bị câm, điếc, trú tại xã Đại Thắng (Phú Xuyên) đã học nghề, mở xưởng mộc tại địa phương, tạo việc làm cho bản thân, phát triển kinh tế gia đình và giải quyết việc làm cho nhiều lao động khuyết tật...

Ngoài những trường hợp nêu trên, trong những năm gần đây, ngôi trường đặc biệt này có khoảng 10 - 20 học sinh tốt nghiệp tiểu học, tiếp tục học lên cao hoặc hòa nhập xã hội. 100% số người đến độ tuổi lao động, có khả năng lao động, có nhu cầu tìm việc làm đều được các đơn vị, doanh nghiệp hỗ trợ học nghề, tạo việc làm. Điển hình như Công ty TNHH May mặc 18-4 Hà Nội đang sử dụng hàng trăm lao động khuyết tật, vốn là học sinh của Trung tâm.

Những điều trăn trở

So với những năm học trước, năm nay, số học sinh tại Trung tâm tăng gần 20 em, tương ứng với hai lớp học. Trong quá trình các ngành, địa phương triển khai thực hiện Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐND ngày 8-7-2019 của HĐND thành phố về một số chính sách đặc thù hỗ trợ các đối tượng thuộc hộ gia đình không có khả năng thoát nghèo và hộ gia đình sau khi thoát nghèo ổn định cuộc sống, dự kiến, số lượng trẻ khuyết tật có hoàn cảnh đặc biệt được đưa vào chăm sóc, nuôi dưỡng, phục hồi chức năng tại các trung tâm bảo trợ xã hội tiếp tục tăng lên. Mới đây, Trung tâm đã tiếp nhận 2 trường hợp trẻ khuyết tật theo Nghị quyết 04/2019/NQ-HĐND và chuẩn bị tiếp nhận thêm một số trường hợp.

Thế nhưng, với quy mô hiện có, nếu được nâng cấp, Trung tâm cũng chỉ có thể nuôi dưỡng, giáo dục thường xuyên tối đa 150 trẻ. Còn hiện tại, do lượng học sinh tăng lên, Trung tâm phải tận dụng phòng ở, phòng chức năng làm lớp học.

Nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu được chăm sóc, giáo dục của trẻ em khuyết tật, Giám đốc Trung tâm Phan Văn Thái mong muốn các cơ quan chức năng quan tâm, đầu tư kinh phí để nâng cấp, mở rộng cơ sở vật chất, bổ sung nguồn lực con người cho Trung tâm. Riêng đối với trẻ khuyết tật trí tuệ do chứng tự kỷ, chị Trịnh Thanh Thủy, giáo viên lớp Trẻ khuyết tật trí tuệ 2 kiến nghị:

"Các chuyên gia, nhà nghiên cứu xây dựng chương trình giáo dục chuyên biệt, phù hợp đối với trẻ. Bởi, với dạng khuyết tật này, nhiều cháu có những kỹ năng nổi trội ở khía cạnh nào đó, cần được phát huy. Đó cũng là cách giúp trẻ phục hồi chức năng tốt nhất".

Trao đổi về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Hoàng Thành Thái cho hay: "Hằng năm, các trung tâm bảo trợ xã hội bị xuống cấp đều được đầu tư kinh phí chống xuống cấp. Năm 2019, Trung tâm Nuôi dưỡng trẻ khuyết tật Hà Nội đã, đang được đầu tư hơn 2 tỷ đồng để xây dựng thêm một số phòng học, nâng cao sân, vườn. Đáng mừng hơn, trong buổi đến thăm, tặng quà cho trẻ khuyết tật tại Trung tâm vào ngày 30-1-2019, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã chỉ đạo các cơ quan chức năng tiến hành khảo sát, đề xuất để xây sửa lại các công trình của Trung tâm Nuôi dưỡng trẻ khuyết tật Hà Nội…".

Nhờ sự quan tâm toàn diện từ cơ quan chức năng và cộng đồng xã hội, chắc chắn những trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt sống tại ngôi nhà chung dành cho trẻ khuyết tật sẽ có thêm nghị lực, niềm tin để hòa nhập cộng đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngôi nhà chung của trẻ khuyết tật

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.