Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bảo vệ ''chiến binh'' tuyến đầu chống dịch

Thu Trang| 09/03/2021 06:14

(HNM) - Ngày 8-3, có 4 cơ sở y tế đầu tiên tại tỉnh Hải Dương, Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, gồm: Trung tâm Y tế thành phố Hải Dương, Trung tâm Y tế huyện Kim Thành, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cơ sở 2 và Bệnh viện Bệnh nhiệt đới thành phố Hồ Chí Minh triển khai tiêm vắc xin phòng Covid-19. Như vậy, những "chiến binh" trên tuyến đầu chống dịch được trang bị thêm một hệ thống "giáp" bảo vệ cơ thể chống lại sự xâm nhập của vi rút.

Tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho nhân viên y tế tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cơ sở 2 (huyện Đông Anh). Ảnh: Đỗ Tâm

Quy trình tiêm diễn ra chặt chẽ

Theo ghi nhận của phóng viên Báo Hànộimới tại điểm tiêm của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cơ sở 2 (xã Kim Chung, huyện Đông Anh), ngay từ đầu giờ sáng 8-3 rất đông phóng viên trong nước và quốc tế đã có mặt. Đoàn công tác của Bộ Y tế do Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cùng đại diện của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tại Việt Nam đã có mặt để giám sát, kiểm tra quy trình tiêm.

Bác sĩ Vũ Minh Điền, Phó Giám đốc Trung tâm Tiêm chủng (Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương) cho biết, để bảo đảm an toàn và đạt hiệu quả cao, bệnh viện đã bố trí phòng tiêm chủng theo quy tắc một chiều, với 3 bàn tiêm trang bị đầy đủ các phương tiện cần thiết nhằm theo dõi sát người được tiêm.

Đúng 8h ngày 8-3, lô vắc xin Covid-19 của AstraZeneca được chuyển từ xe chuyên dụng của Hệ thống tiêm chủng VNVC (Công ty cổ phần Vắc xin Việt Nam) vào khu vực bảo quản của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cơ sở 2. Sau khi hoàn tất công tác khám sàng lọc, điều dưỡng Vũ Thị Thanh Thư (Khoa Nội tổng hợp của bệnh viện) là người được tiêm mũi vắc xin ngừa Covid-19 đầu tiên. Khi tiêm xong, nữ điều dưỡng này được đưa vào phòng theo dõi. Hơn 1 giờ sau tiêm, sức khỏe của chị Thư hoàn toàn 
bình thường.

Cũng là một trong những "chiến binh" trên tuyến đầu chống dịch được tiêm lần này, bác sĩ Lê Văn Xuân (Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cơ sở 2) gửi lời cảm ơn tới Bộ Y tế đã dành những mũi tiêm phòng Covid-19 đầu tiên cho lực lượng y bác sĩ dù lượng vắc xin hiện còn hạn chế. “Người dân hãy tin tưởng vào vắc xin, tham gia chiến dịch này để khống chế dịch Covid-19 trong thời gian sớm nhất”, bác sĩ Lê Văn Xuân nói.

Sau khi trực tiếp kiểm tra công tác chuẩn bị và quá trình tiêm, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn đánh giá, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cơ sở 2 đã triển khai tốt công tác tiêm chủng. Các khâu từ chuẩn bị đến triển khai tiêm bảo đảm hoàn chỉnh, chặt chẽ. Những nhân viên y tế được tiêm đầu tiên đều tuân thủ quy trình tiêm chủng theo quy định. Hiện tại, chưa có trường hợp nào gặp phản ứng bất lợi sau tiêm.

Tính đến hết ngày 8-3, tổng cộng cả nước đã thực hiện tiêm vắc xin ngừa Covid-19 cho 377 cán bộ, nhân viên y tế. Cụ thể, tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cơ sở 2 đã tiêm cho 66 người; Bệnh viện Bệnh nhiệt đới thành phố Hồ Chí Minh đã tiêm cho 104 người. Tại hai điểm tiêm của tỉnh Hải Dương là Trung tâm Y tế thành phố Hải Dương và Trung tâm Y tế huyện Kim Thành đã tiêm cho 207 người. Hoạt động tiêm chủng tại cả 4 điểm tiêm chủng trong ngày đầu tiên đều diễn ra an toàn. 100% số người được tiêm chưa ghi nhận phản ứng sau tiêm.

Nhân viên y tế của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cơ sở 2 (huyện Đông Anh) làm thủ tục trước khi tiêm vắc xin phòng Covid-19. Ảnh: Nguyễn Quang

Bảo đảm tiêm vắc xin an toàn

Theo kế hoạch của Bộ Y tế, trong tổng số 117.600 liều vắc xin Covid-19 đầu tiên của AstraZeneca nhập về Việt Nam được phân bổ cho 13 Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, Trung tâm Y tế dự phòng của 13 tỉnh, thành phố có ca bệnh; Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và 21 cơ sở điều trị Covid-19.

Bà Rana Flowers, Trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam cho biết, UNICEF hỗ trợ Việt Nam có được vắc xin Covid-19 chất lượng thông qua chương trình Covax Facility (Giải pháp tiếp cận vắc xin phòng Covid-19 toàn cầu), bảo đảm Việt Nam có khoảng 20% dân số được tiêm chủng. Dự kiến, trong hai tháng 3 và 4-2021 sẽ có khoảng 4 triệu liều vắc xin Covid-19 về đến Việt Nam.

Còn ông Kidong Park, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam cho hay, vắc xin Covid-19 sử dụng trong chiến dịch này được khẳng định an toàn và hiệu quả. “WHO sẽ đồng hành cùng Việt Nam đưa ra chiến dịch tiêm vắc xin an toàn với người dân để cùng chung tay đẩy lùi dịch bệnh”, ông Kidong Park nhấn mạnh.

PGS.TS Trần Đắc Phu, cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho rằng, quan điểm của Chính phủ là toàn dân sẽ được tiêm vắc xin Covid-19. Hiện nay, do phụ thuộc vào số lượng vắc xin, nên phải ưu tiên cho những đối tượng nguy cơ cao trước. “Sau tiêm vắc xin, chưa hẳn đã có miễn dịch ngay, nên vẫn phải áp dụng biện pháp phòng dịch như thực hiện thông điệp “5K” (khẩu trang - khử khuẩn - khoảng cách - không tập trung - khai báo y tế), PGS.TS Trần Đắc Phu nhấn mạnh.

Với các địa phương chưa được phân bổ vắc xin, theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, cần tiếp tục chuẩn bị kế hoạch, các chương trình đào tạo tập huấn. Ngay khi có vắc xin, Bộ Y tế sẽ phân bổ để triển khai tiêm kịp thời.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bảo vệ ''chiến binh'' tuyến đầu chống dịch

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.