Theo dõi Báo Hànộimới trên

Công tác bảo đảm an toàn thực phẩm: Vẫn còn nhiều việc phải làm

Xuân Lộc| 06/07/2020 06:49

(HNM) - Theo UBND thành phố Hà Nội, trong quý II-2020, thành phố đã nghiêm túc triển khai thực hiện Chỉ thị 13/CT-TTg ngày 9-5-2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm. Nhờ đó, công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn Hà Nội đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, để duy trì kết quả đạt được vẫn còn nhiều việc phải làm.

Lực lượng chức năng kiểm tra về an toàn thực phẩm tại một cơ sở sản xuất bánh ngọt trên địa bàn quận Hai Bà Trưng.

Tổ chức hơn 800 đoàn thanh tra, kiểm tra

An toàn thực phẩm là một trong những vấn đề được thành phố đặc biệt quan tâm. Do đó, thành phố đã nhanh chóng kiện toàn Ban Chỉ đạo công tác an toàn thực phẩm, phân công, phân cấp quản lý, nhất là gắn trách nhiệm của người đứng đầu các cấp. Hằng tuần, các đồng chí phó chủ tịch UBND cấp quận, huyện; chủ tịch hoặc phó chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn trực tiếp kiểm tra an toàn thực phẩm.

Trong quý II-2020, thành phố đã tổ chức hơn 800 đoàn thanh tra, kiểm tra về an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Số cơ sở được thanh tra, kiểm tra là 27.727 lượt, trong đó phát hiện, phạt tiền 1.905 cơ sở vi phạm với tổng số tiền phạt hơn 6,9 tỷ đồng.

Tiến sĩ Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội đánh giá, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và thực hiện giãn cách xã hội nên các cơ sở dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố tạm dừng hoạt động. Còn các cơ sở kinh doanh thực phẩm khác hoạt động cầm chừng nên ảnh hưởng tới kế hoạch thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm. Dù vậy, công tác thanh tra, kiểm tra cũng đã tạo sự chuyển biến tích cực trong việc tuân thủ các quy định về an toàn thực phẩm của các cơ sở kinh doanh. Nhiều cơ sở đã đầu tư trang thiết bị mới, đồng bộ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh... 

Cùng với hoạt động tăng cường thanh tra, kiểm tra, thành phố không ngừng mở rộng kênh phân phối tiêu thụ nông sản, thực phẩm an toàn thông qua siêu thị, cửa hàng tiện ích... Xây dựng và phát triển được 786 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, tăng 20 chuỗi so với năm 2019.

Thành phố cũng đã xây dựng hệ thống minh bạch thông tin, truy xuất nguồn gốc điện tử sử dụng mã QR code để hỗ trợ người tiêu dùng đồng thời giúp cơ quan chức năng dễ dàng giám sát nguồn gốc hàng hóa hơn. Qua đó đã quản lý, cấp mã tài khoản quản trị cho 2.506 cơ sở, hợp tác xã, doanh nghiệp, cửa hàng sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn trên địa bàn thành phố. Cũng trong thời gian này, toàn thành phố đã cấp được 301 giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm…

Thay đổi nhận thức và thói quen của người dân

Trong quý II-2020, đường dây nóng của các ngành: Y tế, Nông nghiệp, Công Thương không nhận được thông tin phản ánh về tình trạng mất an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố. Tuy nhiên, trong tháng 4 và 5-2020, trên địa bàn thành phố xảy ra 1 vụ ngộ độc rượu do methanol (cồn công nghiệp) với 12 người mắc, 3 người tử vong tại xã Kiêu Kỵ (huyện Gia Lâm) và 1 vụ ngộ độc thực phẩm tại Công ty TNHH Cao su Inoue Việt Nam (huyện Mê Linh) với 29 người mắc, không có trường hợp tử vong. Điều đó cho thấy, tình trạng vi phạm an toàn thực phẩm vẫn diễn ra, gây lo lắng, bức xúc trong nhân dân, rất cần sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan chức năng, chính quyền địa phương.

Tiến sĩ Nguyễn Khắc Hiền cho rằng, trong thời gian tới, thành phố sẽ đẩy mạnh kiểm nghiệm, giám sát, hậu kiểm việc thực hiện các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm. Cụ thể, tập trung vào cơ sở sản xuất, kinh doanh nước uống đóng chai, cơ sở dịch vụ phục vụ đồ ăn chay, bếp ăn tập thể khu công nghiệp và trường học…, đồng thời kiên quyết xử lý vi phạm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Mặt khác, yêu cầu các cơ sở công khai giấy chứng nhận, cam kết an toàn thực phẩm và địa chỉ cơ sở cung cấp nguyên liệu nguồn gốc thực phẩm. Cùng với đó, thành phố tập trung xây dựng các mô hình điểm, chuyên đề về an toàn thực phẩm; phát triển vùng sản xuất an toàn, chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ an toàn; kiểm soát kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố.

Còn ông Trần Văn Chung, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho rằng, một bộ phận người tiêu dùng còn dễ dãi trong việc lựa chọn thực phẩm, chưa phản ánh với cơ quan quản lý và tẩy chay các cơ sở kinh doanh thực phẩm không an toàn. Đặc biệt, đa số người tiêu dùng chưa biết hoặc không thường xuyên sử dụng công nghệ thông tin như điện thoại thông minh để kiểm chứng nguồn gốc thực phẩm, nên việc truy xuất nguồn gốc thực phẩm còn hạn chế.

“Công tác bảo đảm an toàn thực phẩm là việc lâu dài, đòi hỏi sự kiên trì, quyết liệt. Chúng ta không chỉ tăng cường năng lực quản lý nhà nước mà còn phải làm thay đổi nhận thức và thói quen của người dân”, ông Trần Văn Chung nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Công tác bảo đảm an toàn thực phẩm: Vẫn còn nhiều việc phải làm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.