Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đưa công tác kiểm soát an toàn thực phẩm vào “quỹ đạo”

Thu Trang| 21/10/2020 06:57

(HNM) - Trong 5 năm triển khai phong trào thi đua “An toàn thực phẩm” giai đoạn 2016-2020, Hà Nội đã xây dựng và tổ chức hiệu quả nhiều mô hình hay trong quản lý an toàn thực phẩm. Những mô hình này đã góp phần đưa công tác kiểm soát an toàn thực phẩm dần đi vào “quỹ đạo”.

Đoàn kiểm tra của Sở Y tế Hà Nội kiểm tra công tác bảo đảm an toàn thực phẩm tại một khách sạn trên địa bàn quận Nam Từ Liêm. Ảnh: Trang Thu

Những mô hình hay, cách làm hiệu quả

Tại Hà Nội, số cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm rất lớn và ngày càng tăng. Nếu như năm 2016, toàn thành phố có 59.109 cơ sở, thì đến năm 2020 đã tăng lên 83.712 cơ sở. Với số lượng lớn như vậy, nguy cơ mất an toàn thực phẩm luôn hiện hữu. Từ năm 2016 đến nay, toàn thành phố đã kiểm tra được 520.506 lượt cơ sở, xử phạt 31.065 cơ sở vi phạm với tổng số tiền hơn 134,8 tỷ đồng, trong đó khởi tố 12 vụ với 14 bị can về hành vi sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả, kém chất lượng...

Cùng với việc tăng cường công tác kiểm tra, xử lý vi phạm, ngành Y tế Thủ đô đã xây dựng và triển khai 2 chương trình, hoạt động để kiểm soát an toàn thực phẩm. Thứ nhất, tăng cường năng lực hệ thống kiểm nghiệm chất lượng thực phẩm. Thứ hai, phòng, chống ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm thông qua việc xây dựng các mô hình. Đặc biệt, từ năm 2016, Hà Nội đã triển khai thí điểm mô hình kiểm soát an toàn thực phẩm bữa cỗ đông người tại hai huyện Thanh Oai, Phú Xuyên. Từ năm 2010 đến đầu năm 2016, tại huyện Phú Xuyên xảy ra 4 vụ ngộ độc thực phẩm, 87 người bị ngộ độc tại các bữa cỗ cưới, cỗ giỗ với nguyên nhân chủ yếu do vi sinh vật. “Thế nhưng, từ khi triển khai thí điểm mô hình kiểm soát an toàn thực phẩm tại bữa cỗ tập trung đông người, chúng tôi đều đến giám sát từ nơi nhập nguyên liệu đầu vào, khu chế biến, khu vực tổ chức ăn uống, thậm chí hướng dẫn gia đình bảo quản, lưu mẫu thức ăn. Nhờ đó, ý thức chấp hành các quy định, điều kiện về bảo đảm an toàn thực phẩm của các hộ gia đình được nâng lên rõ rệt”, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Phú Xuyên Tiêu Ngọc Chiến chia sẻ.

Theo bà Lê Thị Hằng, Trưởng phòng Chuyên môn nghiệp vụ (Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội), từ năm 2017, thành phố đã nhân rộng mô hình kiểm soát bữa cỗ tập trung đông người tại quận Long Biên và huyện Quốc Oai. Đến năm 2019, mô hình này tiếp tục được duy trì và nhân rộng tại 15 quận, huyện, thị xã: Thanh Oai, Phú Xuyên, Quốc Oai, Long Biên, Chương Mỹ, Sóc Sơn, Thường Tín, Phúc Thọ, Thanh Trì, Sơn Tây, Ba Vì, Đan Phượng, Đông Anh, Gia Lâm, Ứng Hòa. Trong năm 2020, thành phố tiếp tục xây dựng kế hoạch triển khai mô hình kiểm soát an toàn thực phẩm bữa cỗ tập trung đông người tại 240 xã, phường thuộc 20 quận, huyện, thị xã. Nhờ mô hình này, từ năm 2016 đến nay, trên địa bàn thành phố không xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm tại bữa cỗ đông người.

Cùng với đó, hơn 2 năm qua, Hà Nội đã xây dựng thí điểm mô hình “Tuyến phố an toàn thực phẩm có kiểm soát” tại 14 tuyến phố của 12 quận, huyện với tổng số 508 cơ sở, tỷ lệ các tiêu chí an toàn thực phẩm, đạt từ 80,7% đến 100%. Từ khi được gắn biển “Tuyến phố an toàn thực phẩm có kiểm soát”, diện mạo của những tuyến phố, như Duy Tân (phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy); phố Nguyễn Sơn, chợ ẩm thực Ngọc Lâm (phường Ngọc Lâm, quận Long Biên); phố Hàm Nghi (phường Cầu Diễn, quận Nam Từ Liêm)… đã thay đổi rõ rệt, các nhà hàng ăn uống đều khang trang, lịch sự.

Ông Nguyễn Quốc Tuấn, Phó Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội cho biết, ở đầu và cuối tuyến phố triển khai được gắn biển “Tuyến phố an toàn thực phẩm có kiểm soát”. Các cơ sở dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố khi tham gia mô hình này đã niêm yết công khai giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, địa chỉ nguồn gốc nguyên liệu chế biến thực phẩm...

Cần ý thức, trách nhiệm của cả ba bên

Để những mô hình kiểm soát an toàn thực phẩm tiếp tục phát huy hiệu quả, ông Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế, Phó Trưởng ban Chỉ đạo công tác an toàn thực phẩm thành phố Hà Nội cho rằng, cần ý thức, trách nhiệm của cả ba bên: Cơ quan quản lý, hộ kinh doanh, người tiêu dùng. Cơ quan quản lý phải vào cuộc quyết liệt hơn nữa, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm, thậm chí rút giấy chứng nhận bảo đảm đủ điều kiện an toàn thực phẩm và công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đối với hộ kinh doanh, cần tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm, người tiêu dùng nên lựa chọn những cơ sở được cấp giấy chứng nhận, được gắn biển kiểm soát an toàn thực phẩm.

Còn theo ông Trần Văn Chung, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, thời gian tới, thành phố tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, hậu kiểm và xử lý nghiêm, kể cả về xử lý hình sự các tổ chức, cá nhân vi phạm nghiêm trọng các quy định về an toàn thực phẩm, gây ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng. Đặc biệt, cơ quan chức năng sẽ chú trọng thanh tra, kiểm tra các cơ sở cung cấp thực phẩm cho nhiều người, cơ sở dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, điểm giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ…

Theo ông Nguyễn Khắc Hiền, phong trào thi đua “An toàn thực phẩm” trong giai đoạn 2021-2025 sẽ tập trung phát triển các vùng sản xuất, kết nối tiêu thụ thực phẩm an toàn, song song với việc thúc đẩy, khuyến khích các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm áp dụng quy trình quản lý chất lượng tiên tiến, các mô hình sản xuất thực phẩm theo chuỗi, hệ thống phân phối thực phẩm an toàn. Bên cạnh đó là tăng cường hợp tác với các tỉnh, thành phố, kết nối tiêu thụ thực phẩm an toàn, đặc sản vùng, miền phục vụ người tiêu dùng Thủ đô…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đưa công tác kiểm soát an toàn thực phẩm vào “quỹ đạo”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.