Theo dõi Báo Hànộimới trên

"Sửa đổi nghị định biểu diễn để giảm các thủ tục cấp phép rườm rà"

Hoàng Lân (ghi)| 13/02/2019 11:51

(HNMO) -  Cục Nghệ thuật biểu diễn (NTBD) lập Hội đồng tư vấn để xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi về lĩnh vực biểu diễn nghệ thuật. Để rộng đường dư luận, Cục trưởng Cục NTBD - NSND Nguyễn Quang Vinh có những giải thích rõ hơn về những nội dung sửa đổi trong dự thảo Nghị định lần này.


NSND Nguyễn Quang Vinh - Cục trưởng Cục NTBD.


* Xin ông nói rõ hơn về chủ trương mà Chính phủ vừa đồng ý để Bộ VH,TT&DL xây dựng, điều chỉnh lại Nghị định hoạt động biểu diễn nghệ thuật?

- Trước những bất cập, nhiều nội dung không còn phù hợp với tình hình biểu diễn, nghệ thuật được quy định trong Nghị định 79/2012/NĐ-CP và 15/2016/NĐ-CP, Bộ VH,TT&DL đã có đề xuất, kiến nghị lên Chính phủ cho phép sửa đổi hai nghị định nói trên để phù hợp với tình hình thực tiễn. Vừa qua, Chính phủ đã đồng ý về chủ trương cho Bộ VH,TT&DL xây dựng, điều chỉnh lại Nghị định hoạt động biểu diễn. Theo đó, một số đề xuất của Bộ VH,TT&DL trong dự thảo tờ trình xin ý kiến Chính phủ cũng được đồng ý. Bộ VH,TT&DL đã giao cho Cục NTBD thành lập Hội đồng tư vấn để thực hiện soạn thảo dự thảo Nghị định mới.

Trước đó, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khi làm việc với ngành văn hóa cũng nhấn mạnh rằng, những gì còn bất cập trong khâu quản lý được quy định trong Nghị định thì phải nhanh chóng điều chỉnh. Những điều chỉnh này cần phải được lấy ý kiến rộng rãi dư luận để nhân dân góp ý thì mới có thể đi vào đời sống tốt hơn. Trên tinh thần ấy, lần này, trước khi soạn thảo dự thảo Nghị định mới, Cục NTBD đã đưa ra những nội dung sửa đổi để lấy ý kiến thêm từ phía dư luận, người dân.

* Một trong những nội dung đáng chú ý trong Nghị định sửa đổi lần này là bỏ cấp phép các ca khúc trước năm 1975. Điều này có gây nên xáo trộn gì cho hoạt động biểu diễn nghệ thuật không, thưa ông?

- Việc sửa đổi Nghị định lần này trên tinh thần giảm bớt các thủ tục hành chính, tháo bỏ cơ chế “xin-cho” để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động biểu diễn được thông thoáng hơn, nhưng không vì thế mà thiếu đi sự chặt chẽ. Thực tế, quy định về việc cấp phép cho các ca khúc trước năm 1975 mới được lưu hành đã không còn phù hợp.

Cục NBTD sẽ xây dựng Nghị định mới, theo hướng xóa bỏ ranh giới ca khúc sáng tác trước và sau năm 1975. Tất cả các bài hát không có nội dung phản cảm, đi ngược lại lợi ích của đất nước sẽ được tự do hát, không cần xin cấp phép phổ biến. Ngược lại, đơn vị, cá nhân sử dụng bài hát vi phạm những quy định nói trên sẽ bị xử phạt, buộc phải gỡ bỏ trên phương tiện truyền thông.

Theo sửa đổi Nghị định mới, Cục NTBD sẽ bỏ việc cấp phép các ca khúc trước năm 1975.


* Làm thế nào để biết được bài hát nào được phép và không được phép nếu như Cục NTBD không cung cấp danh sách các ca khúc không được phép lưu hành, thưa ông?

- Trước mắt chúng tôi sẽ xây dựng dự thảo Nghị định, bước tiếp theo là phải số hóa cơ sở dữ liệu mà Cục NTBD đang quản lý. Các địa phương chỉ cần nhập cơ sở dữ liệu là có thể trích lục thông tin.

* Theo như dự thảo sửa đổi Nghị định thì có vẻ như Cục NBTD đã phân quyền nhiều hơn cho các địa phương, để các địa phương tự quản lý và tự chịu trách nhiệm. Việc này, liệu có gây áp lực cho các địa phương trong khi có thể việc quản lý ở từng địa phương lại thiếu sự thống nhất?

- Đúng là Nghị định mới sẽ tăng quyền quản lý về các địa phương, mở rộng hơn hoạt động biểu diễn nghệ thuật. Cục NBTD chỉ có trách nhiệm quản lý những vấn đề mang tính quốc gia, còn những vấn đề biểu diễn ở địa phương phải do địa phương đó quản lý và chịu trách nhiệm. Cơ quan, đơn vị tổ chức biểu diễn ở địa phương nào thì sẽ xin cấp phép ở địa phương đó. Nếu xảy ra sai phạm, địa phương ấy sẽ phải chịu trách nhiệm xử lý, xử phạt theo quy định chung.

Ngay cả việc cấp phép biểu diễn cho các nghệ sĩ hải ngoại về nước biểu diễn, Cục NBTD sẽ có cơ chế mở hơn để tạo điều kiện các nghệ sĩ hoạt động nghệ thuật. Cục chỉ cấp phép nghệ sĩ hải ngoại về Việt Nam biểu diễn trong khoảng thời gian 3 tháng, 6 tháng hoặc 1 năm. Trong khoảng thời gian ấy, nghệ sĩ biểu diễn ở đâu, ca khúc gì sẽ do cơ quan quản lý văn hóa ở địa phương cấp phép, quản lý.

Việc cấp phép cho người đẹp dự thi quốc tế cũng được nới lỏng hơn.


* Một trong những nội dung cũng được quan tâm mà dự thảo Nghị định mới đề cập đó là vấn đề cấp phép cho các cuộc thi sắc đẹp sẽ được “nới lỏng” hơn. Ông có thể nói rõ hơn việc này?

- Theo quy định hiện hành, thí sinh đại diện Việt Nam phải đạt danh hiệu hoa hậu, á hậu, hoa khôi một cuộc thi trong nước thì mới được cấp phép dự thi quốc tế. Thời gian tới, Cục sẽ xem xét lại việc này, bỏ bớt thủ tục để tạo điều kiện cho công dân Việt Nam nếu đạt yêu cầu của phía đối tác nước ngoài đều có thể dự thi. Cục dự tính một số phương án thực hiện như: Chỉ cấp phép cho thí sinh tham gia một số cuộc thi quốc tế lớn với tư cách đại diện Việt Nam. Những cuộc thi nhỏ khác, ai đủ điều kiện của ban tổ chức có thể tự do tham dự với tư cách cá nhân. Phương án 2 là sẽ bỏ hoàn toàn việc cấp phép các thí sinh dự thi quốc tế.

* Trước kia, vì tình trạng mạnh ai nấy thi dẫn đến tình trạng “loạn” hoa hậu, Bộ VH,TT&DL mới xây dựng Nghị định 79/2012/NĐ-CP để siết chặt quản lý. Giờ Nghị định mới lại nới lỏng quản lý, ông có lo ngại tình trạng “loạn” danh hiệu lại xảy ra?

- Hiện chúng tôi đang tính toán các phương án và đang lấy ý kiến trước khi đưa vào dự thảo. Ở các cuộc thi trong nước, Cục NTBD cũng chỉ cấp phép cho 2 cuộc thi hoa hậu cấp quốc gia. Những cuộc thi cấp tỉnh, thành phố sẽ do địa phương cấp và chỉ là các cuộc thi hoa khôi, người đẹp, người mẫu.

Những cuộc thi mang tính quốc tế, Cục NTBD sẽ căn cứ tình hình thực tế và tiếp tục lấy ý kiến để đưa ra phương án phù hợp, nhưng cơ bản vẫn là giảm các thủ tục cấp phép để tạo điều kiện cho mọi công dân.

Còn việc có thể gây tình trạng “loạn” hoa hậu hay không, tôi cho rằng, cơ bản nhất là người đẹp dự thi có đáp ứng được tiêu chí của ban tổ chức hay không. Khi về nước, nếu không được tung hô quá đà thì cũng không thể “loạn” được.

* Bao giờ dự thảo Nghị đình này sẽ hoàn tất và được lấy ý kiến rộng rãi, thưa ông?


- Dự kiến, đến tháng 9, Cục NTBD sẽ hoàn tất dự thảo Nghị định, sau đó Cục sẽ tổ chức các hội nghị, lấy ý kiến rộng rãi từ các cơ quan quản lý, các địa phương và người dân đóng góp để hoàn chỉnh trước khi ban hành.

* Xin cảm ơn ông về những chia sẻ!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
"Sửa đổi nghị định biểu diễn để giảm các thủ tục cấp phép rườm rà"

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.