Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vì thành phố Hồ Chí Minh xanh, sạch: Nhiều sáng kiến, giải pháp hiệu quả

Gia Bảo| 02/12/2019 11:21

(HNM) - Thực hiện Chỉ thị số 19-CT/TU ngày 19-10-2018 của Ban Thường vụ Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh về cuộc vận động "Người dân thành phố Hồ Chí Minh không xả rác ra đường và kênh rạch, vì thành phố sạch và giảm ngập nước”, ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường của mỗi người dân đã có sự chuyển biến rõ nét. Các quận, huyện, sở, ngành cũng có nhiều sáng kiến, giải pháp hiệu quả để góp phần xây dựng thành phố Hồ Chí Minh trở nên xanh - sạch - đẹp.

Chuyển biến đến từng khu phố

Ghi nhận dọc tuyến kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè (địa phận quận Bình Thạnh, Tân Bình và Phú Nhuận), nếu như trước đây, người dân vẫn có thói quen xả rác tùy tiện, gây nhếch nhác trên và dưới dòng kênh thì nay, các hộ dân, đặc biệt các cửa hàng dọc hai bên bờ có ý thức hơn trong việc giữ gìn sạch đẹp cho dòng kênh, cũng như môi trường sống xung quanh. Thậm chí, mỗi người dân khi tập thể dục xung quanh tuyến kênh đều trở thành một tình nguyện viên sẵn sàng thu dọn rác. “Khác với cảnh rác thải vương vãi khắp nơi, bây giờ là khung cảnh sạch, đẹp, tạo cảm giác thoải mái cho mỗi người khi ra đây tập thể dục”, anh Trần Minh Định (ngụ phường 13, quận Phú Nhuận) phấn khởi chia sẻ. 

Công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh đã có nhiều chuyển biến tích cực trong thời gian qua.

Ở nhiều khu phố trên địa bàn các quận, huyện, người dân đã có ý thức hơn về bảo vệ môi trường xung quanh. Tại phường Bình Long (quận 9), một số tuyến đường trong khu dân cư được người dân vẽ tranh cổ động tuyên truyền phân loại rác tại nguồn. Hay như ở khu phố 1 (phường 8, quận 11), người dân tham gia vệ sinh đường phố, hưởng ứng phong trào “Vì thành phố văn minh, sạch đẹp, an toàn”. Còn tại quận 12, các đoàn viên, thanh niên và người dân tích cực tham gia những buổi “Chủ nhật xanh”, giữ gìn xanh - sạch - đẹp cho từng khu phố, con hẻm...

Là địa phương có nhiều chuyển biến trong công tác bảo vệ môi trường khu dân cư, quận 11 đã giải quyết kịp thời và hiệu quả 100% phản ánh, ý kiến đóng góp về vệ sinh môi trường của người dân. Phó Chủ tịch UBND quận 11 Trương Quốc Cương cho biết, việc triển khai hệ thống tiếp nhận, xử lý ý kiến của người dân qua tin nhắn, chụp ảnh, thư điện tử và điện thoại về tình trạng xả rác ra đường, kênh rạch đạt hiệu quả tích cực.

Theo số liệu từ Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Hồ Chí Minh, qua 1 năm triển khai cuộc vận động “Người dân thành phố Hồ Chí Minh không xả rác ra đường và kênh rạch, vì thành phố sạch và giảm ngập nước”, toàn thành phố có hơn 2.000 công trình, mô hình, giải pháp bảo vệ môi trường hiệu quả và từng bước được nhân rộng, góp phần xây dựng thành phố có chất lượng sống ngày một tốt hơn.

Xây dựng ý thức tự giác trong cộng đồng

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hồ Long Phi, nguyên Viện trưởng Viện Nước và Biến đổi khí hậu (Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh), hiện vẫn còn một bộ phận người dân chưa có ý thức bảo vệ môi trường và việc thay đổi ý thức, hành vi, thói quen cần kiên trì, lâu dài. Vì vậy, ngoài việc đẩy mạnh tuyên truyền, thành phố cần lắp đặt hệ thống camera để giám sát, kiểm tra, nhắc nhở, cảnh báo và phạt nguội những hành vi vi phạm; xây dựng ý thức tự nguyện, tự giác trong cộng đồng dân cư... để biến phong trào bảo vệ môi trường thành thói quen của mỗi người dân.

Bà Đỗ Thị Diễm Thúy, Phó Trưởng phòng Xử lý rác thải rắn (Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Hồ Chí Minh) cho biết, thành phố sẽ tiếp tục thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn phù hợp với công nghệ xử lý. Còn ông Trần Nguyên Hiền, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Hồ Chí Minh) cho hay, để giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường tại các khu dân cư, thành phố sẽ tiếp tục triển khai việc di dời các cơ sở sản xuất không phù hợp, gây ô nhiễm. Đồng thời, đầu tư các thiết bị quan trắc tự động về không khí, nước thải để đưa ra những cảnh báo sớm nhất cho người dân và có biện pháp xử lý kịp thời.

Về vấn đề này, ông Cao Tung Sơn, Giám đốc Trung tâm Quan trắc tài nguyên và môi trường thành phố Hồ Chí Minh thông tin thêm, theo đề án phát triển tổng thể mạng lưới quan trắc chất lượng môi trường tầm nhìn đến năm 2030 do Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Hồ Chí Minh thực hiện, hạng mục đầu tư hệ thống quan trắc tự động sẽ có thiết bị hiện đại trị giá gần 500 tỷ đồng, luôn cập nhật chỉ số về môi trường để cảnh báo cho người dân hiệu quả. 

Để công tác bảo vệ môi trường trở thành ý thức và thói quen trong mỗi cá nhân và tổ chức, Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong yêu cầu các sở, ngành và UBND các quận, huyện, giải quyết dứt điểm ô nhiễm môi trường và rác thải tại địa phương; có kế hoạch kiểm tra, giám sát thường xuyên nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Đặc biệt, cần đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cộng đồng dân cư, doanh nghiệp về việc chấp hành quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

Theo báo cáo của UBND thành phố Hồ Chí Minh, toàn thành phố hiện có hơn 1,3 triệu hộ dân đăng ký không xả rác bừa bãi. Thành phố đã trang bị thêm gần 33.000 thùng rác; lắp đặt thêm 8.316 camera an ninh kết hợp với giám sát về vệ sinh môi trường. 100% quận, huyện có hệ thống tiếp nhận và xử lý thông tin phản ánh về vệ sinh môi trường. Đặc biệt, có 517/600 điểm ô nhiễm, điểm đen về rác thải đã được xử lý.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vì thành phố Hồ Chí Minh xanh, sạch: Nhiều sáng kiến, giải pháp hiệu quả

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.