Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thu phí tự động không dừng: Tiến độ chưa đáp ứng yêu cầu

Tuấn Lương| 15/02/2019 07:39

(HNM) - Đến thời điểm này, cả nước mới có khoảng 200.000 phương tiện sử dụng dịch vụ thu phí tự động không dừng trong tổng số khoảng 700.000 phương tiện đã dán thẻ. Tiến độ triển khai Dự án thu phí tự động không dừng hiện chưa đáp ứng được yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ cũng như mong muốn của người dân...

Trạm thu phí tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình. Ảnh: Chí Chung


- Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đến hết năm 2018, tất cả các trạm thu phí trên quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh phải áp dụng thu phí tự động không dừng. Tiến độ triển khai đến nay ra sao, thưa ông?

- Dự án thu phí tự động không dừng giai đoạn 1 triển khai trên quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh, phạm vi ban đầu theo hợp đồng ký kết có 28 trạm, tuy nhiên chỉ 26 trạm đủ điều kiện triển khai. Tháng 8-2018, Bộ Giao thông - Vận tải bổ sung thêm 18 trạm với 430 làn, nâng tổng số thành 44 trạm với 605 làn. Đến nay, nhà cung cấp dịch vụ là Công ty TNHH Thu phí không dừng VETC đã lắp đặt được 29 trạm với tổng số 109 làn. Mục tiêu ban đầu của dự án vẫn cơ bản đạt được và đều đã đưa vào vận hành tối thiểu hai làn thu phí tự động không dừng của tất cả các trạm trên quốc lộ 1 và quốc lộ 14. Tuy nhiên phải thừa nhận tiến độ như vậy vẫn chưa đáp ứng được mong muốn của người dân và yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt là đối với phạm vi bổ sung 18 trạm của dự án.

- Xin ông cho biết nguyên nhân dẫn tới việc chậm tiến độ hiện nay?

- Trước tiên là năng lực tài chính của nhà cung cấp dịch vụ. Trong dự án ban đầu, phương án tài chính lập chưa phù hợp dẫn đến nguồn thu của dự án không đáp ứng được yêu cầu. Phía ngân hàng nhận thấy khó khả thi nên không giải ngân dẫn tới dự án không triển khai tiếp. Trước tình hình đó, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã báo cáo Bộ Giao thông - Vận tải và Bộ báo cáo Thủ tướng Chính phủ xin điều chỉnh phương án tài chính và cơ chế tổ chức thu. Tháng 11-2018, Thủ tướng Chính phủ có quyết định điều chỉnh, trên cơ
sở đó các bên liên quan mới tiến hành đàm phán lại để điều chỉnh phương án, phụ lục hợp đồng làm cơ sở cho nhà cung cấp dịch vụ tiếp tục vay vốn của ngân hàng.

Thứ hai, đến thời điểm này chưa có nhà đầu tư BOT nào phản đối chủ trương nhưng thực sự phối hợp để triển khai thì rất ít. Nhiều nhà đầu tư bằng cách này cách khác nêu lý do để chậm thực hiện.

Thứ ba, một số vấn đề liên quan đến lĩnh vực ngân hàng đã gây khó khăn cho việc thanh toán của chủ phương tiện, chưa thực sự tạo thuận lợi cho người dân.

- Tại sao không áp dụng chế tài dừng thu phí nếu các trạm BOT không đáp ứng được tiến độ thu phí không dừng, thưa ông?


- Cái khó ở chỗ lỗi chậm tiến độ không phải là của nhà đầu tư BOT. Nếu nhà đầu tư BOT chống đối thì mình mới có thể yêu cầu dừng thu phí. Mà nguyên nhân chậm ở đây chủ yếu lại ở nhà cung cấp dịch vụ. Xử lý nhà cung cấp dịch vụ cũng rất khó vì hiện mới có duy nhất một đơn vị đủ điều kiện. Tới đây khi triển khai giai đoạn 2, sau khi đấu thầu, có từ 2 nhà cung cấp thì mới có sự cạnh tranh và chế tài để xử lý. Theo kế hoạch, đầu tháng 3-2019 sẽ tiến hành mở thầu giai đoạn 2, tới tháng 4-2019 có kết quả đấu thầu để ký hợp đồng. Hiện có 4 nhà thầu tham gia, trong đó có 2 tập đoàn lớn là Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) và Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT).

- Nhiều ý kiến cho rằng, nhà đầu tư BOT ngại minh bạch nguồn thu phí nên chậm triển khai. Vậy giải pháp nào để bảo đảm sự minh bạch?


- Để minh bạch thu phí thì phải đẩy nhanh triển khai thu phí tự động không dừng, phải thực hiện giám sát 3 bên: Nhà đầu tư BOT, nhà cung cấp dịch vụ và cơ quan quản lý nhà nước. Ngoài ra, Tổng cục đang triển khai Dự án quản lý giám sát, khai thác dữ liệu thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ. Với hệ thống này, dữ liệu thu phí sẽ được truyền trực tiếp từ các trạm về hệ thống trung tâm của Tổng cục. Phần mềm này sẽ có các công cụ để phân tích các giao dịch bất thường. Đây là một kênh độc lập giúp cơ quan quản lý nhà nước giám sát hoạt động thu phí tốt hơn. Theo kế hoạch, trong quý I-2019 sẽ triển khai thí điểm hình thức giám sát thu phí này đối với 3 trạm, nếu hiệu quả sẽ tiến hành nhân rộng.

Để đẩy nhanh tiến độ dự án thì cần phải có giải pháp tháo gỡ phương án tài chính cho nhà cung cấp dịch vụ. Ngân hàng Nhà nước phải "vào cuộc" nhằm cải thiện tiện ích cho việc thanh toán của người tham gia giao thông. Về góc độ cơ quan quản lý nhà nước, Tổng cục cũng mong muốn người dân ủng hộ chủ trương và hãy sử dụng dịch vụ thu phí tự động không dừng khi có điều kiện. Thống kê cho thấy cả nước hiện đã dán thẻ cho khoảng 700.000 phương tiện nhưng chỉ có khoảng 200.000 phương tiện nạp tiền để sử dụng. Không ít xe dán thẻ nhưng không nạp tiền cũng chạy vào làn thu phí tự động gây ùn tắc do barie không mở, gây bức xúc ngược cho những người có dán thẻ, nạp tiền nhưng lại không thể đi nhanh.

- Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thu phí tự động không dừng: Tiến độ chưa đáp ứng yêu cầu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.