Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phòng bệnh cho người cao tuổi khi trời trở lạnh

Thu Trang| 25/11/2018 06:53

(HNM) - Những ngày gần đây, thời tiết chuyển lạnh, nhiệt độ có sự chênh lệch lớn giữa ngày và đêm là điều kiện thuận lợi cho các loại vi rút, vi khuẩn gây bệnh phát triển, ảnh hưởng đến sức khỏe, nhất là với những người cao tuổi có sức đề kháng kém.

Trưởng khoa Khám bệnh - Bệnh viện Lão khoa trung ương Trần Viết Lực.


Đối mặt với biến chứng khó lường

- Xin bác sĩ cho biết, những bệnh người cao tuổi thường gặp khi thời tiết chuyển lạnh là gì?

- Việc thay đổi thời tiết từ thu sang đông ảnh hưởng xấu đến sức khỏe nếu cơ thể con người không kịp thích nghi, nhất là ở người cao tuổi. Khi trời chuyển lạnh, người cao tuổi dễ mắc các bệnh như: Cảm lạnh, cúm, viêm họng, viêm phổi, đau nhức xương khớp, da khô nứt nẻ, hạ thân nhiệt, tăng huyếp áp, tim mạch, đột quỵ... Bệnh gặp ở người cao tuổi thường nặng hơn người trẻ rất nhiều, nhất là đối với trường hợp không có triệu chứng lâm sàng điển hình. Do đó, người cao tuổi thường đi khám muộn, khi bệnh đã trở nặng.

- Mức độ nguy hiểm và cách điều trị của các bệnh đó như thế nào, thưa bác sĩ?


- Bệnh nào cũng có những nguy hiểm và ảnh hưởng nhất định đối với người bệnh. Chẳng hạn như với cảm cúm, cảm lạnh không phải là bệnh quá nghiêm trọng nếu được chữa trị kịp thời. Tuy nhiên, nếu chủ quan, bệnh tình sẽ nặng hơn, gây nguy hiểm, thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng. Hay như khi trời chuyển lạnh bất ngờ, nhiệt độ chênh lệch giữa ngày và đêm lớn, làm cho da bị phát ban, mẩn ngứa, khô nứt nẻ cũng khiến cho việc sinh hoạt hằng ngày trở nên bất tiện, khó chịu. Ngoài ra, đau nhức xương khớp khi thời tiết thay đổi là nỗi ám ảnh của nhiều người. Và mùa lạnh cũng là mùa khiến những người mắc bệnh tim mạch, huyết áp dễ đối mặt với những biến chứng khó lường như: Suy tim, đột quỵ, tai biến… dễ gây tử vong hoặc tàn phế nếu không được sơ cứu, cấp cứu sớm.

Do đó, khi phát hiện những bất thường ở người cao tuổi, gia đình phải đưa các cụ đi khám bệnh sớm vì bệnh chỉ ngày một nặng thêm chứ khó tự vượt qua được do sức đề kháng của cơ thể đã suy yếu.

- Nhiều nghiên cứu cũng cho thấy, khi trời chuyển lạnh, số bệnh nhân bị đột quỵ cũng như các bệnh lý tim mạch tăng tới 25%. Vậy theo bác sĩ, nguyên nhân do đâu?

- Thời tiết giao mùa như hiện nay đôi khi trở thành hiểm họa cho người mắc bệnh tim mạch bởi những biến chứng nguy hiểm dễ dàng xảy ra như: Tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, đột quỵ... Đặc biệt, ở những người cao tuổi có bệnh mạn tính, sự thay đổi thời tiết sẽ làm bệnh nặng lên. Thêm vào đó, khi thời tiết chuyển lạnh, huyết áp bao giờ cũng có xu hướng tăng cao, có nguy cơ đột quỵ.

Thứ hai là khi trời lạnh, cơ thể của chúng ta thường có hiện tượng co mạch, từ đó máu dễ bị đông hơn nên rất dễ gây tắc nghẽn mạch và đó chính là nguyên nhân gây đột quỵ.

Nguyên nhân thứ ba là trong môi trường lạnh, người bệnh thường dễ bị mắc các bệnh nhiễm trùng và cúm. Điều này làm cho những người bị mắc các bệnh nền trước đó dễ dàng bị đột quỵ hơn những bệnh nhân thông thường. Đột quỵ là căn bệnh cấp tính, đột ngột, có tính chất nguy hiểm cao. Bệnh có thể khiến cho phần não liên quan bị tổn thương, không thể hoạt động được. Người bị đột quỵ rơi vào tình trạng bỗng dưng đổ gục xuống, hôn mê và đối mặt với di chứng tàn tật, thậm chí tử vong.

- Với tính chất nguy hiểm của đột quỵ, việc phát hiện sớm những dấu hiệu của bệnh rất quan trọng, thưa bác sĩ?


- Đúng vậy! Việc phát hiện sớm những dấu hiệu của bệnh để giảm thiểu những biến chứng nguy hiểm và hạn chế tối đa nguy cơ tử vong. Do đó, “thời gian vàng” cấp cứu đột quỵ là khoảng từ 3 đến 5 giờ, tính từ lúc bệnh nhân xuất hiện các dấu hiệu như: Méo miệng, nói đớ, nhìn mờ, đột ngột yếu, tê mặt, tay chân, đau đầu, chóng mặt dữ dội… Khi phát hiện người bị đột quỵ nên gọi cấp cứu và đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế càng sớm, càng tốt. Tuyệt đối không để bệnh nhân ở nhà, dùng thuốc không rõ nguồn gốc hoặc sử dụng phương pháp dân gian trị bệnh. Trong lúc chờ xe cấp cứu nên để bệnh nhân ở tư thế nằm nghiêng, gối cao đầu, nới rộng quần áo vùng cổ. Nếu bệnh nhân có răng giả thì phải lấy ra. Tuyệt đối không cho bệnh nhân ăn hay uống bất kỳ thứ gì để tránh bị sặc.

Tránh chữa bệnh này làm nặng thêm bệnh khác

- Người cao tuổi dễ mắc cùng lúc nhiều bệnh. Việc phối hợp dùng thuốc điều trị bệnh này có thể làm nặng thêm bệnh kia không, thưa bác sĩ?

- Người cao tuổi cùng lúc có thể mắc nhiều bệnh và thường mong muốn sớm chữa khỏi tất cả nên khám nhiều nơi hoặc tự ý dùng nhiều thuốc. Việc dùng quá nhiều thuốc tạo một gánh nặng trong chuyển hóa, nghiêm trọng hơn có thể xảy ra các tương tác bất lợi. Chẳng hạn, người cao tuổi đang dùng thuốc chữa bệnh suy tim sung huyết, khi gặp dị ứng do thời tiết lại vội vã dùng corticoid. Corticoid giữ nước gây phù, làm nặng thêm tình trạng suy tim sung huyết.

Do vậy, trong trường hợp người cao tuổi có sẵn một bệnh mạn tính khi muốn dùng thuốc (kể cả thuốc thông thường không yêu cầu bán theo đơn) để chữa bệnh khác nên hỏi kỹ bác sĩ để việc dùng thêm thuốc đó sẽ không ảnh hưởng đến việc điều trị bệnh lý nền. Trong trường hợp cần điều trị nhiều bệnh, thầy thuốc có thể sẽ chọn điều trị bệnh theo thứ tự trước sau hoặc chỉ điều trị bệnh trọng tâm, tùy theo từng trường hợp cụ thể. Ngoài ra, liều dùng phải thích hợp với từng loại bệnh và luôn xem xét, cân nhắc kỹ lưỡng giữa lợi và hại; tương tác giữa các loại thuốc; chức năng gan - thận, không để tình trạng chữa được bệnh này lại làm nặng thêm bệnh khác. Khi người cao tuổi cần sử dụng thuốc trong một thời gian dài, phải thực hiện đầy đủ chế độ theo dõi, giám sát, kiểm tra, đánh giá, nhận định kết quả điều trị theo từng thời gian, từng giai đoạn và điều chỉnh liều lượng thuốc, loại thuốc cần thiết.

- Để phát huy cao nhất tác dụng điều trị của thuốc và hạn chế thấp nhất tác dụng phụ, người cao tuổi cần lưu ý điều gì?

- Người cao tuổi không nên tự ý sử dụng thuốc, tốt nhất hãy dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Khi bác sĩ cho đơn thuốc, phải dùng đúng thuốc theo đơn. Không chạy chữa theo lời mách bảo, đồn đại hoặc tự ý dùng thêm thuốc khi chưa hỏi ý kiến của bác sĩ điều trị. Khi đang dùng thuốc, nếu thấy có những rối loạn, những phản ứng bất thường, người cao tuổi không nên tự ý bỏ, ngưng thuốc hoặc thay thế thuốc khác mà nên trở lại khám bác sĩ đã chỉ định thuốc để họ cho hướng xử lý thích hợp. Nếu người cao tuổi có nguy cơ bị suy giảm trí nhớ thì không nên tự dùng thuốc mà cần có người thân chăm lo, giữ và cho dùng thuốc theo giờ quy định. Bởi trong thực tế đã có trường hợp người cao tuổi bị ngộ độc thuốc vì không nhớ đã uống thuốc rồi nên uống thêm hoặc có trường hợp uống thuốc dạng nhỏ giọt quá liều do đếm sai…

Phòng bệnh hơn chữa bệnh

- Theo bác sĩ, những thói quen nào trong sinh hoạt hằng ngày người cao tuổi nên tránh để không làm ảnh hưởng đến sức khỏe?

- Với những lưu ý nêu trên, ở người cao tuổi việc phòng bệnh quan trọng hơn chữa bệnh. Để giảm thiểu nguy cơ bị nhiễm bệnh trong điều kiện thời tiết như hiện nay, người cao tuổi cần hạn chế đi ra ngoài khi thời tiết quá lạnh và gió mạnh (từ 21h đêm đến 6h sáng). Ngoài ra, người cao tuổi cần bỏ thói quen dậy sớm tập thể dục, nhất là với những người có tiền sử bệnh cao huyết áp, bệnh mạch vành, bệnh về mạch máu và các bệnh mạn tính phổ biến… Bởi vào sáng sớm, khi nhiệt độ xuống thấp, nguy cơ mắc đột quỵ rất cao. Nguyên nhân do sau giấc ngủ đêm, huyết áp cơ thể giảm, các mảng vữa hình thành ở các mạch máu có thể làm tăng huyết áp đột ngột. Cùng với đó là các bệnh như: Cảm lạnh, viêm khớp, viêm phổi… dễ xảy ra do đi ra ngoài trời quá lâu vào buổi sáng sớm. Thậm chí, một số người còn bị trúng gió, méo mặt, viêm xoang, đau tim, hạ thân nhiệt đột ngột… do nhiễm lạnh.

Mặt khác, cần tránh tiếp xúc với khói thuốc, khói bếp than; không nên uống rượu, bia vì uống rượu càng làm co thắt mạch máu gây tăng huyết áp, có thể dẫn tới đột quỵ, tử vong. Không nên tắm sau 22h, tắm quá lâu hoặc tắm nơi không kín gió vì dễ bị sốc nhiệt, nguy hiểm đến tính mạng.

- Vậy, để phòng bệnh hiệu quả, người cao tuổi cần tuân thủ chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt như thế nào?

- Hằng ngày, người cao tuổi cần vệ sinh miệng, họng sạch sẽ, nhất là súc miệng bằng nước ấm có pha muối loãng giúp sát trùng cổ, họng và hạn chế viêm họng. Thường xuyên rửa tay với xà phòng để loại bỏ vi khuẩn. Ngoài ra, người cao tuổi cần xây dựng một chế độ ăn, uống đủ chất bảo đảm năng lượng cho cơ thể chống rét. Trong bữa ăn hằng ngày cần bổ sung đầy đủ bốn nhóm chất cơ bản, gồm: Tinh bột, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất. Tránh ăn uống đồ lạnh, đồ ăn vừa lấy từ tủ lạnh ra vì dễ làm cơ thể nhiễm lạnh.

Để phòng bệnh hiệu quả, người cao tuổi cần phải bảo đảm ăn uống đúng giờ, đúng bữa, giữ nếp sinh hoạt bình thường. Ngoài ra, người già cần chú ý uống đủ nước dù trời lạnh, nên dùng nước nấu chín, các loại nước ép trái cây tươi. Ở trong nhà cũng như khi ra ngoài, người già cần chú ý giữ ấm đầu, cổ, bàn chân; tránh ở lâu ngoài trời, thức khuya trong những ngày trời lạnh để phòng bệnh cảm lạnh, viêm phổi, tim mạch... Người cao tuổi vẫn cần duy trì chế độ tập thể dục, dưỡng sinh, hoặc đi lại, vận động cơ thể nhưng không nên ra khỏi nhà khi thời tiết còn lạnh, nhất là lúc đang có gió mùa.

- Trân trọng cảm ơn bác sĩ!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phòng bệnh cho người cao tuổi khi trời trở lạnh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.