Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ là nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết

Dạ Khánh| 13/06/2021 06:26

(HNM) - Cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ là nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết, nên Thành ủy Hà Nội đã quyết định thành lập Ban Chỉ đạo cải tạo chung cư cũ trên địa bàn thành phố. Trước những khó khăn, vướng mắc trong thời gian qua, thành phố sẽ có cách làm mới để thúc đẩy việc này. Phóng viên Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với ông Võ Nguyên Phong, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội - Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo cải tạo chung cư cũ trên địa bàn thành phố về vấn đề này.

Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Võ Nguyên Phong.

Nhiều vướng mắc trong cải tạo chung cư cũ

- Thời gian qua, việc cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ khá ì ạch. Đâu là nguyên nhân khiến công tác này gặp khó khăn, thưa ông?

- Trong tổng số 1.579 chung cư cũ trên địa bàn thành phố, đến nay mới có 32 chung cư cũ được cải tạo, xây dựng mới. Trong đó, có 18 dự án đã hoàn thành, đưa vào sử dụng; 14 dự án đang triển khai. Thực tế, việc cải tạo, xây dựng mới các chung cư cũ gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Cụ thể, Nghị định số 101/2015/NĐ-CP của Chính phủ (ngày 20-10-2015) về cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ quy định phải kiểm định toàn bộ chung cư cũ mới đưa vào kế hoạch cải tạo, xây dựng lại. Tuy nhiên, số lượng chung cư cũ trên địa bàn thành phố khá lớn, đan xen sở hữu, thiếu hồ sơ tài liệu, hiện trạng căn hộ thay đổi... dẫn đến khó khăn trong việc kiểm định và lập kế hoạch cải tạo, xây dựng lại. Bên cạnh đó, quy định cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư phải được triển khai theo nguyên tắc toàn khu mà không thực hiện phân kỳ đầu tư là không khả thi.

Ngoài ra, quy định còn thiếu cụ thể về bố trí kinh phí kiểm định đối với diện tích nhà chung cư cũ không thuộc sở hữu nhà nước; về vai trò của Nhà nước trong lập quy hoạch chi tiết cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ; về các hình thức lựa chọn chủ đầu tư; phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư; về tạo lập quỹ nhà tạm cư khi phá dỡ, cải tạo, xây dựng lại. Hình thức quy gom đối với chung cư độc lập, đơn lẻ trong khu vực nội đô lịch sử cũng chưa được nghiên cứu và đưa vào quy định pháp luật. Đồng thời, việc phân công các cơ quan, đơn vị thực hiện cũng chưa cụ thể.

- Các chung cư cũ trên địa bàn thành phố đang ngày càng xuống cấp, gây mất an toàn, do đó rất cần sớm được xây dựng lại. Giai đoạn 2021-2025, Hà Nội đặt chỉ tiêu cải tạo, xây dựng lại 2-3 khu chung cư cũ và chuẩn bị triển khai các khu còn lại. Vậy, nhiệm vụ cụ thể được thành phố đặt ra trong giai đoạn này là gì, thưa ông?

- Trong giai đoạn 2021-2025, thành phố đã đặt ra một số nhiệm vụ nhằm đẩy nhanh tiến độ và tính khả thi trong việc cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ, đó là: Tập trung hoàn thành tổng kiểm tra, rà soát, kiểm định, đánh giá chất lượng toàn bộ các chung cư cũ bằng nguồn vốn ngân sách; lập kế hoạch cải tạo, xây dựng lại các chung cư cũ giai đoạn 2021-2025 đối với các chung cư cũ đã có kết quả kiểm định. Thành phố giao nhiệm vụ cho Sở Quy hoạch - Kiến trúc nghiên cứu, xây dựng kế hoạch lập đồ án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ bằng nguồn vốn ngân sách; trong đó, ưu tiên cải tạo, xây dựng lại trước với 5 khu nhà nguy hiểm cấp D, là cấp nguy hiểm cao nhất, gồm: Giảng Võ, Thành Công, Ngọc Khánh, tập thể Bộ Tư pháp (phố Phan Kế Bính), nhà số 148-150 Sơn Tây đều trên địa bàn quận Ba Đình.

Cùng với đó, Sở Xây dựng đã tham mưu UBND thành phố chủ trương cải tạo, xây dựng lại các chung cư cũ kết hợp chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị; từ đó tái thiết các khu vực lõi của đô thị, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, bảo đảm phát triển bền vững, hài hòa lợi ích của các bên và có cơ chế, chính sách ưu đãi để huy động tối đa nguồn lực xã hội tham gia cải tạo, xây dựng lại các chung cư cũ.

Xác định vai trò chủ đạo của Nhà nước

- Trước các bất cập, vướng mắc nêu trên, xin ông cho biết thành phố sẽ có cách làm mới như thế nào để thúc đẩy thực hiện cải tạo, xây dựng lại các chung cư cũ trong thời gian tới?

- Thành phố đang phối hợp chặt chẽ với Bộ Xây dựng trong việc tham mưu sửa đổi Nghị định số 101/2015/NĐ-CP để đề xuất tháo gỡ những vướng mắc, hạn chế, cũng như xác định vai trò chủ đạo của Nhà nước về: Tổng rà soát, kiểm tra, kiểm định chất lượng nhà chung cư cũ; lập, phê duyệt quy hoạch chi tiết và xác định phạm vi ranh giới dự án ngay khi lập trình duyệt quy hoạch làm cơ sở lựa chọn chủ đầu tư… Những nội dung góp ý đã được Bộ Xây dựng thống nhất đưa vào dự thảo nghị định thay thế Nghị định số 101/2015/NĐ-CP.

Trong thời gian chờ nghị định thay thế Nghị định số 101/2015/ NĐ-CP ban hành, thành phố đã xây dựng “Đề án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn thành phố Hà Nội”, trong đó đề xuất cấp có thẩm quyền tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, cho phép thực hiện phù hợp với đặc thù Hà Nội.

Bên cạnh đó, thành phố xác định việc cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ là thực hiện “cải tạo, chỉnh trang, tái thiết đô thị và tái định cư”. Định hướng giải pháp quy hoạch nghiên cứu áp dụng phân làm 3 mô hình cấp độ: Khu chung cư cũ (quy mô lập đồ án quy hoạch chi tiết); nhóm chung cư cũ (quy mô lập tổng mặt bằng); tập hợp các nhà chung cư cũ (quy mô lập tổng mặt bằng đối với chung cư độc lập, đơn lẻ). Đề án nghiên cứu, xây dựng cơ chế chính sách cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn thành phố Hà Nội cũng nghiên cứu thực hiện giải pháp phương thức quy gom tái định cư tại các khu vực địa bàn phường, quận, quận lân cận để cân đối tài chính, bảo đảm tính khả thi của dự án.

- Mới đây, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo cải tạo chung cư cũ trên địa bàn thành phố. Việc này có ý nghĩa như thế nào trong việc cải tạo chung cư cũ, thưa ông?

- Thành ủy, HĐND, UBND thành phố đã xác định cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ đã xuống cấp, nguy hiểm là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, nhằm bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản, ổn định đời sống nhân dân. Việc thành lập Ban Chỉ đạo cải tạo chung cư cũ trên địa bàn thành phố đã xác định rõ vai trò chủ đạo của Nhà nước trong việc quản lý, cải tạo, chỉnh trang, tái thiết đô thị cũ.

Triển khai chỉ đạo của Thành ủy, Sở Xây dựng đã tham mưu trình Ban Chỉ đạo ban hành Quy chế hoạt động và phân công cụ thể đối với các thành viên Ban Chỉ đạo để triển khai hiệu quả công tác cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ.

- Xin ông cho biết các công việc triển khai tiếp theo của thành phố để hiện thực hóa chủ trương, nhiệm vụ đề ra?

- Như đã nói ở trên, trong thời gian chờ nghị định thay thế Nghị định số 101/2015/NĐ-CP ban hành, thành phố đang triển khai song song xây dựng “Đề án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn thành phố Hà Nội”.

Để các giải pháp trong đề án phù hợp với thực tế, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội lấy ý kiến phản biện xã hội trước khi trình Thành ủy, HĐND thành phố thông qua. Sau khi đề án được cấp có thẩm quyền phê duyệt, Sở Xây dựng sẽ tham mưu thành phố ban hành quy định cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ để thống nhất triển khai trên toàn thành phố.

Bên cạnh đó, thành phố sẽ tập trung nguồn lực tổng kiểm tra, rà soát, kiểm định, đánh giá chất lượng toàn bộ các chung cư cũ; lập kế hoạch cải tạo, xây dựng lại các chung cư cũ giai đoạn 2021-2025 và đồ án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ. Đồng thời, tổ chức tuyên truyền, vận động tạo sự đồng thuận của người dân trong việc cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ.

- Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ là nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.