Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tiếp tục duy trì và nhân rộng các mô hình cưới văn minh, tiết kiệm

Lam Điền| 28/11/2019 16:30

(HNMCT) - Nhiều năm qua, việc cưới trên địa bàn thành phố Hà Nội đã có những chuyển biến tích cực theo hướng văn minh, gọn nhẹ, tiết kiệm mà vẫn giữ được thuần phong mỹ tục nhưng vẫn còn không ít những hiện tượng phô trương, lãng phí, chưa bắt kịp với xu thế xã hội. Hànộimới Cuối tuần đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Thành Tuyên, Phó Trưởng phòng Xây dựng Nếp sống văn hóa và Gia đình, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội về vấn đề này.

- Nói đến việc cưới trước hết là nói đến việc vui, niềm vui, chuyện vui. Xin ông cho biết những chuyện vui, tức là những chuyển biến tích cực trong việc cưới trên địa bàn thành phố Hà Nội?

- Trước hết, phải khẳng định trong thời gian qua Chỉ thị 11-CT/TU ngày 3-10-2012 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội “Về việc tiếp tục thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới trên địa bàn thành phố Hà Nội”, Quyết định số 07/2012/QĐ-UBND ngày 27-4-2012 của UBND thành phố Hà Nội “Về việc ban hành quy định thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội trên địa bàn thành phố Hà Nội”, Kế hoạch 141-KH/UBND ngày 6-11-2012 của UBND thành phố Hà Nội “Về việc tiếp tục thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới trên địa bàn thành phố Hà Nội”... đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền trên địa bàn thành phố quan tâm triển khai, tổ chức thực hiện.

Công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục, thuyết phục nhân dân nâng cao nhận thức và chuyển đổi hành vi theo hướng tiến bộ luôn bám sát các yêu cầu của Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh”, động viên các tầng lớp nhân dân thực hiện 5 nội dung của phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, thực hiện cuộc vận động “Xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh”, đẩy mạnh phong trào “Người tốt, việc tốt”... ở tất cả các quận, huyện, thị xã đều có chuyển biến, đặc biệt việc cưới về cơ bản đã theo xu hướng chung, tiến bộ, đó là cưới văn minh, gọn nhẹ và tiết kiệm.

- Có thể tổng hợp xu hướng tiến bộ ấy thành những cái được chủ yếu nào, thưa ông?

- Cái được thứ nhất là chuyển biến tích cực trong nhận thức. Cán bộ lãnh đạo quản lý các cấp đã ý thức rõ hơn vai trò của mình trong việc cụ thể hóa chủ trương, đường lối vào thực tiễn; làm đầu mối tổ chức thực hiện tốt các kế hoạch đề ra. Các tầng lớp nhân dân Thủ đô đã nhận thức rõ lợi ích của việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới.

Từ đó, dẫn đến cái được thứ hai là những hành động tích cực trong thực tiễn như: Nhiều cán bộ, đảng viên gương mẫu đi đầu trong việc tổ chức việc cưới theo nếp sống văn minh; nhiều gia đình đã tổ chức việc cưới theo nếp sống mới...

Những mô hình cưới văn minh, tiết kiệm như đám cưới chỉ tổ chức tiệc trà ở quận Đống Đa, huyện Đan Phượng, Ứng Hòa...; cỗ cưới tối đa là 40 - 50 mâm ở Chương Mỹ, Hà Đông, Mê Linh...; hay việc bỏ hủ tục thách cưới ở Ba Vì.

Đặc biệt là mô hình cưới tập thể ở nhiều quận, huyện, hay mô hình Đoàn Thanh niên xã hỗ trợ việc tổ chức, miễn phí phần âm thanh, ánh sáng cho đám cưới thực hiện theo nếp sống văn minh ở xã Đại Thắng, huyện Phú Xuyên... Đó thực sự là những điển hình được cộng đồng ghi nhận, cổ vũ và làm theo.

Hầu hết đám cưới đã đơn giản hóa các thủ tục, lễ thức vốn rườm rà, tốn kém nhưng vẫn đảm bảo sự nghiêm túc, trang trọng, phù hợp với thuần phong mỹ tục của dân tộc Việt Nam. Việc giảm thiểu các biểu hiện tiêu cực, lãng phí, thương mại hóa trong đám cưới thực sự là những chuyển biến rất mạnh mẽ trong đời sống xã hội. Tất cả đã góp phần tạo nên một nét đẹp trong tổ chức việc cưới, làm phong phú thêm đời sống văn hóa trên địa bàn Thủ đô.

Một đám cưới tập thể của thanh niên quận Ba Đình (Hà Nội). Ảnh: Vương Đức

- Đúng là đã có những tiến bộ rất đáng kể. Tuy vậy, vẫn có nhiều ý kiến cho rằng những chuyển biến trong việc cưới theo nếp sống mới ở Hà Nội còn chậm, thậm chí không ít đám cưới vẫn còn tình trạng “nặng bát, nặng đũa”, ăn cỗ nhiều ngày, không đúng với yêu cầu tổ chức cưới văn minh, tiết kiệm...

- Thực tế đúng là còn không ít nơi tổ chức đám cưới vẫn nặng về thủ tục; còn cả việc thách cưới nhiều lễ, nhiều tiền... Vẫn còn nhiều trường hợp làm cỗ cưới tới vài trăm mâm, tổ chức ở khách sạn xa hoa, tốn kém, tổ chức tiệc cưới thành nhiều buổi...

Đáng nói là trong số đó có cả một số cán bộ, đảng viên. Những biểu hiện đó cho thấy cách hiểu về việc cưới theo nếp sống văn minh vẫn chưa thống nhất, tác động của những đám cưới theo nếp sống mới chưa đủ mạnh để tạo ra sự thay đổi sâu sắc, lôi cuốn thêm nhiều người hưởng ứng, thực hiện.

- Vậy theo ông nguyên nhân chính của tình trạng đó là gì? Tại sao lại kéo dài như vậy? Phải chăng rất nhiều giải pháp đã được đề xuất và thực hiện nhưng hiệu quả lại chưa được như mong muốn?

- Trước hết và chủ yếu là do hạn chế, chuyển đổi chậm trong nhận thức. Một số cấp ủy, chính quyền, lãnh đạo các ban, ngành, đoàn thể vẫn chưa quan tâm đúng mức đến việc tổ chức cưới theo nếp sống văn minh.

Bên cạnh đó, việc ưu tiên phát triển kinh tế đã phần nào lấn át các hoạt động văn hóa. Có rất nhiều nhân tố điển hình, gương tốt về tổ chức cưới văn minh, tiết kiệm nhưng lại chưa được tuyên truyền và nhân rộng. Các cơ quan tham mưu cho thành phố thực hiện nhiệm vụ này cũng chưa xác định được mô hình cưới theo nếp sống văn minh một cách cụ thể, rõ ràng để lấy đó làm tiêu chí triển khai thực hiện.

Cùng với đó, phải có sự nhìn nhận toàn diện để thấy rằng, tập quán sinh hoạt, phong tục, lối sống truyền thống, nghi lễ cưới hỏi... đã định hình từ xa xưa nên việc thay đổi một số thành tố nào đó, cho dù theo hướng tích cực, là không hề dễ dàng và không phải trong "một sớm, một chiều" mà thành công cũng như áp dụng với tất cả bằng biện pháp mạnh ngay được. Nếu chính quyền không có giải pháp tác động thì những chuyển biến theo hướng tích cực vẫn sẽ diễn ra rất chậm. Độ trễ trong nhận thức sẽ dẫn đến độ trễ trong hành động.

- Theo ông, tới đây cần phải làm những gì để nâng cao hiệu quả tổ chức việc cưới theo nếp sống văn minh?

- Cần phải có sự thống nhất cách hiểu về các mô hình đám cưới nếp sống mới và nỗ lực thực hiện, nhân rộng các mô hình đó. Cần tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền; tăng cường tuyên truyền để quán triệt, tổ chức thực hiện tốt nếp sống văn minh trong việc cưới gắn với việc thực hiện các nội dung của các phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh”...

Đặc biệt là phải chú ý đến công tác vận động đối tượng thanh niên, những người đóng vai trò chủ yếu trong hôn nhân; gắn việc thực hiện tổ chức cưới văn minh với việc phấn đấu đạt các chỉ tiêu lớn về xây dựng Gia đình văn hóa, Làng văn hóa, Tổ dân phố văn hóa... để có những kết quả tốt hơn và vững chắc hơn!

- Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tiếp tục duy trì và nhân rộng các mô hình cưới văn minh, tiết kiệm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.