Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sự vào cuộc của doanh nghiệp là yếu tố then chốt

Thanh Hiền| 23/09/2018 06:50

(HNM) - Xác định sự vào cuộc của doanh nghiệp là một trong những yếu tố then chốt quyết định thành công của cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, TP Hà Nội đã đồng hành cùng doanh nghiệp, tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Doãn Toản.


Đặc biệt, Ban Chỉ đạo cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” TP Hà Nội tiếp tục tổ chức bình chọn “Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích” năm 2018, nhằm lựa chọn, giới thiệu tới người tiêu dùng các sản phẩm tiêu biểu của doanh nghiệp Việt Nam. Phóng viên Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với đồng chí Nguyễn Doãn Toản, Phó Chủ tịch UBND thành phố, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” TP Hà Nội về nội dung này.

Kết nối hàng Việt với người tiêu dùng

- Triển khai cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” là một trong những nhiệm vụ lớn, quan trọng của thành phố. Đồng chí có thể cho biết những kết quả đã đạt được trong thời gian qua?

- Từ đầu năm đến nay, Ban Chỉ đạo cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” TP Hà Nội đã phối hợp với UBND các cấp, các sở, ngành triển khai nhiều chương trình tuyên truyền, từng bước làm thay đổi nhận thức của cán bộ, đảng viên, doanh nghiệp và người tiêu dùng trong việc thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và sử dụng hàng Việt Nam.

Với tinh thần chỉ đạo quyết liệt, đổi mới phương thức điều hành, thành phố đã triển khai hiệu quả các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, đầu tư, sản xuất; đẩy mạnh triển khai chương trình phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực, công nghiệp hỗ trợ, phát triển thương hiệu, khuyến công, phát triển làng nghề, hỗ trợ kết nối cung - cầu hàng hóa; tổ chức các hội chợ, hội nghị giao thương, chương trình bán hàng Việt tại các quận, huyện, thị xã… giúp doanh nghiệp mở rộng thị trường, tiếp cận thị trường mới. Cùng với đó là các hoạt động kết nối ngân hàng với doanh nghiệp; gặp gỡ, đối thoại với doanh nghiệp để kịp thời có giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn.

- Bên cạnh những kết quả đã đạt được, hành trình đến với người tiêu dùng của hàng Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn, việc nắm bắt nhu cầu thực tế của người tiêu dùng còn hạn chế. Đặc biệt, một số quận, huyện chưa quan tâm đến việc triển khai cuộc vận động. Theo đồng chí, cần có giải pháp gì để khắc phục tình trạng này?

- Qua quá trình thực hiện, vẫn còn một số quận, huyện, nhất là các huyện ngoại thành chưa thực sự quan tâm, sát sao trong việc triển khai cuộc vận động. Một số doanh nghiệp chưa chú trọng bảo vệ thương hiệu, tìm tòi sáng tạo cải tiến mẫu mã, ứng dụng khoa học kỹ thuật. Tình trạng hàng giả, hàng nhái còn tồn tại.

Để cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” ngày càng đi vào chiều sâu, thành phố sẽ đổi mới công tác tuyên truyền theo hướng tôn vinh các sản phẩm, hàng hóa chất lượng cao, đấu tranh chống hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng; tập trung kết nối cung - cầu, đẩy mạnh liên kết giữa nhà sản xuất - nhà phân phối và người tiêu dùng thông qua việc tổ chức các hội chợ.

Tiếp tục rà soát, hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu các sản phẩm có thế mạnh của địa phương; tăng cường giới thiệu, kết nối để sản phẩm đi sâu vào đời sống dân cư, tạo thói quen tiêu dùng; triển khai các chương trình xúc tiến thương mại hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường; xây dựng các trang thông tin điện tử giới thiệu sản phẩm, hàng hóa.

Cùng với sự hỗ trợ của thành phố, các doanh nghiệp cần chủ động đầu tư, thay đổi công nghệ tiên tiến, áp dụng khoa học quản lý, tiết kiệm chi phí gián tiếp để nâng cao chất lượng hàng hóa, tạo sự đa dạng mẫu mã sản phẩm, giảm giá thành, coi trọng khách hàng, tăng cường quảng bá sản phẩm; chủ động đồng hành cùng các chương trình của Sở Công Thương, Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch Hà Nội đưa hàng hóa vào các siêu thị, chợ truyền thống, chuỗi cửa hàng sạch tại Hà Nội… Từng bước thực hiện tốt công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

- Hiện Việt Nam đang hội nhập sâu với quốc tế. Theo đồng chí, thời gian tới, cuộc vận động cần đặt mục tiêu thế nào để khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất những sản phẩm tốt, tạo được chỗ đứng vững chắc trong lòng người tiêu dùng?


- Lâu nay, một bộ phận người tiêu dùng có thói quen “sính ngoại”, chuộng các món hàng, dịch vụ gắn với các thương hiệu nước ngoài. Bản chất của việc “sính ngoại” là tin rằng hàng hóa ngoại nhập có chất lượng tốt hơn hàng Việt Nam. Có nghĩa là người tiêu dùng dù ở bất cứ đâu cũng đều mong muốn sử dụng những sản phẩm chất lượng, an toàn, phù hợp với điều kiện kinh tế của họ.

Tuy nhiên, hiện tâm lý “sính ngoại” cũng không còn là rào cản đối với sản phẩm, dịch vụ của các thương hiệu Việt, khi các nhà sản xuất chú tâm vào nghiên cứu nhu cầu khách hàng, nỗ lực tạo ra hàng hóa với chất lượng ngày càng tốt hơn cả về mẫu mã bao bì lẫn chất lượng sản phẩm. Điều đó cho thấy, những thương hiệu Việt đã tạo dựng được chỗ đứng vững chắc trong lòng người tiêu dùng đều bắt nguồn từ mục tiêu tạo ra những sản phẩm chất lượng, trung thực, tôn trọng khách hàng.

Phải nói, những kết quả đạt được mới chỉ là bước đầu. Để hàng Việt Nam không chỉ được người tiêu dùng trong nước, mà cả nước ngoài tin tưởng, lựa chọn, thì bản thân các doanh nghiệp Việt Nam phải đóng vai trò nòng cốt, nâng cao năng lực cạnh tranh, đẩy mạnh phát triển thương hiệu, luôn đặt chữ “tín” lên hàng đầu, nghiêm túc thực thi cam kết đưa ra những sản phẩm bảo đảm chất lượng, thông tin công khai, minh bạch, mẫu mã đẹp, bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Đây chính là cơ sở, nền tảng vững chắc, bảo đảm sự phát triển bền vững của mỗi doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp cạnh tranh lành mạnh trước đối thủ trên thị trường trong nước và quốc tế.

Doanh nghiệp được hưởng nhiều ích lợi


- Đây là năm thứ 9 thành phố triển khai chương trình bình chọn “Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích”. Đồng chí có thể cho biết rõ hơn về chương trình năm nay?

- Chương trình bình chọn “Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích” là cách làm sáng tạo, hiệu quả của Ban Chỉ đạo cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” TP Hà Nội, với mục tiêu hiện thực hóa quyền và lợi ích của người tiêu dùng, cũng như tạo động lực cho doanh nghiệp Việt Nam tiếp tục nâng cao chất lượng, cải tiến công nghệ, chiếm lĩnh thị phần nội địa, tạo đà cạnh tranh quốc tế.

Chương trình được tổ chức từ tháng 8 đến tháng 11-2018 nhằm lựa chọn các sản phẩm tiêu biểu của doanh nghiệp Việt để người tiêu dùng bình chọn, từ đó, tôn vinh các sản phẩm, giúp người tiêu dùng nhận biết các sản phẩm tốt, uy tín, chất lượng, phù hợp với thị hiếu. Đồng thời đây cũng là động lực để doanh nghiệp nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân. Các sản phẩm được bình chọn sẽ được trao giấy chứng nhận, được sử dụng danh hiệu “Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích” trong việc truyền thông, quảng bá và được tham gia trưng bày, giới thiệu trên các ấn phẩm, hội chợ, triển lãm thương mại của thành phố.

Đặc biệt, tất cả các sản phẩm, dịch vụ được người tiêu dùng bình chọn sẽ được in trên ấn phẩm quảng bá đến khách du lịch trong và ngoài nước. Đây là kênh thông tin chính thống, bảo đảm quyền lợi của các đơn vị tham gia chương trình bình chọn.

Nguyên tắc của Hội đồng giám khảo cùng các chuyên gia đầu ngành là làm việc khách quan, trung thực, bình chọn theo đúng tiêu chí, bảo đảm đúng chất lượng sản phẩm.

- Vậy, điểm mới của chương trình bình chọn năm nay là gì, thưa đồng chí?

- Bên cạnh việc chuẩn hóa quy chế cũng như tiêu chí minh bạch, rõ ràng, Ban Tổ chức đã làm mới cách thức tiếp cận theo hướng khoa học và thuận tiện hơn. Người tiêu dùng có thể bình chọn trực tiếp qua phiếu bình chọn và bình chọn trực tuyến trên website của chương trình tại địa chỉ: binhchonhangviet.com.vn. Thay vì các doanh nghiệp tự tìm đến với chương trình bình chọn như mọi năm, thì điểm mới của chương trình năm nay là các doanh nghiệp, sản phẩm được các hiệp hội doanh nghiệp, các tổ chức, đoàn thể ở địa phương giới thiệu. Đây được xem là “bộ máy sàng lọc” để các sản phẩm đăng ký tham gia đều đã có uy tín, đáp ứng được tiêu chí của chương trình.

- Trong quá trình triển khai bình chọn, Ban Tổ chức có gặp khó khăn, vướng mắc gì không? Các đơn vị thành viên đã triển khai nhiệm vụ này đến đâu, thưa đồng chí?


- Qua quá trình triển khai, vẫn còn một số quận, huyện, thị xã chưa vào cuộc tích cực, vẫn coi đây là công việc của doanh nghiệp, của Ban Chỉ đạo cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", chứ không phải là nhiệm vụ của mình nên chưa coi trọng, ít quan tâm. Thành phố đã chỉ đạo ban chỉ đạo các cấp phải sát sao hơn trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn tuyên truyền, quảng bá sản phẩm đến người tiêu dùng. Quan trọng hơn, các quận, huyện, thị xã phải coi đây là quyền lợi, là cơ hội “vàng” để quảng bá sản phẩm có thế mạnh của địa phương, để từ đó có sự vào cuộc tích cực và trách nhiệm hơn.

- Qua theo dõi hiệu ứng từ cuộc bình chọn “Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích” những năm qua, đồng chí nhận định về sức tiêu thụ của sản phẩm được vinh danh so với những sản phẩm khác như thế nào?

- Chương trình bình chọn “Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích” của thành phố là hoạt động tiêu biểu nằm trong chuỗi hoạt động hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Hà Nội cũng là địa phương duy nhất trên cả nước tổ chức chương trình với quy mô lớn.

Sau 9 năm triển khai, chương trình đã góp phần đưa các sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp Việt đến với người tiêu dùng Thủ đô và cả nước. Các doanh nghiệp có sản phẩm được bình chọn đều mở rộng được kênh phân phối, thị trường qua các hội chợ ở các tỉnh, thành phố khác. Do đó, không chỉ người tiêu dùng Hà Nội, mà người tiêu dùng ở khắp các tỉnh, thành phố đã biết đến các sản phẩm hàng Việt Nam chất lượng cao nhiều hơn. Các doanh nghiệp cũng ngày càng có ý thức nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm để không phụ lòng người tiêu dùng. Doanh thu đối với các nhóm hàng công nghiệp nhẹ, gia dụng, y tế, chăm sóc sức khỏe... cũng tăng trưởng tốt hơn so với trước khi tham gia chương trình.

- Trân trọng cảm ơn đồng chí!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sự vào cuộc của doanh nghiệp là yếu tố then chốt

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.