Theo dõi Báo Hànộimới trên

Quản lý chặt thực phẩm tự chế biến

Kim Vũ| 05/01/2021 06:21

(HNM) - Thời điểm cận Tết, từ gánh hàng rong, cửa hàng tạp hóa, chợ dân sinh đến các trang mạng xã hội... đâu đâu cũng bắt gặp hình ảnh bán thực phẩm do người bán tự chế biến (handmade). Đáng nói, hầu hết những sản phẩm này không được kiểm tra chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Thực trạng này đòi hỏi cơ quan chức năng tiếp tục tăng cường các biện pháp để quản lý chặt chẽ việc sản xuất và lưu thông mặt hàng thực phẩm handmade.

Khách hàng nên cân nhắc kỹ trước khi chọn mua thực phẩm tự chế biến bán trên mạng xã hội. Ảnh: Đỗ Tâm

Tràn lan thực phẩm handmade

Tại một đại lý bánh kẹo, đồ ăn sẵn trên phố Phú Diễn (quận Bắc Từ Liêm), phóng viên Báo Hànộimới chứng kiến người tiêu dùng có thể dễ dàng mua các loại gà khô, bò khô với giá "hời", như 200g thịt bò khô giá 50.000 đồng; 100g gà khô 20.000 đồng; bánh bông lan có bao bì đẹp mắt nhưng không tên hãng, không rõ nguồn gốc. Ở chợ Xanh (quận Cầu Giấy), phóng viên gặp chị Nguyễn Thị Hằng - một người bán bánh sầu riêng handmade, cho biết, bánh do chị tự tay chọn nguyên liệu và làm theo công thức gia truyền nên khách hàng có thể yên tâm. Tuy vậy, sản phẩm chưa được cơ quan chức năng nào thẩm định, đánh giá chất lượng.

Tương tự, tại các chợ dân sinh, chợ tạm cũng dễ dàng bắt gặp những quầy hàng bán mắm tép chưng thịt, chả cá chiên, xúc xích, lạp xưởng tự làm. Chị Lê Thị Hoa, nhà ở phố Nguyễn Quý Đức (quận Thanh Xuân) cho hay: "Trước cổng chợ Thanh Xuân Bắc thường có những quầy hàng nhỏ bán chả cá chiên sẵn, hay xúc xích tự làm. Cảm thấy thực phẩm tươi, ngon nên người tiêu dùng vẫn mua, ít quan tâm đến nguồn gốc".

Đáng nói, việc bán hàng handmade trên mạng xã hội Facebook, Zalo… hiện cũng rất phổ biến. Chỉ cần gõ từ khóa "thực phẩm handmade" thì có hàng chục mặt hàng hiện ra. Tại trang bán hàng Facebook “Đồ ăn Handmade”, hàng chục món ăn như chả nấm, cốt lẩu thái, chả bề bề viên... được quảng cáo không chất bảo quản, phụ gia. Hoặc trang Facebook “Xóm ăn đêm” có hàng chục sản phẩm gà ri hun khói, chân gà ngũ vị…

Thực tế đã có những câu chuyện dở khóc, dở cười bởi đồ ăn handmade. Chị Trần Thị Kim, nhà ở đường Láng Hạ (quận Đống Đa) cho biết, sau khi mua bánh bao của người quen, chị phát hiện nhân bánh cứng, khi ăn thử thì bánh bị chua. Còn theo anh Trần Quang Dũng, ở đường Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân), một lần đặt gà khô trên mạng, nhìn vỏ bên ngoài rất bắt mắt nhưng khi mở bên trong thì có lẫn sợi gà có dấu hiệu bị mốc, anh không dám sử dụng. Còn nhiều tình huống gây khó chịu cho khách hàng nhưng đa số đều "ngậm bồ hòn làm ngọt".

Trao đổi về vấn đề này, Trưởng phòng Y tế quận Nam Từ Liêm Nguyễn Anh Tuấn thừa nhận, việc quản lý các cơ sở kinh doanh, chế biến mang tính thời vụ, bán hàng handmade đang bị buông lỏng hoặc chưa tới nơi tới chốn. Đây là nguyên nhân căn bản khiến thực phẩm handmade bày bán tràn lan, khó kiểm soát.

Tăng cường kiểm tra, kiểm soát

Thực phẩm tự chế biến bày bán ở một cửa hàng tạp hóa tại phố Phú Diễn (quận Bắc Từ Liêm).

Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho rằng, đa số cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm handmade chưa đăng ký sản phẩm với cơ quan quản lý nhà nước. Tuy nhiên, do thói quen, vẫn có người tiêu dùng mua hàng handmade mà ít quan tâm đến nguồn gốc xuất xứ hay thương hiệu. Đã đến lúc, người tiêu dùng cần có nhận thức đúng, lựa chọn hàng đủ tiêu chuẩn và tẩy chay sản phẩm không bảo đảm an toàn.

Dưới góc độ quản lý nhà nước, để giám sát chặt chẽ nhằm ngăn chặn thực phẩm "bẩn" từ gốc, vai trò quan trọng thuộc về chính quyền cơ sở. Theo Trưởng phòng Kinh tế quận Thanh Xuân Lê Công Bao, UBND các phường phải nâng cao trách nhiệm quản lý việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm handmade. Còn Trưởng phòng Y tế quận Nam Từ Liêm Nguyễn Anh Tuấn cho biết, quận sẽ yêu cầu tổ công tác về bảo đảm an toàn thực phẩm của các phường phải có phương án kiểm tra đột xuất, lấy mẫu xét nghiệm một số sản phẩm handmade để truy xuất nguồn gốc, gửi mẫu về Khoa An toàn thực phẩm thuộc Trung tâm Y tế quận xét nghiệm. Các phường cũng cần tăng cường tổ chức tập huấn và hướng dẫn các hộ ký cam kết bảo đảm an toàn thực phẩm khi làm và bán đồ handmade.

Để tăng cường công tác quản lý thực phẩm dịp Tết, ngày 8-12-2020, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 238/KH-UBND về bảo đảm an toàn thực phẩm phục vụ Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Tân Sửu và lễ hội Xuân 2021. Trong đó, từ ngày 15-12-2020 đến 25-3-2021, các đoàn thanh tra, kiểm tra của thành phố và các quận, huyện, thị xã sẽ tập trung kiểm tra các cơ sở thực phẩm, dịch vụ ăn uống... để ngăn chặn từ gốc thực phẩm "bẩn".

Về vấn đề này, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội Trần Việt Hùng cho biết, trước, trong và sau Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, đơn vị sẽ phối hợp với các địa phương và lực lượng chức năng tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý vi phạm trong hoạt động thương mại. Công tác kiểm tra, kiểm soát tập trung vào việc sản xuất, buôn bán hàng hóa không bảo đảm chất lượng, vi phạm an toàn thực phẩm và gian lận thương mại; các mặt hàng thiết yếu, có nhu cầu tiêu dùng lớn trong dịp Tết ở các chợ, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quản lý chặt thực phẩm tự chế biến

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.