Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tạo "cú hích" trong quản lý và phát triển thể dục thể thao

Mai Hoa| 06/01/2019 06:58

(HNM) - Sớm triển khai Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục thể thao mới được Quốc hội thông qua năm 2018 là một trong những nhiệm vụ hàng đầu nhằm tạo

Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục thể thao Vương Bích Thắng. Ảnh: Bùi Lượng


Thêm hành lang pháp lý

- Thưa ông, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục thể thao (TDTT) được Quốc hội thông qua ngày 14-6-2018, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2019 có ý nghĩa thế nào đối với sự phát triển chung của ngành TDTT?

- Qua hơn 10 năm thực hiện, Luật TDTT đã có tác động tích cực đến phát triển sự nghiệp TDTT, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về TDTT, tạo ra được cơ chế, chính sách phù hợp huy động mọi nguồn lực trong xã hội vào phát triển TDTT nhằm nâng cao sức khỏe, phát triển thể lực toàn dân, góp phần hình thành và bồi dưỡng nhân cách con người Việt Nam, phục vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế...

Tuy nhiên, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế, hoạt động TDTT đã có bước phát triển với sự tham gia của các tầng lớp nhân dân, cộng đồng dân cư, các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế; nhu cầu chính đáng về tham gia hoạt động, cũng như hưởng thụ các giá trị của TDTT trong mọi tầng lớp nhân dân ngày một nâng cao; công tác quản lý, điều hành TDTT trong cơ chế thị trường theo hướng chuyên nghiệp, yêu cầu đẩy mạnh xã hội hóa và phát triển các dịch vụ TDTT đòi hỏi phải được đáp ứng về mặt thể chế... Bởi vậy, một số quy định trong Luật TDTT không còn phù hợp hoặc không đáp ứng kịp những đòi hỏi của thực tiễn, cần thiết phải sửa đổi, bổ sung.

Việc Quốc hội ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật TDTT tạo một hành lang pháp lý đáp ứng kịp thời những đòi hỏi của thực tiễn, thúc đẩy thể dục, thể thao nước ta phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.

- Ông có thể cho biết về những điểm mới của Luật sửa đổi?

- Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật TDTT trực tiếp sửa đổi, bổ sung 22 điều; bổ sung 2 điều mới; bãi bỏ 1 điều của Luật TDTT 2006, trong đó tập trung sửa đổi, bổ sung một số nội dung sau: Chính sách của Nhà nước đối với phát triển TDTT quần chúng; trách nhiệm của bộ, ngành, của nhà trường các cấp đối với công tác giáo dục thể chất và hoạt động thể thao trong nhà trường; chính sách huy động các nguồn lực xã hội hóa hoạt động thể thao, vấn đề đặt cược thể thao. Các quy định về quản lý doanh nghiệp thể thao, hộ kinh doanh thể thao cho phù hợp với Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư; sửa đổi, bổ sung một số chế độ, chính sách đối với vận động viên, huấn luyện viên thể thao…

- Đã từng có ý kiến về việc phải làm rõ quyền và nghĩa vụ của vận động viên thể thao thành tích cao trong luật, vấn đề này đã được điều chỉnh thế nào, thưa ông?

- Tại Luật TDTT năm 2006, quyền và nghĩa vụ của vận động viên thể thao thành tích cao chưa được phân chia rõ ràng; chế độ, chính sách còn thiếu, đặc biệt có một số vận động viên, huấn luyện viên trong quá trình tập luyện và thi đấu thể thao không may bị tai nạn, mất khả năng lao động hoặc chết nhưng bản thân, gia đình chưa được hưởng các chế độ trợ cấp của Nhà nước, cuộc sống khó khăn, thiếu thốn. Do đó cần phải có chính sách cho các vận động viên có thành tích xuất sắc không may bị tai nạn trong khi tập luyện, thi đấu thể thao mà mất khả năng lao động hoặc chết thì vận động viên hoặc thân nhân được hưởng chế độ trợ cấp tương tự như các đối tượng chính sách khác.

Luật sửa đổi, bổ sung tập trung sửa đổi, bổ sung quyền và nghĩa vụ của vận động viên thành tích cao theo hướng phân định rõ giữa quyền và nghĩa vụ, tăng cường chính sách ưu đãi cho vận động viên, đặc biệt là trong trường hợp vận động viên đội tuyển quốc gia, đội tuyển tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, ngành bị tai nạn trong khi tập luyện, thi đấu thể thao.

- Theo ông, Luật sửa đổi, bổ sung tạo “cú hích” nào đối với thể thao học đường - vấn đề mang ý nghĩa cốt lõi trong sự phát triển bền vững của thể thao Việt Nam?

- Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật TDTT đã bổ sung quy định mới về việc nhà nước có chính sách dành đất đai, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho giáo dục thể chất và thể thao trong nhà trường, bảo đảm đủ giáo viên, giảng viên thể dục thể thao cho các bậc học; ưu tiên phát triển môn bơi, võ cổ truyền và các môn thể thao dân tộc... Điều đó giúp nâng cao chất lượng công tác giáo dục thể chất và hoạt động thể thao trong nhà trường, nâng cao sức khỏe, phát triển thể lực, tầm vóc và kỹ năng vận động cơ bản, góp phần hình thành nhân cách và giáo dục toàn diện cho học sinh, sinh viên, đồng thời góp phần phát hiện năng khiếu, đào tạo tài năng thể thao cho đất nước. Ngoài ra, Luật sửa đổi, bổ sung cũng quy định nhà trường có trách nhiệm tổ chức thi đấu thể thao ít nhất một lần trong mỗi năm học phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý lứa tuổi của người học và điều kiện cơ sở vật chất.

- Các quy định pháp lý đối với khuyến khích đầu tư, phát triển thể thao chuyên nghiệp có sự điều chỉnh thế nào, thưa ông?

- Thể thao chuyên nghiệp ở Việt Nam đã có bước phát triển tích cực, thúc đẩy sự phát triển phong trào tập luyện TDTT quần chúng, nâng cao thành tích thể thao Việt Nam trên đấu trường thể thao quốc tế. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật TDTT đã quy định rõ các nội dung khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia phát triển thể thao chuyên nghiệp (Khoản 2 Điều 44); bổ sung quy định về việc các câu lạc bộ thể thao chuyên nghiệp được hưởng các chính sách ưu đãi theo quy định của pháp luật để phục vụ hoạt động thể thao chuyên nghiệp. Đồng thời, Luật đã sửa đổi quy định về điều kiện kinh doanh hoạt động thể thao chuyên nghiệp của câu lạc bộ thể thao chuyên nghiệp tại các Điều 50, 51 theo hướng tạo điều kiện cho các câu lạc bộ thể thao chuyên nghiệp thực hiện hoạt động kinh doanh thể thao chuyên nghiệp được thuận lợi, phù hợp với quy định của Luật Đầu tư và các quy định của các tổ chức thể thao quốc tế. Đặc biệt, trong Luật sửa đổi, bổ sung lần này, Quốc hội đã thông qua quy định cho phép đặt cược thể thao, tạo điều kiện để tăng thêm các nguồn lực cho hoạt động TDTT sau này.

Bám sát thực tiễn trong quá trình triển khai

- Tổng cục TDTT đã và đang làm gì để từng bước triển khai luật mới một cách hiệu quả trong thực tiễn, thưa ông?

- Ngay sau khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật TDTT được thông qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật TDTT, trong đó có các nội dung: Xây dựng thể chế bao gồm: Xây dựng Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật TDTT; Nghị định quy định một số chế độ, chính sách cho vận động viên, huấn luyện viên thể thao thành tích cao; Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thể thao và các Thông tư của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để quản lý các hoạt động TDTT. Tuyên truyền, phổ biến Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật TDTT ở trung ương và địa phương.

Vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 152/2018/NĐ-CP ngày 7 tháng 11 năm 2018 quy định một số chế độ đối với huấn luyện viên, vận động viên thể thao trong thời gian tập trung tập huấn, thi đấu thay thế Quyết định số 32/2011/QĐ-TTg. Hiện nay, Tổng cục TDTT đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch giao trực tiếp thực hiện nhiệm vụ xây dựng dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật TDTT. Trong đó, dự thảo Nghị định cũng có những quy định liên quan đến chế độ chính sách cho vận động viên, huấn luyện viên thể thao thành tích cao như: Việc chăm sóc sức khỏe và chữa trị chấn thương, chế độ dinh dưỡng đặc thù, cũng như việc bảo đảm học tập văn hóa, chính trị, chuyên môn, ưu đãi về đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, học nghề và giải quyết việc làm...

- Điều này sẽ góp phần tạo sự yên tâm cho các vận động viên, huấn luyện viên đeo đuổi sự nghiệp thể thao đỉnh cao?

- Giúp vận động viên yên tâm luyện tập, cống hiến cho sự nghiệp đỉnh cao, tạo sự phát triển bền vững cho thể thao Việt Nam là nội dung luôn được đặc biệt quan tâm. Có những điều khoản rất cụ thể, ví như cơ sở sử dụng vận động viên thể thao thành tích cao có trách nhiệm kiểm tra sức khỏe ban đầu cho vận động viên ngay khi tuyển chọn, phải kiểm tra sức khỏe định kỳ ít nhất 2 lần/1 năm trong quá trình tập trung đào tạo, cũng như kiểm tra sức khỏe trước khi thi đấu.

Trường hợp đặc biệt, các vận động viên trọng điểm sẽ được chữa trị ở nước ngoài nếu cần. Hay như việc khuyến khích các đơn vị bố trí cho vận động viên được học ngoại ngữ và tin học theo các trình độ, xét đặc cách tốt nghiệp trung học cơ sở, trung học phổ thông nếu thời gian thi trùng với thời gian vận động viên tập huấn ở nước ngoài hoặc tham dự thi đấu tại các giải thể thao quốc tế... Huấn luyện viên, vận động viên các đội tuyển quốc gia hoàn thành nhiệm vụ tham gia thi đấu trong các giải đấu quốc tế lớn được ưu tiên xét tuyển thẳng trong tuyển sinh vào các cơ sở giáo dục chuyên ngành TDTT hoặc các ngành TDTT của các cơ sở giáo dục. Đặc biệt, vận động viên đạt huy chương tại Olympic Games, ASIAD, SEA Games được ưu tiên xét tuyển đặc cách làm việc tại các cơ sở thể thao phù hợp với vị trí việc làm cần tuyển dụng của cơ sở thể thao, được cộng điểm ưu tiên trong tuyển dụng lao động tại các cơ sở thể thao...

Đây là một trong những động lực quan trọng giúp đội ngũ huấn luyện viên, vận động viên yên tâm với nghề nghiệp, nỗ lực tập luyện để đạt được thành tích xuất sắc trong thi đấu, đồng thời có tác dụng thu hút được nhân tài tham gia các hoạt động thể thao thành tích cao, thể thao chuyên nghiệp ở nước ta.

- Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tạo "cú hích" trong quản lý và phát triển thể dục thể thao

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.